Nhỏ Bình thường Lớn

Lực lượng công an tham gia gìn giữ hòa bình ở cộng hòa Nam Sudan: Mang đến những yêu thương

Trở thành những chiến sĩ công an Việt Nam đầu tiên đặt chân lên vùng đất Trung Phi còn nhiều bất ổn thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ), Đại tá Lê Quốc Huy, Trung tá Vũ Việt Hùng và Trung tá Lương Thị Trà Vinh đã có nhiều trải nghiệm sau gần 3 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao quyết định thành lập Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao quyết định thành lập Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tháng 8/2022. (Nguồn: TTXVN)

​Đã gần 3 tháng có mặt ở vùng đất này (tức là gần 1/3 nhiệm kỳ), tổ công tác có cảm nhận như thế nào về “địa bàn” mới của mình?

Nam Sudan là đất nước vẫn còn nhiều bất ổn, đang trong quá trình tìm kiếm và xây dựng hòa bình lâu dài. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ GGHB tại đây, chúng tôi đã được cung cấp các thông tin về tình hình địa bàn. Vì thế, khi đặt chân đến vùng đất này, chúng tôi không quá ngạc nhiên về tình hình ở đất nước xã xôi này, cũng như điều kiện sinh hoạt, làm việc tại Phái bộ. Tuy nhiên, có nhiều thứ không như hình dung của chúng tôi trước khi lên đường.

Với sự háo hức, mong chờ khoảng thời gian một năm thực hiện nhiệm vụ tại nơi đây, khi máy bay hạ cánh, một cảm giác lạ lẫm là điều chúng tôi cùng cảm nhận. Sân bay khá cũ và sơ sài. Khi xong thủ tục nhập cảnh, bước ra ngoài sảnh sân bay, cảnh tượng giống như ở một bến xe khách ở Việt Nam cách đây vài chục năm trước: đông đúc, chật chội, lộn xộn…! Rõ ràng là nhiều khó khăn đang chờ đợi trước mắt chúng tôi.

Thủ đô Juba của Nam Sudan là thành phố phát triển nhất nước nhưng hiếm khi nhìn thấy một ngôi nhà xây bằng gạch. Những người dân có nhà ở thì chủ yếu là nhà vách đất hoặc nhà dựng bằng các tấm tôn. Còn lại phần lớn người dân phải sống trong những túp lều dựng bằng cây, que, dùng bạt để che mưa, nắng. Cuộc sống người dân còn nhiều vất vả, tỉ lệ thất nghiệp rất cao.

Hình ảnh cuộc sống tại đây có phần giống như khi Việt Nam vừa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thời kỳ bao cấp, bắt đầu mở cửa. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn và đắt đỏ. Cảnh tượng này khiến chúng tôi vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc.

Chỉ trong thời gian ngắn nhưng qua câu chuyện của Tổ công tác, chúng tôi có cảm nhận, các đồng chí đã thực sự chia sẻ và thấu hiểu với những khó khăn ở đất nước này và chắc chắn sẽ mang tinh thần ấy vào thực thi nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình thực hiện thỏa thuận hòa bình?

Quá trình làm việc đến nay, cho chúng tôi cảm nhận người dân Nam Sudan rất cam chịu. Mặc dù rất khó khăn, vất vả nhưng họ không kêu ca, than vãn nhiều. Tuy nhiên, hi vọng về một tương lai tốt đẹp, một nền hòa bình lâu dài tại đất nước này còn rất mong manh.

Trong khi đó, xung đột giữa các phe phái tại Nam Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp giữa nhóm vũ trang của người Shilluk và người Nuer, đặc biệt là tại các bang Upper Nile và Jonglei cũng như khu vực xung quanh Abyei. Trong tháng 12 vừa qua, đã xảy ra 4 cuộc xung đột tại bang Thượng Sông Nile làm 166 người chết và 237 người bị thương.

Các cuộc xung đột vẫn tiếp tục diễn và đang có chiều hướng lan sang các vùng lân cận giáp danh với Jonglei và Unity. Hơn 20.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa và đi ẩn náu khắp nơi. Chính quyền địa phương cũng như phái bộ đang ra sức để ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang và yêu cầu các nhóm vũ trang không tấn công và giết hại dân thường.

Các sĩ quan công an Việt Nam đang tích cực đóng góp công sức của mình vào sứ mệnh cao cả này. Chúng tôi cảm nhận được đây là công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi sự kiên trì và tinh thần hy sinh, cống hiến không mệt mỏi.

Lực lượng công an tham gia gìn giữ hòa bình ở cộng hòa Nam Sudan: Mang đến những yêu thương
Nhóm sĩ quan công an Việt nam phối hợp với các sĩ quan Bộ Quốc phòng tổ chức buổi lễ chào đón Tết Nguyên đán 2023 theo đúng phong tục Việt Nam tại căn cứ Tomping, thành phố Juba, Nam Sudan, ngày 29/1/2023 (tức ngày mồng 8 Tết).

Được biết, trước khi lên đường làm nhiệm vụ GGHB, Tổ công tác đã phải trải qua khóa huấn luyện kỹ càng, nghiêm ngặt, nhưng khi sang thực địa, sẽ có những vấn đề, tình huống phát sinh mà các đồng chí phải đối mặt?

Một trong những nhiệm vụ chính của cảnh sát LHQ là hỗ trợ Cảnh sát Nam Sudan thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên làm việc trực tiếp với các đơn vị cảnh sát Nam Sudan, đặc biệt là các đồn cảnh sát phụ trách các địa bàn phức tạp, có trại lánh nạn. Quá trình làm việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, vì cảnh sát địa phương không nhiệt tình hợp tác.

Một lần, trung tá Hùng cùng đội đến làm việc với Đồn Cảnh sát Yei phụ trách địa bàn 2 trại lánh nạn gần căn cứ LHQ tại Juba. Tuy nhiên, chỉ huy đồn cảnh sát và sĩ quan trực hôm đó không chịu hợp tác, tỏ thái độ bất cần.

Họ chất vấn chúng tôi: Tại sao Cảnh sát LHQ nắm tình hình, thu thập thông tin từ cảnh sát địa phương nhưng không giúp được gì cụ thể cho họ; Cảnh sát LHQ đã có mặt tại Nam Sudan hàng chục năm nhưng tình hình không được cải thiện; điều họ cần là những hỗ trợ cụ thể như: tiền, lương thực, nước uống, phương tiện làm việc…, chứ không phải là những hỗ trợ mang tính “trừu tượng” như nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức về pháp luật…

Viên chỉ huy tỏ thái độ gay gắt và phản ứng khi cảnh sát LHQ chỉ thu thập thông tin nhưng không giúp gì được cho họ cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt. Trung tá Vũ Việt Hùng và đồng nghiệp đã kiên nhẫn, làm dịu cơn giận dữ của viên chỉ huy, bình tĩnh giải thích về nhiệm vụ và vai trò của cảnh sát LHQ; nhấn mạnh về những lợi ích và kết quả mà cảnh sát LHQ đã mang lại cho cảnh sát Nam Sudan; khẳng định cảnh sát LHQ luôn mong muốn hỗ trợ hết sức cho cảnh sát Nam Sudan.

Muốn vậy, hai bên cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin và hợp tác chặt chẽ với nhau. Nhờ kỹ năng đàm phán tốt và những phân tích hợp tình, hợp lý, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, Trung tá Hùng và đồng nghiệp đã thay đổi được thái độ và nhận được sự hợp tác từ viên chỉ huy.

Trong quá trình tuần tra, làm việc trong trại lánh nạn, cảnh sát LHQ cần tiếp xúc, trao đổi với người dân để nắm tình hình an ninh, trật tự, xây dựng lòng tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật. Quá trình này, chúng tôi phải ghi lại hình ảnh (chụp ảnh, quay phim) để làm tư liệu báo cáo.

Tuy nhiên, tình hình an ninh trong các trại lánh nạn rất phức tạp, thường xuyên xảy ra cướp bóp, trấn lột, gây rối… Mặc dù có đội cảnh sát đặc nhiệm đi theo bảo vệ nhưng những sĩ quan như chúng tôi nhiều khi vẫn gặp rủi ro. Một lần, một đồng nghiệp của chúng tôi đã bị giật điện thoại di động khi chuẩn bị chụp ảnh. Nghi phạm đã chạy trốn rất nhanh và đến nay vẫn không thể xác định được.

Như vậy, việc thực hiện nhiệm vụ của những người lính mũ nồi xanh ở Cộng hòa Nam Sudan của Tổ công tác quả là một nhiệm kỳ đầy thách thức?

Đến Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ, không chỉ là những rủi ro về an ninh, an toàn đối với nhân viên LHQ nói chung và cảnh sát LHQ nói riêng mà còn một thứ rủi ro không kém là điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Bạn thử tưởng tượng, ban ngày trời nắng gắt, rát bỏng da, việc phải đi tuần tra dưới cái nắng gắt hàng ngày là cả một sự nỗ lực, đòi hỏi sức khỏe, nền tảng thể lực dẻo dai và cả tinh thần vượt khó. Điều đáng mừng là chúng tôi đều thích nghi được và đã vượt qua.

LHQ cũng rất quan tâm đến bảo đảm sức khỏe về thể chất và tinh thần cho nhân viên, đặc biệt là những người lính mũ nồi xanh thuộc lực lượng quân đội và cảnh sát, những người luôn phải làm việc trực tiếp tại địa bàn khó khăn, vất vả, căng thẳng, đối mặt với nhiều rủi ro đối với sức khỏe. Do đó, trong căn cứ của LHQ luôn có phòng tập gym cho nhân viên và có các khu vực để tổ chức sự kiện giao lưu giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc.

Lực lượng công an tham gia gìn giữ hòa bình ở cộng hòa Nam Sudan: Mang đến những yêu thương
Trung tá Lương Thị Trà Vinh và Trung tá Vũ Việt Hùng mừng tuổi đồng nghiệp tại căn cứ Tomping.

Nhiệm vụ của những tháng tiếp theo tại phái bộ Nam Sudan của Tổ công tác là gì?

Lực lượng cảnh sát LHQ đóng vai trò quan trọng trong thực hiện sứ mệnh của Phái bộ GGHB, bao gồm: bảo vệ dân thường; hỗ trợ, tạo môi trường để thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo; điều tra, giám sát các vụ việc vi phạm nhân quyền, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy tiến trình chính trị, thực thi thỏa thuận hòa bình để tiến tới tạo lập nền hòa bình lâu dài tại nước sở tại. Ngay từ khi sang Nam Sudan, chúng tôi nhanh chóng được tập huấn về vai trò, nhiệm vụ của cảnh sát LHQ. Sau đó được phân công về các bộ phận, địa bàn trên khắp cả nước Nam Sudan.

Công tác tại Văn phòng thực địa Juba, nhiệm vụ đầu tiên là tuần tra, nắm tình hình an ninh, trật tự. Hàng ngày, chúng tôi thực hiện các chuyến tuần tra xung quanh và trong các trại lánh nạn, xung quanh thủ đô Juba. Trong quá trình tuần tra luôn có hoạt động tiếp xúc, trao đổi với người dân, cảnh sát, chính quyền nước sở tại để nắm thông tin, tình hình; xây dựng lòng tin, củng cố hình ảnh của lực lượng thực thi pháp luật. Việc tuần tra cũng còn nhằm thể hiện sự hiện diện và sức mạnh của lực lượng cảnh sát LHQ, răn đe, phòng ngừa tội phạm, tạo môi trường an ninh, an toàn cho người dân.

Nhiệm vụ này đối với chúng tôi rất thú vị. Nó tạo cơ hội tiếp xúc với người dân, qua đó hiểu và cảm nhận được cuộc sống, văn hóa, con người nơi đây. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, trao đổi và lắng nghe chia sẻ về cuộc sống, về tình hình của người dân, tìm hiểu văn hóa. Khi làm việc tại địa bàn, tiếp xúc với trẻ em nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự thiếu thốn, khó khăn, vất vả không làm mất đi sự hồn nhiên và niềm vui khi nhìn thấy lực lượng GGHB LHQ. Chúng tôi gần gũi, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, động viên, khuyến khích họ khắc phục khó khăn, tạo sự tin tưởng.

Vừa qua, đồng chí Lê Quốc Huy đã đăng ký và trúng tuyển vị trí sĩ quan đánh giá nội bộ thuộc Sở chỉ huy lực lượng cảnh sát Phái bộ. Đây là vị trí khá quan trọng, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của tất cả các bộ phận chức năng của lực lượng cảnh sát trên toàn Phái bộ để báo cáo cho Tư lệnh cảnh sát. Trung tá Vũ Việt Hùng trúng tuyển vị trí sỹ quan nâng cao năng lực.

Hằng ngày, anh đến làm việc với các đồn cảnh sát ở trong thành phố, nắm tình hình an ninh trật tự trong vòng 24 giờ, hỗ trợ kịp thời và trao đổi, hướng dẫn các đồn cảnh sát đánh giá tình hình an ninh trong địa bàn; tham gia tổ chức lớp tập huấn đào tạo cho cảnh sát địa phương, tập huấn cho người dân, nhân viên công tác xã hội về pháp luật, kỹ năng bảo đảm an ninh, an toàn; nâng cao nhận thức về nhân quyền. Trung tá Lương Thị Trà Vinh trúng tuyển vị trí sĩ quan tham mưu nghiệp vụ, có nhiệm vụ lập kế hoạch công tác hàng tuần, tháng, quý cho Văn phòng địa bàn Juba.

Quả là một tin vui trong những ngày đầu năm mới, phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực rèn luyện và tính thích nghi cao của đại diện công an Việt Nam tại phái bộ Nam Sudan. Theo các đồng chí để thực hiện tốt nhiệm vụ GGHB, cán bộ, chiến sĩ công an cần có những phẩm chất, năng lực đặc biệt nào?

Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, đòi hỏi chúng tôi phải có những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Ngoài việc thành thạo tiếng Anh, sĩ quan cảnh sát LHQ phải có năng lực nghề nghiệp, có các phẩm chất bắt buộc của nhân viên LHQ: tính chính trực, tính chuyên nghiệp, tôn trọng sự đa dạng, có kỹ năng làm việc nhóm, truyền thông, giao tiếp, đàm phán…

Chúng tôi phải có nhận thức toàn diện về nhiệm vụ, vai trò của cảnh sát LHQ, hiểu biết về bối cảnh, môi trường công tác và đặc thù của lực lượng cảnh sát nước sở tại. Đặc biệt, để làm việc có hiệu quả, sĩ quan cảnh sát LHQ phải có năng lực hành động độc lập, khả năng phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Đây là những phẩm chất, kỹ năng phải trải qua quá trình rèn luyện và tích lũy mới có thể đạt được.

Việc trúng tuyển vào các vị trí trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực học hỏi, chứng minh năng lực của các sỹ quan cảnh sát Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công tác của Phái bộ. Căn cứ vào hồ sơ cán bộ, kinh nghiệm công tác và kết quả phỏng vấn, ba sĩ quan công an Việt Nam đều được phân công công tác tại thủ đô Juba. Đây là điều đặc biệt bởi tất cả các đoàn đều chỉ được giữ lại 20% quân số công tác tại thủ đô, còn lại đi các phân khu tại các địa phương.

Điều đặc biệt là rất nhiều người dân Nam Sudan biết đến Việt Nam. Khi giới thiệu là cảnh sát đến từ Việt Nam, nhiều người bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục tinh thần đấu tranh anh dũng của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến trước đây. Đó là điều khiến tôi rất vui mừng và tự hào. Cũng nhờ đó, công việc của chúng tôi được thuận lợi hơn rất nhiều.

Xin được chia sẻ thật lòng, có khi nào các đồng chí cảm giác sợ hãi không (dù thoáng qua trong một vài tình huống nguy hiểm thực tế đã gặp), và điều gì khiến các đồng chí vượt lên nỗi sợ và thực tế là có cả sự cô đơn, nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ con - những điều giản dị của cuộc sống thanh bình ở Việt Nam?

Phải nói rằng lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ cảnh sát GGHB LHQ, chúng tôi có nhiều bỡ ngỡ. Mặc dù được tập huấn và chuẩn bị kỹ càng nhưng cũng có những tình huống, những công việc gặp khó khăn, lúng túng, lo lắng. Chẳng hạn như, khi đi tuần tra trong trại tị nạn gặp những nhóm thanh niên quá khích, không thân thiện; hoặc khi cảnh sát địa phương không hợp tác; khi tình hình an ninh tại Nam Suadan nói chung và Juab nói riêng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro với sĩ quan LHQ khi di chuyển trên đường.

Trong thời gian chúng tôi đến đây từ tháng 10/2022 đã xảy ra một số vụ nổ súng vào dân thường, vào xe khách ngày trong thành phố Juba làm nhiều người chết, gây ra tình trạng hết sức căng thẳng; rồi nạn cướp bóc, giết người, tội phạm bang nhóm rất phức tạp. Phái bộ UNMISS phải qui định giờ giới nghiêm đối với nhân viên là từ 19h00-5h00, trong thời gian này toàn bộ nhân viên LHQ phải ở trong căn cứ, không được ra ngoài để đảm bảo an toàn.

Những khi có tình hình xấu và phức tạp, chúng tôi cũng không tránh khỏi lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, những tình huống đó chúng tôi đều đã được thông tin và chuẩn bị kỹ càng, chúng tôi có những phương tiện bảo đảm an toàn cá nhân như áo giáp, mũ sắt chống đạn, bộ đàm liên lạc khẩn cấp cũng như được tập huấn, rèn luyện về tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm…

Công tác tại đất nước xa xôi, những buổi tối, sau một ngày làm việc, trở về phòng nghỉ có những lúc cảm thấy cô đơn, mong được ở bên gia đình, mong được có những ngày làm việc thanh bình ở Việt Nam. Đặc biệt, nỗi nhớ đó, tâm trạng đó càng thôi thúc khi ngày Tết Nguyên đán đang đến gần.

Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng, sự tự hào khi được giao nhiệm vụ GGHB tại phái bộ của LHQ. Do đó, chúng tôi nhanh chóng vượt qua những sợ hãi, lo lắng, sự cô đơn, nỗi nhớ quê hương, gia đình để thực hiện nhiệm vụ, cả nhiệm vụ của LHQ và nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao.

Chuyên gia Việt Nam-Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Chuyên gia Việt Nam-Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến Kỳ họp 16 Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4, giai đoạn 2021-2023 ...

Việt Nam có hai sĩ quan gìn giữ hoà bình đầu tiên tại phái bộ huấn luyện Liên minh châu Âu

Việt Nam có hai sĩ quan gìn giữ hoà bình đầu tiên tại phái bộ huấn luyện Liên minh châu Âu

Hai sĩ quan được cử làm nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi là Trung ...

Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc

Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc

Chiều 25/11, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký Liên ...

Trao quyết định cho 4 sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Trung Phi

Trao quyết định cho 4 sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Trung Phi

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chúc mừng các sĩ quan hoàn thành nhiệm vụ ...

Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, trách nhiệm ...

(thực hiện)