Tư lệnh lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA gắn huy chương vì sự nghiệp GGHB LHQ cho Thượng uý Ngô Xuân Tùng khi anh kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ (2020-2021), tháng 10/2021. |
Một ngày tháng 12/2022, trong không khí tưng bừng, tràn đầy khí thế tuổi trẻ tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, tôi gặp người lính trẻ mũ nồi xanh - Đại úy Ngô Xuân Tùng (sinh năm 1993). Hiện anh là Trợ lý chính trị, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB).
Trò chuyện với anh, tôi được nghe chia sẻ chuyện nghề, chuyện nghiệp cùng những kỷ niệm khi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA).
Cơ duyên và lòng nhiệt huyết với nghề
Là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Khóa 80 của Trường Sĩ quan lục quân 1 (năm 2016), nghe thông tin Cục GGHB tuyển người, qua tìm hiểu, đây là một công việc mới, nhiệm vụ mới của Bộ Quốc phòng, với mong muốn thử sức và cống hiến trong môi trường mới, anh sĩ quan trẻ liền nộp đơn tham gia tuyển dụng.
Trải qua ba vòng kiểm tra, phỏng vấn gắt gao, anh được tuyển chọn vào đội hình những người lính mũ nồi xanh ở Cục GGHB Việt Nam. Tiếp tục nỗ lực luyện rèn ở môi trường mới, tháng 10/2020, chàng lính trẻ Ngô Xuân Tùng-mang quân hàm Thượng úy, đã lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc (LHQ) tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung Phi với vai trò quan sát viên quân sự. Vị trí này được ví như tai, mắt của Phái bộ, khi thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra, hộ tống, trực tiếp làm việc với chính quyền, gặp gỡ người dân sở tại và đôi khi là đối diện với các phe nhóm vũ trang. Đây là một trong những nhiệm vụ được đánh giá là vất vả nhất tại các Phái bộ, vì thường phải thực hiện tuần tra, công tác xa Sở chỉ huy tới các địa bàn xa xôi, ít có lực lượng quân sự, điều kiện liên lạc khó khăn, nhiều nơi không có tín hiệu điện thoại.
Luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ, xa gia đình, phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm tiềm tàng nhưng những người lính mũ nồi xanh vẫn luôn giữ lòng nhiệt huyết với nghề, đặc biệt là những người lính trẻ vì “là bộ đội thì công việc nào cũng là nhiệm vụ mà Tổ quốc giao, nhất là người trẻ, càng khó càng phải xông pha”, theo Đại úy Tùng.
Tùng cho biết, từ năm 2014, khi Việt Nam lần đầu triển khai sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ cho đến nay, Việt Nam đã cử hơn 500 lượt cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ ở hình thức cá nhân như sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, sĩ quan điều phối… và trong đội hình đơn vị Đội Công binh, Bệnh viện dã chiến cấp hai. Trong lực lượng này, có gần 50% là cán bộ, đoàn viên thanh niên, đảng viên trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn. Đây cũng là lực lượng xung kích, nòng cốt trong thực hiện mọi nhiệm vụ của đơn vị.
Tùng cho biết, những chiến sĩ trẻ đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa, đến khi triển khai tới Phái bộ đã trực tiếp chứng kiến những cảnh loạn lạc, ly tán, mất mát đau thương do xung đột, nội chiến, đói nghèo, lạc hậu tại các quốc gia châu Phi, trẻ em không được đến trường, những làng mạc bị bỏ hoang, đốt cháy, người dân sống trong các trại tị nạn chật hẹp, thiếu nước, thiếu lương thực thực phẩm. “Chúng tôi thực sự cảm nhận được giá trị của nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc và càng thêm tự hào về lịch sử dân tộc, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”, anh nhấn mạnh.
Đó chính là nguồn động lực lớn lao để các chiến sĩ trẻ, với tinh thần xung kích, nhiệt huyết luôn quyết tâm đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cùng chung tay với đồng nghiệp các nước kiến tạo, gìn giữ môi trường hòa bình và giúp người dân bản địa từng bước khắc phục khó khăn. “Hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng chính là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ thời bình và bằng các biện pháp hòa bình”, Đại úy Tùng chia sẻ.
Thượng úy Ngô Xuân Tùng trong các chuyến tuần tra, làm việc với chính quyền và người dân Trung Phi, tháng 7/2021. (Ảnh: NVCC) |
Những kỷ niệm khó quên
Đối với Đại úy Ngô Xuân Tùng, nhiệm kỳ công tác 12 tháng phải gia hạn, kéo dài lên 15 tháng do thời điểm anh thực hiện nhiệm vụ, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, các chuyến bay quốc tế đều bị hủy bỏ, nhiều đồng nghiệp của anh thậm chí phải kéo dài tới gần 20 tháng mới có chuyến bay về nước.
Anh cho biết, mỗi vị trí công tác đều có những kỷ niệm riêng và khó quên. Đó là những lần đối mặt với các nhóm vũ trang với súng đã lên đạn, là những cách vượt lên khó khăn của điều kiện sống, sinh hoạt còn thiếu thốn... “Nhưng có lẽ, điều mà tôi khó quên nhất là việc người lính Bộ đội cụ Hồ thời kỳ mới trong môi trường làm việc quốc tế đã luôn được lãnh đạo LHQ, chỉ huy các Phái bộ, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao và được người dân bản địa tín nhiệm”.
Anh kể, có những lần đi thực hiện nhiệm vụ, được nghe người dân bản địa nói “Việt Nam-good! Việt Nam-good” (Việt Nam tốt, Việt Nam tốt) hay vẫy tay nói “Xin chào” bằng tiếng Việt, anh và các đồng nghiệp cảm thấy rất ấm lòng; cảm nhận được từ những lần đơn vị đến làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ người dân và được họ ghi nhận.
“Đón Tết xa nhà thực sự là một trải nghiệm đặc biệt đối với mỗi chiến sĩ mũ nồi xanh. Chúng tôi luôn chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng nhất để đón Tết theo một cách đặc biệt nhất”-Ngô Xuân Tùng. |
Tùng cũng chia sẻ, những lần trải qua cái Tết xa gia đình ở Trung Phi, dù rất nhớ nhà, nhưng vì nhiệm vụ cao cả, mọi người vẫn cố gắng động viên nhau, đón Tết trong không khí đầm ấm cùng “gia đình” quốc tế. Anh cho biết, thường thì các chiến sĩ mũ nồi xanh đi hoạt động độc lập tại các khu vực cách xa nhau hàng trăm cây số. Nhưng cứ đến Tết, cả tổ bảy người tập trung về trung tâm, gói bánh chưng, trang trí Tết và nấu các món Việt Nam rồi mời đồng nghiệp các nước đến chung vui.
Ở các đơn vị như Bệnh viện dã chiến (63 người) còn tổ chức thi gói bánh chưng, với sự tham gia của nhiều bạn bè quốc tế; tổ chức gặp mặt Tết, mời lãnh đạo chỉ huy Phái bộ, đồng nghiệp quốc tế, chính quyền địa phương tham dự và chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, hay chiếu phim giới thiệu về lịch sử, đất nước con người Việt Nam… Các vị khách quốc tế đã tỏ ra rất vui thích khi được trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt. Bên cạnh sự tôn trọng, quý mến sẵn có với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, họ càng hiểu hơn những nét đẹp đất nước, con người, ẩm thực, văn hóa Việt Nam và thấy được “tinh thần Việt Nam”.
“Đón Tết xa nhà thực sự là một trải nghiệm đặc biệt đối với mỗi chiến sĩ mũ nồi xanh. Và chúng tôi luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng nhất để đón Tết theo một cách đặc biệt nhất.
Chúng tôi cũng luôn nhận được sự quan tâm, dõi theo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và hậu phương gia đình. Nhiều năm liền, đơn vị đã tổ chức các chương trình cầu truyền hình trực tuyến, mang không khí Tết từ Việt Nam đến với Phái bộ và mang tinh thần cống hiến, dấn thân trong sứ mệnh GGHB từ Phái bộ về với quê hương trong dịp Tết cổ truyền”, người lính trẻ xúc động nói.
| Tết đồng bào 2023: Mang Tết sớm, Tết ấm no đến với người dân vùng sâu, vùng xa Với mong muốn mang Tết sớm, Tết ấm no đến với người dân vùng sâu vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, chiều ... |
| Phụ nữ Việt Nam và ‘tinh thần Bà Triệu’ trong gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix đánh giá cao đóng góp của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam, trong đó có ... |
| Trao quyết định cho 4 sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Trung Phi Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chúc mừng các sĩ quan hoàn thành nhiệm vụ ... |
| Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, trách nhiệm ... |
| 'Khát vọng hòa bình': Những câu chuyện về bản lĩnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam Sáng 9/1, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức ... |