Lũ lụt ở châu Âu đã làm gián đoạn nhiều tuyến đường sắt. (Nguồn: AP). |
Hoạt động vận tải biển đã chứng kiến sự gián đoạn lớn trong năm nay. Khi nhiều nơi trên thế giới phục hồi từ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng lên, dẫn đến tình trạng thiếu hụt container trầm trọng, khiến cho hàng hóa chậm trễ và đội giá.
Sau đó vào tháng 4/2021, một trong những con tàu container lớn nhất thế giới đã bị mắc kẹt tại kênh đào Suez khiến cho hoạt động giao thương qua tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới này bị ách tắc trong gần 1 tuần.
Đến tháng 6/2021, sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 ở miền Trung Trung Quốc cũng đã khiến nhiều cảng trong khu vực ách tắc, một lần nữa đẩy giá cước vận tải tăng vọt.
Và gần đây, mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng đã tàn phá nhiều vùng ở Tây Âu như Đức, Bỉ. Nhiều vùng ở Thụy Sỹ, Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng.
Ông Huxley nói: "Điều này thực sự sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu bởi các tuyến đường sắt đều bị hư hỏng nặng. Các tuyến đường sắt đi từ Czech và Slovakia đến các cảng Rotterdam và Humburg của Đức đều bị gián đoạn nghiêm trọng, khiến việc vận chuyển hàng hóa ra vào bị chậm trễ".
Đưa ví dụ với hãng Thyssenkrupp - gã khổng lồ sản xuất thép của Đức, ông Huxley cho hay, hãng này bị thiếu nguyên liệu trầm trọng do lũ lụt. Điều đó cuối cùng sẽ tác động đến các ngành công nghiệp như ô tô, thiết bị gia dụng…
Trước tình hình đó, Thyssenkrupp đã phải công bố tình trạng bất khả kháng (thảm họa thiên tai) tới các khách hàng vào ngày 16/7 để tránh bị phạt do chậm trễ trong việc giao hàng.
Trong khi đó, theo ông Huxley, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do trận lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) còn tồi tệ hơn do tỉnh này nằm sâu trong đất liền. Các tuyến đường sắt kết nối giao thương giữa các thành phố ở Trung Quốc vẫn đang ngừng hoạt động do nhiều nơi bị ngập sâu.
Giám đốc điều hành của hãng vận tải biển Mandarin Shipping nhấn mạnh: "Rõ ràng, điều đó sẽ tác động đến hoạt động vận tải, dẫn đến giá cước vận tải tăng".