📞

Luôn có cơ hội góp sức cho quê hương

08:00 | 07/02/2019
Hai nghiên cứu sinh (NCS) ở nước ngoài được nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu vàng 2018 đều đang sinh sống ở Hàn Quốc. Trò chuyện với TG&VN những ngày giáp Tết, họ đã chia sẻ về niềm vui, trải nghiệm trong nghiên cứu khoa học và cả những cảm xúc khi ăn Tết xa quê....

Đại học Chung-Ang và Đại học Gachon chắc hẳn là môi trường học tập tuyệt vời cho những nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam như anh, chị?

NCS. Đào Như Ngọc: Hàn Quốc là một trong những nơi rất phù hợp để tôi phát triển nghiên cứu sâu hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hàn Quốc hiện có chính sách rất cởi mở thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu. Không những thế, văn hóa Hàn Quốc cũng có những nét tương đồng nhất định với Việt Nam, tạo cảm giác gần gũi hơn cho sinh viên xa quê hương bớt nhớ nhà. Hiện tại, tôi đang nghiên cứu về lĩnh vực điện toán đa lớp trong mạng thông tin di động thế hệ mới tại Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Chung-Ang.

NCS. Trịnh Kiều Thế Loan: Tôi nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo thạc sĩ (2010) và tiến sĩ (2012) ngành Công nghệ sinh học nano tại Đại học Gachon. Hàn Quốc có nền khoa học công nghệ nano tiên tiến cùng đầy đủ thiết bị cần thiết cho nghiên cứu theo hướng tôi thích. Song song với đó, giáo sư hướng dẫn là người có uy tín và chuyên môn sâu trong lĩnh vực này nên tôi nhận được rất nhiều lời khuyên về chuyên môn và hội nhập cuộc sống tại đây.

NCS. Trịnh Kiều Thế Loan nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu vàng 2018. (Ảnh: NVCC)

Với những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, anh, chị đã nhận được Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu vàng 2018. Thành quả này chắc hẳn đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của anh, chị?

NCS. Đào Như Ngọc: Hiện tại tôi đã có gần 20 bài báo khoa học SCIE và hơn 10 bài báo đăng trên kỷ yếu các hội nghị khoa học quốc tế. Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, việc chủ động trong nghiên cứu khoa học rất quan trọng, tránh sự ỷ lại vào giáo sư hướng dẫn, cũng như tích cực phản biện, trao đổi chéo với các thành viên trong phòng nghiên cứu và các sinh viên khác. Tôi cũng nhận thấy việc tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi và xây dựng hình ảnh cộng đồng du học sinh Việt Nam năng động, vững mạnh và đoàn kết tại Hàn Quốc.

NCS. Trịnh Kiều Thế Loan: Sau 5 năm ở đây, tôi đã công bố thành công 20 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế và hai bằng sáng chế độc quyền tại Hàn Quốc. Đó chỉ là số lượng thí nghiệm may mắn thành công và được công bố sau rất nhiều thất bại. Mỗi lần như vậy là một thử thách vô cùng lớn với bản thân để vượt qua những giai đoạn khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Nhưng song song với đó cũng là cơ hội để bản thân tự trải nghiệm và trưởng thành hơn trong sự nghiệp nghiên cứu. Những lần tham dự các hội thảo đầu ngành về lĩnh vực theo đuổi là cơ hội cực kỳ tốt để cập nhật xu hướng nghiên cứu cũng như những ý tưởng hay. Đặc biệt, được giao lưu với bạn bè quốc tế trong quá trình nghiên cứu sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời để thành công hơn với nghề nghiên cứu. Tôi thấy rằng kinh nghiệm nghiên cứu phải được xây dựng trên nền tảng đam mê và dám hiện thực ý tưởng, thêm vào trực tiếp thực hiện thí nghiệm hoặc theo dõi sát kết quả thí nghiệm để có được cách đánh giá phù hợp với kết quả.

Ở trong nước vẫn đang còn nỗi lo “chảy máu chất xám”, anh, chị có suy nghĩ gì về vấn đề thu hút nguồn lực chất xám từ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những trí thức trẻ?

NCS. Đào Như Ngọc: Tôi nghĩ rào cản lớn nhất trong việc thu hút nguồn lực chất xám từ người Việt Nam ở nước ngoài chính là chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và khả năng thành công trong chuyên môn. Tuy nhiên, tôi tin rằng tất cả người Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài vẫn luôn có cơ hội đóng góp phát triển đất nước theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như việc giúp đỡ và hướng dẫn các thế hệ du học sinh Việt Nam cũng là một cách đóng góp cho đất nước.

NCS. Trịnh Kiều Thế Loan: Theo tôi, dù ở nơi đâu, những người con đất Việt vẫn muốn góp một phần sức lực cho sự phát triển chung của đất nước bằng nhiều cách khác nhau. Điển hình là nhà nước chúng ta đang rất quan tâm để tạo ra mạng lưới kết nối người Việt năm châu - như chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018” - để chung tay giúp giải những bài toán của Việt Nam.

NCS. Đào Như Ngọc cùng gia đình nhỏ tại Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Bản thân anh, chị có dự định giúp gì cho quê hương trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn?

NCS. Đào Như Ngọc: Hiện tại, tôi đang cộng tác với hai nhóm các nhà khoa học ở Việt Nam trong nghiên cứu và công bố khoa học. Đó cũng là một cách chuyển giao công nghệ mới về Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ hội để làm việc và nghiên cứu không có sự chênh lệch quá lớn giữa Việt Nam và thế giới nhờ có Internet. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

NCS. Trịnh Kiều Thế Loan:  Tôi tin mình vẫn có rất nhiều cách đóng góp để nâng tầm ảnh hưởng nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ sinh học thông qua các hoạt động: trao đổi, giao lưu hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học tại Hàn Quốc với các viện nghiên cứu và đại học tại Việt Nam; cung cấp nhiều kênh thông tin học bổng để tạo cơ hội nhiều hơn cho thế hệ sinh viên đi sau tiếp cận và nhận được học bổng, cũng như tìm kiếm các nguồn quỹ cho đề tài hợp tác song phương.

Tết xa quê với những nghiên cứu sinh như anh, chị sẽ như thế nào?

NCS. Đào Như Ngọc và NCS. Trịnh Kiều Thế Loan:  Ở bên này, Tết chỉ như một dịp nghỉ lễ bình thường và kéo dài trong ba ngày. Tuy nhiên, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc và Chi hội Sinh viên Việt Nam tại trường thường tổ chức Chương trình Tết xa quê cho những người ở lại. Những ngày này, chúng tôi thường gặp nhau để trò chuyện. Mỗi khi tình cờ nghe được bài hát về Tết hay hình ảnh Tết mọi người ở quê đăng tải trên Facebook hoặc trên báo chí là cảm giác nhớ nhà lại trào dâng!

Xin cảm ơn anh, chị!

(thực hiện)