📞

Long An hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế năng động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Kiến An 17:06 | 20/08/2023
Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Long An tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, bền vững; đồng thời, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Long An trở thành một trung tâm kinh tế năng động của vùng.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND Tỉnh Long An

Phát huy lợi thế tạo đà cho phát triển

Long An là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối giữa Đông Nam bộ với khu vực ĐBSCL. Không chỉ có 02 tuyến đường cao tốc huyết mạch của khu vực phía Nam là cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua, tỉnh Long An còn có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã được đầu tư khá đồng bộ. Trong đó, tỉnh Long An rất quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều công trình, dự án được hình thành, từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Địa phương đang tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ 3 công trình trọng điểm là hoàn thiện Đường vành đai TP. Tân An; Đường tỉnh 830E (nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830) và Đường tỉnh 827E (đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông).

Bên cạnh đó, tỉnh còn có Chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nằm trong Chương trình này có 8 công trình gồm: Đường Lương Hòa - Bình Chánh; đường Hựu Thạnh - Tân Bửu; ĐT826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E; trục động lực Đức Hòa; nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn từ ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu kênh Ranh); đường Tân Tập - Long Hậu; nút giao đường Hùng Vương - QL62. Khi những công trình này được đưa vào sử dụng sẽ giúp tỉnh có những bước phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, tạo liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong khu vực.

Về hạ tầng công nghiệp, Long An hiện có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 12.285,4 ha. Trong đó có 24 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, đã thu hút được 1.771 dự án đầu tư với diện tích đất công nghiệp là 4.278 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 2.743,2 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 64,1%. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 23 cụm công nghiệp hoạt động thu hút 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê 812,3 ha. Tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động 87,5%. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế quản lý một cửa tại chỗ, góp phần tạo điểm sáng trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Tận dụng những lợi thế trên, cộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và người dân nên tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh luôn có sự phát triển ổn định. Chỉ riêng trong quý I/2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,82%, cao hơn cùng kỳ (2,83%) và cao hơn bình quân chung cả nước (3,32%). Trong đó, khu vực 1 tăng 2,72%, khu vực 2 tăng 5,43% và khu vực 3 tăng 3,15%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,44% so cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%.

Về lĩnh vực đầu tư trong nước, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh Long An thành lập mới 348 doanh nghiệp, tổng vốn 4.568 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 15.621 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký 358.021 tỷ đồng. Hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới 587 hộ, nâng tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh là 73.432 hộ. Tỉnh cũng cấp mới 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký mới 13.317,3 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.169 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 231.677,9 tỷ đồng. Về đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới 17 dự án, tổng vốn đăng ký mới 179,4 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.171 dự án, vốn đăng ký 10.124,6 triệu USD. Trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Với kết quả đạt được cùng những nỗ lực không ngừng thời gian qua, tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp với quy trình tự động hóa và sản xuất tiên tiến, tiếp nối và lan tỏa động lực phát triển từ TP.HCM đến các tỉnh vùng ĐBSCL. Song song đó, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm xuất khẩu nông sản của cả vùng.

Thành phố Tân An, Long An

Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế năng động, bền vững của vùng

Theo UBND tỉnh Long An, hướng tới trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững và duy trì dẫn đầu về quy mô kinh tế của vùng ĐBSCL, dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, toàn tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt khoảng 9%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng; tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt 55%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 40%; phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy 80% khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động;…

Để hoàn thành mục tiêu trên, trước mắt, tỉnh Long An sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, từ đó tạo đà, tạo lực cho những năm tiếp theo hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, toàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các khu công nghiệp, cảng biển, cửa khẩu khu vực biên giới để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người tỉnh Long An và vùng ĐBSCL.

Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng sạch, bền vững môi trường và giảm thâm dụng lao động. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

Tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển công nghiệp và xã hội đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng và kết nối các khu, cụm công nghiệp, tạo nền tảng để thu hút đầu tư. Đồng thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ các công trình trọng điểm, công trình trong chương trình đột phá. Mặt khác, tỉnh sẽ chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực hiện theo tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, các ngành, các cấp tỉnh Long An sẽ tập trung cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, duy trì ở nhóm “tốt” đến “rất tốt”; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao cuộc sống của nhân dân.