TIN LIÊN QUAN | |
Trăn trở với “sản phẩm” đào tạo sư phạm | |
Tiến sĩ 8X Việt ghi tên mình ở lĩnh vực vật lý giữa trời Âu |
Trên thế giới, nhiều nước định nghĩa rất ngắn gọn người được trao bằng tiến sĩ dứt khoát không thể không có cái mới, không có phát minh, cho dù những cái mới ấy có tầm vóc khác nhau.
Trong 45 đời Tổng thống Mỹ chỉ có một người có trình độ tiến sĩ. Nhìn lại ở Việt Nam, số lượng người làm hành chính, quản lý có học vị tiến sĩ đang quá nhiều, theo như nhiều nhận định là “lạm phát” tiến sĩ.
TG&VN đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) về vấn đề này.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn. (Ảnh: Tuệ Anh) |
Trước đây, đa số tiến sĩ của Việt Nam đều được đào tạo ở nước ngoài (chủ yếu là các nước Đông Âu và Liên Xô). Còn hiện tại, tiến sĩ chủ yếu được đào tạo trong nước. Theo ông, mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo để “tiệm cận” với các trường tiên tiến trên thế giới có phải là vấn đề cấp thiết trong giáo dục hiện nay của nước ta?
Khi gửi tiến sĩ đi nước ngoài dù là trước kia hay hiện nay thì bao giờ cũng phải chọn những trường uy tín. Chúng ta không nên phân biệt trường trong hay ngoài nước, bởi thực tế thì không phải cứ học ở nước ngoài là đều tốt cả.
Nước ngoài cũng có những quy chế đào tạo khác nhau. Ta không nên nói chung chung là tiệm cận với thế giới mà phải nói cần tiệm cận với các trường có uy tín trên thế giới. Nên việc nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sĩ ở bất cứ nơi nào, bất cứ trường nào, bất cứ thời điểm nào cũng là cần thiết.
Vấn đề được đặt ra là người làm quản lý có cần bằng tiến sĩ không, thưa ông?
Theo tôi cái này tùy từng vị trí, không phải vị trí quản lý thì nhất thiết phải có bằng hay trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, người có trình độ tiến sĩ thì tôi tin rằng ở một số vị trí quản lý đúng lĩnh vực chuyên ngành họ sẽ làm tốt hơn những người chưa đạt đến trình độ này.
Bởi lẽ, khi học đến trình độ tiến sĩ thì họ được rèn luyện tốt hơn về phương pháp lập luận, phương pháp tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, kể cả tính sáng tạo. Cho nên người có trình độ tiến sĩ phù hợp với lĩnh vực quản lý thì sẽ có khả năng đảm nhiệm vị trí quản lý tốt hơn. Nhưng không phải nhất thiết vị trí quản lý nào cũng phải có trình độ tiến sĩ, nhất là khi bằng tiến sĩ lại không phù hợp với lĩnh vực đó.
Phải chăng chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta còn tồn tại quá nhiều vấn đề như trình độ ngoại ngữ còn chưa đạt được như kỳ vọng, các công bố quốc tế còn khiêm tốn, ít ỏi, thưa ông?
Tôi nghĩ chắc chắn ở nhiều nơi, nhiều chỗ trong đào tạo tiến sĩ có vấn đề, cần xem lại. Ở đâu cũng cần nâng cao chất lượng. Trong giáo dục đào tạo chung ở nhiều khía cạnh theo nhìn nhận của tôi còn chưa được như mong muốn.
Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ giáo dục rất rõ rồi, cứ phải có ít nhất 2 bài báo công bố trong các tạp chí hoặc hội nghị do Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận mới đạt yêu cầu.
Thứ nhất là về công bố quốc tế, nói về bình quân số lượng công bố quốc tế không chỉ đối với nghiên cứu sinh mà kể cả các nhà khoa học đúng là ít thật. Thứ hai, thực tế số lượng công bố tùy từng ngành, tùy từng cơ sở đào tạo cũng khác nhau nên chưa có tính đồng đều.
Sự nghi ngờ về chất lượng tiến sĩ cùng với những bất cập, mặt trái trong đào tạo đã và đang làm cho “vàng thau lẫn lộn”. Từ đó kéo theo việc dư luận mất phương hướng, đánh đồng những tiến sĩ thật sự chất lượng, có đề tài nghiên cứu giá trị với những tiến sĩ chưa "đạt chuẩn". Theo PGS, đâu là lối ra cho đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay?
Rõ ràng quy củ trong đào tạo tiến sĩ, các cơ sở đào tạo trong nước cũng khác nhau. Theo tôi, quy chế đào tạo tiến sĩ cần phải được chỉnh sửa, minh bạch. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là bản thân các cơ sở giáo dục đào tạo phải đặt ra chất lượng đào tạo, tự tạo ra và khẳng định thương hiệu của mình để phát triển bền vững.
Quy chế cũng không thể bao hết được, nếu chặt quá thì không phù hợp với đặc thù của các trường, các ngành khác nhau. Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý để hệ thống giáo dục có sự cạnh tranh lành mạnh, phát triển theo cơ chế tự chủ, có trách nhiệm xã hội. Các trường sẽ phải lấy chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu làm thước đo cho việc nâng cao vị thế, uy tín của trường.
Ở nước ngoài, quy chế đào tạo tiến sĩ cũng không chặt quá. Họ đưa ra những nguyên tắc rất cơ bản. Nhưng bản thân các trường đều nhận thức rất rõ chất lượng đào tạo không chỉ tiến sĩ mà cả đào tạo đại học, thạc sĩ phải luôn luôn tìm cách cải thiện để nâng cao. Nó làm nên thương hiệu, uy tín của trường thì mới thu hút được các đề tài, dự án, các nghiên cứu sinh giỏi.
Làm sao để chúng ta làm được cách đào tạo cạnh tranh lành mạnh? Sự đầu tư, tài trợ của nhà nước cần căn cứ vào năng lực của cơ sở đào tạo. Đánh giá theo chất lượng, theo năng lực đào tạo của các nơi, lấy chất lượng đó làm cơ sở để phân bổ ngân sách nhà nước, để tài trợ, nghiên cứu sao cho hợp lý nhất.
Yếu tố tiếp theo đó là sự công khai, minh bạch của các trường trước xã hội về các điều kiện đảm bảo chất lượng, về kết quả đào tạo và nghiên cứu. Khi đó, tự các trường sẽ phải chú trọng vào chất lượng hơn chứ quy chế không phải là tất cả mà chỉ là một phần thôi. Theo tôi, đó là lối ra cho cả chất lượng đào tạo nói chung chứ không phải chỉ riêng cho tiến sĩ.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS!
Chiến lược nhân sự giúp Hàn Quốc “hóa rồng” Từ một nước lạc hậu và nghèo khó, chỉ trong vòng 3 thập kỷ qua, Hàn Quốc vươn mình trở thành một trong những “con ... |
“Chất lượng đào tạo là quyết định” “Nếu một trường đào tạo không tốt, sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm thì dù Bộ có thay đổi thế nào đi ... |
Hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo ngành Hàn Quốc học Ngày 8/4, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra Lễ khai giảng lớp học trực tuyến (KF Global e-School) do Học ... |