“Ông ấy là một nhà ngoại giao có thể khơi thông những dòng dầu”. Đó là lời của Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus khi nói về CEO ExxonMobil Rex Tillerson, người được Tổng thống Trump chỉ định làm Bộ trưởng Ngoại giao tiếp theo của nước Mỹ.
Ông Tillerson, năm nay 64 tuổi, là một nhà kinh doanh dầu mỏ và đã dành hơn 40 năm để phát triển tập đoàn ExxonMobil vươn ra khắp thế giới. Trên thực tế, Tillerson đã nhiều lần sát cánh cùng Chính phủ Mỹ bởi ông cho rằng ExxonMobil cũng có ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế.
Ông Rex Tillerson. (Nguồn: The New Yorker) |
Nhà kinh doanh có uy tín
Ông Tillerson nổi tiếng là một người có uy tín, đặc biệt là nhận được sự nể trọng của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Việc ông Trump lựa chọn một người không có kinh nghiệm chính trường như Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng là một quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, dựa trên phong cách ông điều hành thành công tập đoàn ExxonMobil, nhiều người cho rằng Tillerson có thể sẽ là một trong những chính khách thành công nhất trong nội các của ông Trump.
Mặc dù là lãnh đạo của một tập đoàn hiện diện trên khắp thế giới, ông Tillerson lại có xuất phát điểm khá khiêm tốn và mang tính địa phương. Sinh ra ở Wichita Falls, Texas, ông lớn lên trong hội Hướng đạo sinh, sau đó vào học tại Đại học Texas. Ông gia nhập ExxonMobil năm 1975 và chưa bao giờ sinh sống lâu ở bên ngoài nước Mỹ.
Jack Randall, một đồng nghiệp của Tillerson, nhớ lại ông Tillerson thường dành thời gian rảnh để sửa sang ngôi nhà bên hồ của mình, mặc dù nhiều nhân viên sẵn sàng giúp đỡ ông làm việc này. “Ông ấy (Tillerson) là một người sống giản dị với giấc mơ Mỹ. Là một người Texas, một kỹ sư và một hướng đạo sinh… những đặc tính này đã hình thành nên con người Tillerson”, ông Randall nói.
Trên cương vị là người điều hành ExxonMobil kể từ năm 2006, ông đã đưa tập đoàn này hiện diện tại nhiều khu vực hẻo lánh trên thế giới, từ vùng Sakhalin đầy băng giá ở vùng Viễn Đông (Nga) cho đến quốc gia nghèo khó Chad ở châu Phi. Chính công việc của ExxonMobil đã giúp Tillerson có kinh nghiệm đàm phán với các nhà lãnh đạo mà Mỹ cho là “khó nhằn” như Tổng thống Nga Vladimir Putin hay cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez mà vẫn giữ được lợi ích cho doanh nghiệp mình.
Trong cuốn sách viết về ExxonMobil mang tên “Đế chế tư nhân”, Steve Coll đã mô tả quá trình đàm phán giữa ông Tillerson và Tổng thống Putin về việc kiểm soát tập đoàn quốc doanh Rosneft của Nga tại Sakhalin. Khi ông Putin đề nghị ra một chỉ thị nhằm thúc đẩy dự án giữa ExxonMobil - Rosneft tại Sakhalin, ông Tillerson đã thẳng thắn từ chối bởi cho rằng Tổng thống Nga không có thẩm quyền pháp lý để đáp ứng các tiêu chuẩn của ExxonMobil. Mặc dù ông Putin rất tức giận song cuối cùng phải chấp nhận yêu cầu của Tillerson.
Năm 2011, ExxonMobil và Rosneft đạt được thỏa thuận khai thác dầu khí chung trị giá 500 tỷ USD ở Biển Kara thuộc Bắc Cực. Đến năm 2013, ông Putin trao tặng Huân chương hữu nghị của Nga cho ông Tillerson. Tuy nhiên, thương vụ ExxonMobil – Rosneft tại Bắc Cực bị đổ bể do lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nga hồi năm 2014. Ông James Henderson, chuyên gia về dầu mỏ Nga tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (Anh), cho rằng Điện Kremlin tôn trọng ExxonMobil thời Tillerson làm CEO, bởi cho rằng tập đoàn này luôn giữ chữ tín làm đầu.
Những phẩm chất nối bật
Dù vậy, mối quan hệ giữa Tillerson và ông Putin có thể sẽ khiến CEO ExxonMobil gặp khó khăn khi điều trần tại Thượng viện, đặc biệt là từ sau khi có thông tin cho rằng các tin tặc Nga đã can thiệp vào hệ thống bầu cử Mỹ để giúp ông Trump đắc cử. Bên cạnh đó, những người chống lại Tillerson đang đặt nghi vấn về sự liêm chính của ông.
Tuy nhiên, nói như ông Randall, “khả năng Mẹ Theresa lấy trộm tiền quỹ từ thiện của bà còn cao hơn việc Rex Tillerson làm điều gì với Putin mà không phục vụ cho lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và CEO ExxonMobil Rex Tillerson. (Nguồn: US News) |
Điều chưa rõ hiện nay là liệu Tillerson sẽ có chính sách thế nào với các đồng minh truyền thống của Mỹ, đặc biệt là châu Âu vốn quan ngại trước các động thái của Nga tại Ukraine. Việc bổ nhiệm ông Tillerson cũng khiến nhiều người cho rằng nền ngoại giao của Mỹ sẽ tập trung bảo vệ nguồn lợi dầu lửa và các nguồn tài nguyên khác trên thế giới. Một số tổ chức phi chính phủ cáo buộc ExxonMobil không có đóng góp tích cực trong việc chống lại biến đổi khí hậu.
Bất chấp những chỉ trích nói trên, với tư duy của một nhà kinh doanh dầu lửa lão luyện, ông Tillerson được kỳ vọng sẽ thể hiện một phong cách ngoại giao mới. Việc tìm kiếm và đầu tư khai thác dầu lửa đòi hỏi sự tỉ mỉ, trong khi nền tảng kỹ sư khiến Tillerson có thiên hướng đưa ra quyết định dựa trên cơ sở thực tế. Bên cạnh đó, ông cũng được đánh giá là một nhà đàm phán “kiên trì và không bị cảm xúc chi phối”. Những phẩm chất trên khiến Tillerson khác với Tổng thống Donald Trump, vốn là một người đưa ra quyết định một cách khá cảm tính. Theo ông Randall, “Tillerson không phải là người khoanh tay chờ gió thổi chiều nào rồi nói theo chiều ấy, ông ấy sẽ nói với Trump những suy nghĩ của bản thân mình”.