Là đơn vị binh chủng đứng chân trên địa bàn tỉnh An Giang, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Lữ đoàn 962 đã chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Lữ đoàn ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, đơn vị đã quán triệt công văn đến toàn thể các bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn, cùng với các văn bản chỉ đạo của Quân khu và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp để tổ chức thực hiện nghiêm túc, không để cho dịch bệnh lây lan, xâm nhập vào đơn vị.
Lữ đoàn thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế và triển khai nhiều biện pháp như tăng cường canh gác tại các chốt, vọng gác; trực đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe bộ đội.
Đại úy Trần Hoàng Em (ở giữa) trực tiếp chỉ huy làm nhiệm vụ ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến đầu biên giới. (Ảnh: Tâm Phan) |
Trong huấn luyện, đơn vị luôn bảo đảm giữ khoảng cách an toàn, lực lượng quân y thường xuyên bám sát và bảo đảm dung dịch sát khuẩn cho cán bộ, chiến sĩ, cũng như thường xuyên vệ sinh doanh trại sạch sẽ, duy trì nghiêm chế độ thể dục sáng, thể thao chiều để nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch cho cán bộ, chiến sĩ.
Chống dịch nơi biên giới
Thượng úy Lê Văn Phát, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 chia sẻ: “Đã hơn 6 tháng nay tôi chưa về thăm gia đình. Không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng chí cán bộ khác nữa ở các cơ quan đơn vị cũng lâu rồi không được về thăm nhà, đặc biệt là anh em cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu Vĩnh Xương, tỉnh An Giang và Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp.
Chúng tôi xác định càng khó khăn càng phải nổ lực, khắc phục vượt qua. Bản thân tôi cũng nhận thức được đợt bùng phát dịch lần thứ tư này là rất khó khăn, và mức độ lây lan cao hơn nhiều so với các lần trước, nhất là sau khi biển chủng delta”.
Theo Thượng úy Phát, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã thường xuyên động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Lữ đoàn luôn chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh lây lan vào trong đơn vị; vừa chủ động phòng dịch, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; thông qua cán bộ, chiến sĩ kết hợp tuyên truyền cho gia đình quân nhân hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ.
Trung sĩ Lê Nhật Trường - chiến sĩ súng pháo Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 tâm sự nhập ngũ tháng 2/2020. Trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, anh và đồng đội được chỉ huy các cấp tạo điều kiện cho đi học lớp súng pháo tại Lữ đoàn. Sau khi học xong, anh đã tiếp tục ở lại đơn vị công tác, dù bản thân cũng muốn về thăm gia đình, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp nên phải gác lại.
Anh chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà lâu như vậy, nhưng được sinh hoạt học tập chung với đồng đội, nên tôi thấy rất vui và vơi đi nỗi nhớ nhà. Chúng tôi cũng thường xuyên được cán bộ, chỉ huy các cấp động viên, cũng như tuyên truyền, giáo dục về tình hình dịch bệnh, mức độ lây lan và các biện pháp phòng chống nhất là thực hiện tốt 5K.
Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tịch cực học tập và huấn luyện theo kế hoạch và quyết tâm học tập, rèn luyện, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị sẳn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tôi tin tưởng chắc chắn dịch bệnh Covid-19 sẽ được khống chế và đẩy lùi, để cuộc sống trở lại bình thường như trước đây”.
Từ tháng 6/2021, đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và lây lan nhanh trên địa bàn Quân khu nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Thực hiện mệnh lệnh của Quân khu, Lữ đoàn 962 đã thành lập Biên đội gồm 46 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và 7 phương tiện lên đường thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống đại dịch Covid-19 tại của khẩu Vĩnh Xương, tỉnh An Giang và Thường Phước tỉnh Đồng Tháp.
Quán triệt tư tưởng “chống dịch như chống giặc” và nêu cao tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị chấp nhận xa gia đình, xung phong lên đường làm nhiệm vụ.
Và những hy sinh thầm lặng
Trong những ngày làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn gặp rất nhiều khó khăn, hiểm nguy, nhiệm vụ mới và chưa có tiền lệ.
Mặt khác, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp mưa dông, gió lốc, chưa kể nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn hiện hữu, cùn với đó là các đối tượng, phần tử quá khích từ bên kia biên giới rất hung hăng và manh động, sẵn sàng sử dụng hung khí chống trả lực lượng của đơn vị khi làm nhiệm vụ.
Đại úy Trần Hoàng Em - Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962, là cán bộ điển hình, trưởng thành từ nhân viên chuyên môn kỹ thuật trở thành cán bộ Tiểu đoàn, ở cương vị công tác nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Gia đình Đại úy Trần Hoàng Em gặp rất nhiều khó khăn, nhà neo người, vợ có bầu, sức khỏe yếu, những anh vẫn xung phong tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch trên cương vị biên đội trưởng.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, vợ sinh non thiếu tháng (mới hơn 7 tháng), bé nhẹ cân (1,2kg) phải nuôi lồng kính, mặc dù được chỉ huy các cấp tạo điều kiện về chăm sóc vợ con, nhưng anh vẫn gác lại việc gia đình, nhờ hai bên nội ngoại chăm sóc,bản thân ở lại để chỉ huy Biên đội thực hiện nhiệm vụ. Bởi hơn ai hết, anh hiểu nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tuyến biên giới vô cùng khó khăn, gian nan, phức tạp, mình không thể vì việc riêng mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đơn vị.
Trên cương vị Biên đội trưởng, Trần Hoàng Em đã trực tiếp chỉ huy biên đội tham gia điều động 90 lượt phương tiện tuần tra, kiểm soát ổn định tình hình trên tuyến biên giới; tham gia ngăn chặn đẩy lùi 23 nhà nổi, bè cá và 120 lượt phương tiện xuồng, ghe các loại; tuyệt đối không để dịch bệnh Covid-19 và người Campuchia gốc Việt từ biên giới xâm nhập vào nước ta.
Bên cạnh đó, anh chủ động phối hợp với các lực lượng tuần tra nắm chắc địa bàn kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo xử lý tốt các tình huống xảy ra, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp biểu dương, khen thưởng.
Còn Thiếu úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Kiệt – Nhân viên máy tàu, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962, cũng có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Sau 8 năm quen nhau và tìm hiểu với cô kế toán Phan Như Huỳnh đến tháng 3/2021 họ quyết định làm đám cưới.
Chung sống được khoảng 20 ngày thì Kiệt hết phép lên đơn vị, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư và anh xung phong tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tuyến biên giới An Giang, Đồng Tháp.
Đại úy Trần Hoàng Em (ở giữa) quán triệt, triển khai công việc trước khi thực hiện giao nhiệm vụ. (Ảnh: Tâm Phan) |
Chị Phan Như Huỳnh chia sẻ: “Thực sự khi nghe chồng nói đi chống dịch, em cũng rất lo lắng, vợ chồng ở với nhau chưa 'quen hơi' đã phải xa nhau, nhưng khi được anh ấy động viên nên em cũng yên tâm. Em thường xuyên xem đài báo, truyền hình nên cũng biết được không chỉ chồng em mà còn nhiều anh em khác nữa cũng xung phong lên tuyến đầu chống dịch... Giờ em chỉ mong anh ấy thật nhiều sức khỏe, chung sức đồng lòng sớm đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới”.
Còn rất nhiều những hy sinh thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tuyến biên giới. Nhưng những tình cảm, sự tin yêu nơi hậu phương là liều “vaccine tinh thần” để mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị “chiến đấu không đơn độc” làm lan tỏa tình cảm yêu thương gia đình, trách nhiệm với Tổ quốc, làm cho hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng lan tỏa trong lòng nhân dân.
Đại tá Lê Thanh Nhã - Chính ủy Lữ đoàn 962 cho biết: “Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đều phải thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ có người thân ốm đau, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thậm chí người thân mất nhưng họ không thể về nhà. Biết được những thiệt thòi của cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn tìm mọi cách để động viên, giúp đỡ yên tâm công tác. Ngược lại, cán bộ, chiến sĩ cũng đã xác định tư tưởng, lập trường, nên ai cũng nổ lực vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
| Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 – Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, các thế ... |
| Hải đội 135: Đơn vị huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao Hải đội 135 - Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân là hải đội tàu tên lửa - phóng lôi, có nhiệm vụ huấn luyện ... |