Lũ lụt miền Trung xảy ra, Thủy Tiên là một trong những Sao Việt tiên phong, đi đầu trong công tác quyên góp, cứu trợ bà con. (Ảnh: FBCN) |
Có một nghệ sĩ nổi tiếng từng ví von, lòng thiện như một mầm cây, cây có thể mọc sai chỗ, nhưng thay vì vùi dập, ta nên mang đi trồng nơi phù hợp - nhất là khi ta đang cần một cánh rừng, đặc biệt hơn nữa là cánh rừng của lòng người có nhiều chỗ còn đang bị tan hoang.
Nhiều năm gần đây, không ít Sao Việt âm thầm làm từ thiện như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên… Có người cho rằng, Sao Việt làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, thậm chí người ta nghi ngờ sự không trong sáng của người làm từ thiện, đòi hỏi sự minh bạch các khoản thu chi trong tiền cứu trợ. Thậm chí, người ta soi cả hàng hiệu khi ca sĩ nọ hoặc diễn viên kia mặc khi đi từ thiện, định giá từng chiếc áo, cái quần, chiếc túi...
Trong những ngày miền Trung hứng chịu bão lũ, không ít nghệ sĩ với những hình thức khác nhau để "chia lũ" với đồng bào, có người lên đường đến trực tiếp vùng lũ để cứu trợ, cũng có người kêu gọi quyên góp, có người thì tổ chức đêm nhạc gây quỹ từ thiện...
Và trong số đó, câu chuyện ca sĩ Thuỷ Tiên đi làm từ thiện vẫn nóng mạng xã hội bởi số tiền trên 150 tỷ đồng là quá lớn, có cư dân mạng còn gọi cô là "bông hồng trong vùng lũ". Thủy Tiên được nhiều người tin tưởng gửi tiền và trao cho cô “quyền tự quyết”. Nhiều người thấy và nghe chuyện đã rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng của nữ ca sĩ. Song cũng không tránh khỏi sự nghi ngại, người lo cho cô trong cái cảnh “thân gái dặm trường”, liệu cô có cáng đáng nổi không, thậm chí còn có người hoài nghi lòng tốt của cô, chê bai, “ném đá” cô...
Tôi thấy, ở nhiều góc độ khác nhau khi nhìn nhận sự việc này, nó cũng có cái lý nhất định của họ. Tuy nhiên, ai đó nghi ngờ lòng tốt của Thủy Tiên có phải là bất công quá không, bởi đây không phải lần đầu cô làm việc thiện.
Nhưng có lẽ chúng ta nên nghe người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội, sáng 23/10 đã trả lời, “việc ca sĩ Thuỷ Tiên đứng ra kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ nhân dân kịp thời trong lúc khó khăn và lặn lội đi đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ đồng bào rất đáng hoan nghênh, trân trọng".
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cũng khẳng định: “Về mặt pháp luật thì ca sĩ Thủy Tiên cũng không vi phạm vì theo Bộ luật dân sự, cô ấy là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc của người cho gửi cho người nhận, được ủy thác nên theo luật là được phép".
Không phải ngẫu nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn một ca sĩ có thể kêu gọi quyên góp được số tiền khổng lồ đến như vậy, chung quy lại, tất cả chỉ là sự tin tưởng lẫn nhau. Hồi đầu năm, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, Thuỷ Tiên cũng đã ủng hộ và vận động cộng đồng được vài tỷ đồng để giúp bà con có máy lọc nước nước ngọt dùng khi bị khô hạn kéo dài và nặng nề vì xâm nhập mặn. Tiếp đó, ca sĩ đã kêu gọi quyên góp tiền mua máy thở khi dịch Covid - 19 bùng phát được hàng chục tỷ đồng chỉ trong mấy ngày...
Phải chăng từ nghĩa cử đó, sự tin cậy của những người ủng hộ và đã nhờ cô trao đến đúng nơi cần đến rất hiệu quả. Vì thế, họ đã tuyệt đối tin vào Thuỷ Tiên. Tiếc rằng, trên mạng xã hội, một số nhỏ người lại có sự đố kỵ, chỉ trích, hoài nghi cách làm của cô. Như vậy theo tôi là không nên bởi nó khiến người có tấm lòng như cô bị tổn thương.
Hiện tại, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên đã quay lại miền Trung và đang trực tiếp gửi tình yêu, sự sẻ chia đến những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. Tất cả từng bước chân của cô đều được ghi lại, minh bạch và chia sẻ rộng rãi trên trang cá nhân. Như trước đó, Thủy Tiên từng phát biểu: "Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm".
Cô cho rằng, việc mình có thể làm lúc đó là chỉ cho vài triệu tiền chợ búa thôi, chẳng thấm vào đâu so với mất mát. Mà cái được lớn nhất khi cô có mặt ở rốn lũ là "quăng cho họ một cái phao" bằng những lời động viên.
“Tiên hứa là sẽ cho họ xây nhà lại cao hơn, cho họ một số tiền mua lại những cái đã trôi đi, cho vốn làm ăn để họ có thể tái thiết lập cuộc sống sau lũ. Đó là cái chính mà Tiên muốn làm, chứ không phải chỉ là đến cho vài triệu tiền chợ... chữa cháy", Thủy Tiên cho biết.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng nghị định thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai…
Theo đó, với mục đích sao cho giản đơn hơn Nghị định 64 nhằm giúp việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống.
Đó là một chủ trương rất đúng đắn và thực tế, kịp thời, rất đáng hoan nghênh, nhất là với những ai từng có những việc liên quan đến công tác vận động tài trợ và đi cứu trợ thiên tai, dịch bệnh...
Đàm Vĩnh Hưng và nhiều ca sĩ tổ chức đêm nhạc "Việt Nam tử tế" quyên góp được 6 tỷ giúp bà con miền Trung khắc phục bão lũ. (Ảnh: BTC) |
Hy vọng, trước những khó khăn mà người dân gặp phải, chúng ta sẽ có nhiều nhà hảo tâm hơn đứng ra trợ giúp. Và hơn thế, tất cả những gì họ đóng góp cho xã hội, chúng ta cần nâng niu, trân trọng và hãy biết ơn họ.
Từ thiện dù ở góc độ nào vẫn là việc làm nhân đạo, mang nhiều ý nghĩa tích cực và là một việc làm tử tế. Không ít đứa trẻ có áo ấm để mặc, được đến trường, có sữa uống, bao nhiêu người được trao “cần câu cơm”, được chữa bệnh, được giúp đỡ tái thiết lập cuộc sống.
Mục đích của từ thiện là tăng ý thức quan tâm đến những người xung quanh trong cộng đồng, liên kết những tấm lòng hảo tâm với những người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi làm từ thiện tức là góp phần đem niềm vui đến cho người khác, vượt lên trên cái gọi là "đánh bóng tên tuổi" như một số nhận định phiến diện dành cho nghệ sĩ.
Thực tế, lòng tốt không phải tìm ở đâu xa mà ngay trong cuộc sống thường nhật. Đó có thể là những bình nước miễn phí cho người qua đường, những suất cơm 0 đồng, hay những người âm thầm đi quyên góp sách vở, quần áo cũ để gửi cho người dân vùng lũ lụt. Tử tế là hành động trả lại tiền, vàng của gia đình nghèo ở Quảng Trị nhặt được trong quần áo cứu trợ vừa qua. Lòng tốt, sự tử tế được lan tỏa và gieo mầm trong xã hội từ những hành động nhỏ như thế.
| ‘Từ thiện - quan trọng là giúp đúng người’ TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN về vấn đề làm từ thiện thế nào cho đúng, ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương ... |
| Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Chờ đợi một cơ chế thông thoáng cho việc từ thiện! TGVN. 'Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo để sửa đổi Nghị định 64. Chúng ta chờ đợi các cơ quan có thẩm ... |
| Câu chuyện cứu trợ bà con bị bão lũ của Thủy Tiên và vấn đề lòng tin TGVN. Nữ ca sĩ Thủy Tiên đang như một “hiện tượng” mới trên báo chí và mạng xã hội về hoạt động từ thiện, khi ... |