Luật nhập cư lao động lành nghề do Quốc hội Đức thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2020. (Nguồn: Pixabay) |
Sau khi được Quốc hội Đức thông qua ngày 15/8/2019, Luật nhập cư lao động lành nghề sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 hoặc sau khi được công bố (Điều 54).
Về hình thức, Luật này sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của Luật về cư trú của người nước ngoài sửa đổi năm 2008, Luật xã hội sửa đổi năm 1997, Luật về xác định chuyên môn ngành nghề sửa đổi năm 2017, Nghị định về Quy chế bác sĩ liên bang sửa đổi năm 2016, Luật về hành nghề nha khoa sửa đổi lần cuối năm 2016, Luật về ngành nghề điều dưỡng sửa đổi năm 2017, Luật về chăm sóc sức khỏe người già sửa đổi năm 2017, Luật tỵ nạn sửa đổi năm 2008 và hàng loạt những văn bản quy phạm pháp luật khác.
Về nội dung, Luật được thông qua ngày 15/8/2019 có nhiều thay đổi được coi là đột phá, nhằm xử lý vấn đề thiếu hụt lao động trầm trọng thông qua tiếp nhận lao động nước ngoài.
Sức ép lớn
Gần 30 năm sau ngày thống nhất (1990), nước Đức lại đứng trước những thách thức lớn, không đến từ bên ngoài mà xuất phát từ chính sự phát triển của xã hội Đức. Sau thống nhất, đã xuất hiện làn sóng di cư của người Đông Đức đang ở độ tuổi lao động sang phía Tây tìm việc làm với mức lương cao hơn. Sự phát triển lệch của kinh tế Đức khiến các bang phía Đông nhiều thập kỷ sau đó vẫn chưa khôi phục hoàn toàn; nền kinh tế chưa thể chuyển đổi triệt để từ kinh tế kế hoạch tập trung sang “kinh tế thị trường xã hội”. Khoảng cách thu nhập lớn khiến hàng năm, số người lao động giảm liên tục, có lúc tới 30%.
Ở các bang phía Tây, sau khi Thế chiến II kết thúc, nước Đức trở lại giai đoạn phát triển kinh tế, nhiều trẻ em được sinh ra trong giai đoạn “Baby Boom” và giờ đây, họ đang bước sang tuổi hưu trí. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Prognos, năm 2025, thị trường lao động Đức sẽ thiếu hụt khoảng 2,9 triệu lao động lành nghề và đến 2031, con số này sẽ lên tới 3,6 triệu. Theo tài liệu nghiên cứu này, tăng trưởng kinh tế Đức đến năm 2025 là 1,6%/năm; tình trạng thiếu hụt lao động sẽ ngày càng trầm trọng do mức gia tăng dân số chậm. Năm 2017, cứ một người nghỉ hưu có ba người làm việc; con số này ở năm 2045 sẽ chỉ còn từ một đến hai người. Giới nghiên cứu cho rằng tình trạng này sẽ là thách thức số một của kinh tế Đức hiện nay, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Riêng trong ngành nghề thủ công, Hiệp hội Thủ công Đức (ZDH) cho biết hàng năm thiếu đến 20.000/150.000 suất học nghề, do không đủ số học sinh tốt nghiệp phổ thông đăng ký học nghề, trong khi xu hướng học đại học có chiều hướng gia tăng. Theo nghiên cứu của Viện Bertelsmann Stiftung, trong 40 năm tới, Đức sẽ cần mỗi năm ít nhất 260.000 người nhập cư mới giải quyết được tình trạng thiếu lao động, 146.000 từ các nước ngoài EU và 114.000 từ thành viên EU, cụ thể như sau: đến 2035, mỗi năm nước Đức cần 98.000 người nhập cư từ các nước ngoài EU; đến năm 2050, mỗi năm nước Đức cần thêm 170.000 người; đến năm 2060, mỗi năm nước Đức cần thêm 200.000 người.
Trong các ngành nghề y tế như hộ lý, y tá, điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế, nhà dưỡng lão, tình trạng thiếu hụt lại càng trầm trọng. Theo Công đoàn Đức Ver.di, hiện toàn nước Đức thiếu khoảng 700.000 điều dưỡng cùng 40.000 người tại nhiều vị trí khác. Đến 2030, riêng ngành này cần đến 200.000 lao động, song không ai biết số lao động này đến từ đâu. Từ năm 2018, Chính phủ Đức đã thông qua Đề án hỗ trợ cho ngành điều dưỡng 660 triệu euro và bổ sung them 330 triệu Euro từ năm 2019, song đó chỉ là “muối bỏ biển”.
Từ sau bầu cử Liên bang 2017, tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành điều dưỡng trở thành chủ đề nóng nhất mọi diễn đàn Đức. Chính phủ Đức cũng nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp, song chưa được như ý muốn và cần các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.
Tình trạng thiếu hụt điều dưỡng viên đang trở thành vấn đề nan giải của cả nước Đức. (Nguồn: DW) |
Loay hoay tìm người
Đến nửa cuối năm 2017 con số người cần được chăm sóc y tế và tại các trung tâm dưỡng lão là 2,9 triệu người, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, do tỷ lệ tăng dân số bất hợp lý nói trên. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức ở Köln, năm 2050, dân số Đức sẽ giảm từ 83 triệu hiện nay xuống còn 72 triệu; số người trên 80 tuổi và dưới 20 (chưa đến độ tuổi lao động đầy đủ) khá cao. Năm 2020, tỷ lệ người dân ở lứa tuổi lao động giảm 1,7 triệu người so với năm 2004. Tỷ lệ sinh thấp, số người già cần chăm sóc y tế và số thanh niên chưa đến độ tuổi lao động cao cùng với số người đang ở độ tuổi lao động giảm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng báo động hiện nay.
Bên cạnh đó, ở Đức có 2,8 triệu người thất nghiệp (tỷ lệ là 3,1%, so với Mỹ 3,5% và Pháp 8,4%), khá đông người tỵ nạn từ Trung Đông, châu Phi. Nhưng cả hai đối tượng này, vì những lý do khác nhau, đã không tjể lấp khoảng trống thiếu hụt lao động lành nghề. Trong thời kỳ khủng hoảng tị nạn (2015-18) Đức đã hy vọng những thanh niên từ châu Phi, Trung Đông có thể học nghề và lao động, song thực tế lại không như mong muốn.
Giữa năm 2019, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã đi Kosovo, ký với người đồng cấp Uran Ismajli Thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực y tế, theo đó lao động Kosovo sang Đức làm việc tại các cơ sở y tế sẽ thuận lợi hơn về thủ tục, thủ tục công nhận chứng chỉ bằng cấp được đơn giản hóa. Đổi lại, Đức sẽ giúp Kosovo xây dựng hệ thống y tế mới, cũng như đào tạo nguồn nhân lực y tế. Việc này không hề đơn giản do về lâu dài, bản thân các nước Đông Âu cũng cần nhiều lao động cho nhu cầu trong nước.
Ngoài Kosovo, Bộ trưởng Y tế Spahn còn tìm kiếm sự hợp tác với Mexico, nơi có hệ thống đào tạo y tế tốt; hiện 100 điều dưỡng viên Mexico đang làm việc ở Đức. Tunisia và Philippines cũng được cân nhắc hợp tác. Đầu tháng 11/2019 trong chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Angela Merkel cũng trao đổi với Ấn Độ về khả năng hợp tác lao động, lấy Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức làm nơi kết nối để tuyển dụng lao động Ấn đưa sang Đức.
Với Việt Nam, trong các chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đầu năm, cũng như chuyến thăm của Thủ hiến bang Thüringen, Bộ trưởng Kinh tế các bang Mecklenburg-Vorpommern, Rheinland-Pfalz, Sachsen, Sachsen-Anhalt, phía Đức đều bày tỏ sự quan tâm đối tới việc duy trì quan hệ hợp tác lao động với Việt Nam, xuất phát từ kinh nghiệm tốt đẹp trước kia với Cộng hòa Dân chủ Đức và từ sự hội nhập tốt của cộng đồng Việt Nam đang sinh sống ở Đức.
(Còn tiếp)