Nhỏ Bình thường Lớn

Luật Đất đai sửa đổi năm 2024: Một bước tiến đến công bằng xã hội

Bảo vệ lợi ích chính đáng của số đông người sử dụng đất chính là điểm nổi bật trong Luật Đất đai 2024.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2024: một bước tiến đến công bằng xã hội
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 là một bước tiến đến công bằng xã hội.

Điểm nóng đất đai

Ngày 4/5/2022, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một thực tế không mong muốn ở nước ta trong thời gian gần đây: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Quả vậy, giá trị của đất đai ở nước ta gia tăng nhanh chóng trong ba thập kỷ gần đây đã làm xuất hiện những cơn “sốt đất”, hiện tượng “nhà nhà đi buôn đất, người người đi buôn đất”. Từ thành thị tới nông thôn, chỉ cần quan sát ngẫu nhiên cũng thấy số người giàu lên nhờ đất ngày càng nhiều. Đầu tư và kinh doanh đất đai trở thành hoạt động “nóng”, có tác động sâu rộng, cả tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.

Những cơn sốt đất bất thường, những người liên quan bị xử lý vì vi phạm trong quản lý đất đai, hay những tranh chấp, căng thẳng xã hội liên quan đến đất đai là những biểu hiện khác nhau của các “điểm nóng đất đai”. Hẳn nhiên, một cộng đồng hay một quốc gia sẽ không thể ổn định và đi tới thịnh vượng nếu các điểm nóng đất đai vẫn tiếp tục gia tăng. Cũng có nghĩa, để hướng đến sự thịnh vượng bền vững thì tất yếu chúng ta phải thực hiện những điều chỉnh chính sách nhằm từng bước giảm thiểu các điểm nóng đất đai nêu trên.

Các điểm nóng đất đai, với nhiều hình thức và mức độ khác nhau là một hiện tượng phổ biến tại các nền kinh tế - xã hội đang chuyển đổi. Nguyên nhân dẫn đến các điểm nóng đất đai có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, đáng chú ý nhất là giá trị, ý nghĩa tinh thần đặc biệt của mỗi mảnh đất, sự chưa hoàn thiện của thể chế đất đai, những bất cập về quyền và cơ hội tiếp cận và sử dụng đất.

Tuy nhiên, trên bình diện toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một yếu tố then chốt bậc nhất có thể khiến các điểm nóng đất đai xuất hiện và gia tăng là cơ chế và biện pháp phân phối lợi ích liên quan đến đất đai. Việc bảo đảm các quyền cá nhân liên quan đến đất đai, bình đẳng về cơ hội tiếp cận đất đai sẽ chưa đủ nếu hệ thống chính sách còn coi nhẹ việc phân phối công bằng những lợi ích từ đất đai.

Ở nước ta, bảo đảm lợi ích thỏa đáng cho các chủ thể đất đai cũng được xác định là một định hướng chính sách quan trọng nhằm giảm bớt các tình huống tranh chấp đất đai, có thể dẫn tới căng thẳng xã hội. Nghị quyết 18-NQ/TW về quản lý và sử dụng đất, ban hành tháng 6/2022, đã nêu ra những bất cập về chính sách và thể chế đất đai, không chỉ khiến cho nguồn lực đất đai chưa được phát huy hiệu quả, mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Cũng vì thế, Nghị quyết 18-NQ/TW/2022 tiếp tục khẳng định chế độ sở hữu toàn dân với đất đai ở nước ta và nêu rõ quan điểm: “quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân”. So với Nghị quyết 19-NQ/TW ban hành năm 2012 thì Nghị quyết 18-NQ/TW/2022 đã coi trọng hơn nhu cầu bảo đảm lợi ích thỏa đáng cho các bên liên quan đến đất đai khi sử dụng cụm từ “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” với tần suất nhiều hơn.

Coi trọng “hài hòa lợi ích” có nghĩa là chính sách đất đai phải cân bằng được các lợi ích chính đáng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng cho các bên liên quan, cụ thể là Nhà nước – Nhà đầu tư – Người dân. Lợi ích hài hòa có nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế không thể bị đánh đổi bởi những thiệt thòi của doanh nghiệp hay người dân. Sự thịnh vượng của nhóm xã hội này không thể phải trả giá bằng những khó khăn về sinh kế, thậm chí là tình trạng nghèo đi của nhóm xã hội khác.

Bước tiến công bằng xã hội

Đề cao “công bằng xã hội" tức là nhấn mạnh đến việc chia sẻ trách nhiệm và thụ hưởng lợi ích từ đất đai. Theo đó, bên cạnh mục tiêu tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách đất đai cũng cần coi trọng việc bảo đảm lợi ích cho các nhóm yếu thế nhất. Cũng có nghĩa, các chính sách đất đai không thể trở thành tác nhân tạo ra khoảng cách giàu – nghèo thái quá, thúc đẩy sự gia tăng bất bình về thu nhập và mức sống giữa các nhóm xã hội.

Luật Đất đai sửa đổi được Quốc Hội thông qua trong tháng 1/2024 đã cho thấy nhiều điểm mới, thể hiện nỗ lực thúc đẩy công bằng xã hội trong lĩnh vực đất đai ở nước ta. Những vấn đề quan trọng, được dư luận quan tâm là khả năng phòng, chống tình trạng đầu cơ, nâng khống giá đất, đặc biệt là những tình huống Nhà nước có thể thu hồi đất, bảng giá đất và cách tính giá trị của diện tích đất bị thu hồi và đền bù.

Theo Luật Đất đai 2024, chính sách thu hồi đất sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn. Điều 79 đã quy định 32 trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước có thể thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng. Trình tự, thủ tục thu hồi đất cũng hoàn thiện hơn, qua đó có thể gia tăng tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch cho các quyết định liên quan đến đất đai của chính quyền.

Thu hồi đất để phục vụ các mục đích phát triển kinh doanh, thương mại luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm quyền, lợi dụng chính sách, gây ra bất bình trong các nhóm xã hội bị ảnh hưởng. Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 vẫn cho phép Nhà nước có thể thu hồi đất để triển khai các dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, để có thể được thu hồi đất, các dự án nêu trên cần phải phục vụ mục đích đầu tư xây dựng khu đô thị, với công năng phục vụ hỗn hợp.

Một bước tiến nữa của Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 là các quy định mới, hợp lý hơn với bảng giá đất. Trước đây, bảng giá đất tại các địa phương có giá trị áp dụng trong 5 năm, được cho là không bám sát diễn biến thực tế, dẫn đến những phức tạp khi áp dụng và thiệt thòi cho người sử dụng đất mỗi khi nhận đền bù.

Luật Đất đai 2024 đã quy định các bảng giá đất sẽ được công bố hàng năm và có thể được điều chỉnh ngay trong mỗi năm hoặc theo từng năm. Cùng với đó, việc tính giá đất có thể được áp dụng các phương pháp so sánh, thu thập, thặng dư, cùng hệ số điều chỉnh giá đất. Những điều chỉnh này đã cho thấy rõ quan điểm bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân khi có đất bị thu hồi.

Quá trình sửa đổi và những điều chỉnh chính sách thể hiện trong Luật Đất đai 2024 cho thấy sự cầu thị, lắng nghe, và nhìn thẳng vào các vấn đề nổi cộm từ thực tế của các nhà hoạch định chính sách. Vì thế, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 được kỳ vọng sẽ dung hòa tốt hơn các lợi ích chính đáng liên quan đến đất đai.

Những quy định mới nhằm giảm thiểu nguy cơ lạm dụng chính sách thu hồi đất, áp dụng máy móc các mức giá đền bù không sát thực tế giá trị thị trường của diện tích đất bị thu hồi, qua đó bảo vệ lợi ích chính đáng của số đông người sử dụng đất chính là điểm nổi bật trong Luật Đất đai 2024. Những nỗ lực chính sách nêu trên, nếu được thực hiện tốt, sẽ là một bước tiến về thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực quản lý đất đai, qua đó góp phần then chốt vào khả năng giảm thiểu các điểm nóng đất đai ở nước ta trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ngoại giao kinh tế đã giành được sự chú ý và ghi nhận của công chúng

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ngoại giao kinh tế đã giành được sự chú ý và ghi nhận của công chúng

Có lẽ, thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2023 là về ngoại giao. Chưa có năm nào hoạt động ngoại giao ...

TS. Cù Văn Trung: Việt Nam chú trọng các chính sách an sinh xã hội

TS. Cù Văn Trung: Việt Nam chú trọng các chính sách an sinh xã hội

TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục, cho rằng, chính sách ...

Gen Z dễ rơi vào cái bẫy 'người vô dụng' nếu không nỗ lực học hỏi

Gen Z dễ rơi vào cái bẫy 'người vô dụng' nếu không nỗ lực học hỏi

Công nghệ bùng nổ, nếu không chịu nỗ lực học hỏi thì các bạn Gen Z dễ rơi vào cái bẫy trở thành "người vô ...

Giáo dục cần tạo ra những con người thích ứng và cạnh tranh thành công trong thời đại mới

Giáo dục cần tạo ra những con người thích ứng và cạnh tranh thành công trong thời đại mới

Nền giáo dục cần tạo ra những con người thích ứng, "đứng vững" và cạnh tranh thành công trong thời đại mới.