Họa sĩ Lý Trực Sơn. |
Giấy dó là duyên nghiệp
Lý Trực Sơn sinh năm 1949, nổi tiếng là một trong những “tài năng lứa đầu” của hội họa thời kỳ đổi mới. Là một trong những người tiên phong thể hiện hội họa trên giấy dó, ông mong muốn tìm tòi một con đường Việt trong biểu cảm mỹ thuật của mình. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao lại chọn giấy dó – một chất liệu mà những họa sĩ Việt vào thời điểm đó chưa dùng giỏi, Lý Trực Sơn lại cho rằng đó chỉ là “một sự hấp dẫn giống như cái duyên và may mắn tình cờ”.
Giấy dó là loại giấy cổ làm từ vỏ một loại cây rừng Việt Nam thời xưa, thường được dùng để viết chữ Nho (sách, sắc phong, chiếu…) và vẽ một vài loại tranh trang trí. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, giấy dó mới được quan tâm như là một chất liệu của hội họa. Theo Lý Trực Sơn, ưu điểm lớn nhất của nó là độ bền theo thời gian và có thể chấp nhận rất nhiều loại màu, thậm chí cả sơn dầu. Trong bộ tranh “Vân Dại” của mình, Lý Trực Sơn đã tìm được cách vẽ cho màu thấm và tan trên nền giấy tạo nên những hòa sắc đặc biệt.
Sinh ra tại Huế nhưng lớn lên ở đồng bằng sông Hồng, Lý Trực Sơn được nuôi dưỡng bằng văn hóa và âm thanh của miền đất này. Thời niên thiếu sống cùng đồng ruộng nông thôn, nghệ thuật hát Chèo của nông thôn Bắc Bộ đã thành niềm đam mê của ông.
Trong các vở Chèo cổ, ông thích nhân vật Xúy Vân - vai nữ đầy mâu thuẫn nội tâm, với các màn diễn độc đáo, các vũ điệu mê hoặc và âm nhạc đầy ấn tượng đồng quê. Với ông, Xúy Vân giả dại là một bi kịch lớn của sân khấu cổ Việt Nam vì chưa bao giờ cái đau khổ của con người lại được trình bày một cách lộng lẫy và kỳ ảo như thế trên sàn diễn.
Khi đi tìm một cảnh vẽ tự do để thoát ra khỏi cái gò bó chật hẹp của tranh lụa truyền thống, Lý Trực Sơn đã vẽ bộ tranh “Vân Dại” này trên giấy dó bằng thuốc nước. Cũng chính vì duyên nghiệp với giấy dó mà những năm gần đây, ông đã chuyên tâm tìm hiểu giấy dó và không ngừng tự chế màu vẽ từ thảo mộc.
Không có khoảng cách giữa họa và chèo
Lý Trực Sơn tâm sự rằng, chọn nhân vật Xúy Vân để thể hiện trên giấy dó không phải xuất phát từ ý chí. Quyết định này giống như có một ma lực mách bảo vì nhân vật này đã ám ảnh ông từ rất lâu. Có thể nói, bộ tranh “Vân Dại” đã thể hiện tình yêu của ông với loại hình sân khấu dân gian khi lột tả mọi khía cạnh tính cách nhân vật Xúy Vân. Ngoài ra, tìm về Chèo cổ, ông có nhiều đất để sáng tạo và thể hiện những tâm trạng khác nhau của nhân vật.
Tại Lễ khai mạc Triển lãm Tố nữ dân gian giới thiệu bộ tranh “Vân Dại” vào ngày 2/6 vừa qua, ông Patrick Girard, Giám đốc đặc trách Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã dành những khen tặng đặc biệt cho họa sĩ Lý Trực Sơn. Ông Patrick Girard nói rằng, với sự kết hợp Chèo cổ và hội họa, Lý Trực Sơn đã tìm ra con đường riêng và đây chính là một sự thử nghiệm táo bạo tạo nên sự độc đáo cho nghệ thuật hội họa của Việt Nam.
Là đồng nghiệp thân thiết với Lý Trực Sơn, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó chủ tịch thường trực của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh mỹ thuật đương đại Việt Nam đang tìm kiếm một suy nghĩ mới thì tranh giấy dó của Lý Trực Sơn đã xuất hiện đúng lúc. Lý Trực Sơn đã thử nghiệm thành công khi lấy màu tự nhiên từ cây cỏ Việt Nam tạo nên không gian thấm đẫm màu sắc và hồn Việt. “Lý Trực Sơn đã tạo nên bản hòa điệu tuyệt diệu cho hội họa và âm nhạc. Đây cũng là bài học cho các họa sĩ trẻ ngày nay có thể tìm lại giá trị truyền thống để sáng tác và không ngừng sáng tạo”, ông Đoàn nói.
Vẽ bộ tranh “Vân Dại” cách đây đã khoảng 30 năm nhưng tới tận thời điểm này, Lý Trực Sơn mới chính thức tổ chức giới thiệu và trình diễn cùng với Chèo cổ. Ông mong muốn công chúng được thưởng thức rộng rãi hơn cũng như có thể hiểu được sự tương quan và ăn ý lớn giữa chèo và hội họa. Lý Trực Sơn cũng cho rằng, không có loại hình nghệ thuật nào có thể đứng độc lập vì luôn có liên quan mật thiết đến nhau. Qua từng bức vẽ Xúy Vân trên giấy dó, ông đã tôn vinh một biểu tượng nghệ thuật dân gian Việt Nam một cách trọn vẹn từ hình thức đến nội dung. Ông cũng nhấn mạnh, mỗi một nghệ sĩ khi khai thác chất liệu truyền thống phải cố gắng để mọi người đến với nó nhiều hơn.
Vào ngày 13/6, Lý Trực Sơn sẽ là người trực tiếp tham gia trang trí sân khấu biểu diễn những sáng tác đặc biệt của đêm hát Chèo cổ Tố nữ dân ca tại Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace Hà Nội. Với mong muốn được là một “khoảnh khắc Chèo Việt” trên sân khấu hiện đại, Tố nữ dân ca góp phần giúp công chúng thêm trân quý và hiểu sâu hơn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Với sự kết hợp Chèo cổ và hội họa, Lý Trực Sơn đã tìm ra con đường riêng và đây chính là sự thử nghiệm táo bạo tạo nên sự độc đáo cho nghệ thuật hội họa Việt Nam...
AN THÚY