Nhỏ Bình thường Lớn

Lý do châu Phi nên là mặt trận chiến lược địa chính trị mới của Australia

Câu chuyện dân số của châu Phi không hẳn mang lại cơ hội kinh tế cho Australia nhưng yếu tố địa chính trị lại là một câu chuyện khác.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Kate O’Shaughnessy, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia trong bài viết mới đăng trên trang The Interpreter thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Australia). Theo tác giả, chính sách đối ngoại của Australia thường tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức cũng có thể xuất hiện từ những khu vực như châu Phi, vốn không phải nơi mà các nhà hoạch định chính sách Australia đang đặc biệt quan tâm vào thời điểm này, nhưng trong những năm tới, có lẽ nước này sẽ phải có cách nhìn nhận khác.

Châu Phi - Mặt trận chiến lược địa chính trị mới của Australia
Tiến sĩ Kate O’Shaughnessy cho rằng Australia cần quan tâm yếu tố địa chính trị của châu Phi. (Ảnh chụp màn hình)

Cơ hội và điểm khuyết

Theo Tiến sĩ Kate O’Shaughnessy, những người ủng hộ việc Australia quan tâm nhiều hơn tới thị trường châu Phi thường đưa ra 4 điểm: sự gia tăng dân số của châu Phi (dự báo đến năm 2050, cứ 4 người thì có 1 người châu Phi), tầng lớp trung lưu tăng lên (1,1 tỷ người vào năm 2060), quan hệ thương mại song phương (trị giá 9,6 tỷ AUD) và đầu tư của Australia vào ngành khai thác khoáng sản tại châu Phi (khoảng 40-60 tỷ AUD).

Những điều trên khiến vị chuyên gia cho rằng Australia cần tích cực hơn với châu lục đang nổi lên này nhưng dường như lại khiến các nhà hoạch định chính sách chùn bước.

Thương mại và đầu tư của Australia với châu Phi chỉ chiếm 1% trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài, trong khi giao thương với Việt Nam và đầu tư vào Hà Lan còn nhiều hơn so với tất cả 54 quốc gia châu Phi gộp lại.

Câu chuyện dân số của châu Phi không hẳn sẽ mang lại cơ hội kinh tế cho Australia. Điều mà quốc gia châu Đại Dương này thiếu chính là những mối quan hệ song phương sâu sắc, các hiệp định thương mại tự do và quan hệ đối tác chiến lược như đã xây dựng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua, vốn là nơi gần gũi và có tốc độ tăng trưởng dân số, kinh tế tương đương.

Trên thực tế, có những yếu tố địa chính trị buộc Australia không thể không tăng cường hiểu biết và hợp tác với các nước châu Phi, đó là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, tính bền vững của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Ảnh hưởng "ngoại lai"

Bà O’Shaughnessy cho rằng, cách Trung Quốc bước chân vào châu Phi cũng giống như các nơi khác trên thế giới, thông qua cơ sở hạ tầng (chủ yếu là Sáng kiến ​​Vành đai và con đường) và xây dựng mối quan hệ bền chặt. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành xây dựng căn cứ quân sự hướng ra Ấn Độ Dương ở Djibouti, đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng trên khắp lục địa.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, ông lớn châu Á dường như đã xem xét về khả năng thiết lập các căn cứ quân sự ở Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Guinea Xích đạo.

Châu Phi: Mặt trận chiến lược địa chính trị mới của Australia
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Phi là điều không cần phải bàn cãi. (Nguồn: Shutterstock)

Bên cạnh đó, sự hiện diện của Nga lại thường được biết tới thông qua tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, vốn đã “chắc chân” ở các quốc gia kém phát triển như Mali, Burkina Faso, Niger, Libya, Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Tập đoàn này được cho là đã tìm cách mua kho dự trữ uranium 300kg ở Niger. Năm 2023, Wagner bị cáo buộc đứng sau quyết định cấm xuất khẩu lithium thô của chính quyền quân sự Mali, buộc công ty khai thác Leo Lithium của Australia phải ngừng giao dịch...

Sự hiện diện của Trung Quốc và Nga ở châu Phi ngày càng rõ nét trong bối cảnh chính phủ các nước châu lục này cho rằng không nhận được sự tôn trọng hay hỗ trợ nào từ cộng đồng quốc tế.

Trật tự không công bằng?

Tiến sĩ Kate O’Shaughnessy nhận định, những diễn biến này tưởng chừng như ngoài phạm vi lợi ích của Australia, nhưng rõ ràng các động thái của Trung Quốc và Nga tại châu Phi thực sự mang ý nghĩa toàn cầu và làm gia tăng rủi ro bất ổn toàn cầu lâu dài. Bên cạnh đó, việc suy giảm sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại châu lục này càng khiến Australia cân nhắc tiến gần hơn với châu Phi.

Các quốc gia châu Phi chiếm 1/4 trong cộng đồng quốc tế và tương tư, 1/4 số phiếu trong các thể chế đa phương, nhưng lại chán ngán một hệ thống mà như Tổng thống Ghana Nana Akufo Addo phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2023 là "giúp duy trì một trật tự thế giới không công bằng". Vì vậy, những lá phiếu đang phản ánh lập trường của các quốc gia này. Chẳng hạn, có 17 quốc gia châu Phi trên tổng số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc về cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2022 và một phiếu chống từ Eritrea, đất nước nhỏ bé tại Đông Phi.

Australia luôn ủng hộ châu Phi trong việc kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc khi Hội đồng Bảo an không có thành viên thường trực từ châu lục này. Nhưng sự thất vọng của châu Phi đối với tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này dường như đã lên tới đỉnh điểm, buộc Australia phải thay đổi phương thức tiếp cận và hợp tác hiệu quả hơn.

Châu Phi: Mặt trận chiến lược địa chính trị mới của Australia
Tổng thống Ghana Nana Akufo Addo phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20/8/2023. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Bài toán năng lượng

Bên cạnh đó, bà O’Shaughnessy cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc tài nguyên và địa chính trị tại châu Phi cũng phần nào ảnh hưởng tới Australia.

Châu Phi là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, năm 2050, nguồn cung khoáng sản thiết yếu trên toàn cầu phải tăng gấp 4 lần nếu muốn đạt được các mục tiêu khí hậu. Điều này buộc các công ty khai thác của Australia đang hoạt động tại châu Phi đóng vai trò then chốt, dù chỉ chiếm 1% tổng đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga, một lần nữa khẳng định vị thế trong lĩnh vực này. Trung Quốc đang thống trị trong khu vực tập trung tài nguyên đồng của châu Phi (CHDC Congo và Zambia), cobalt (CHDC Congo với 70% nguồn cung toàn cầu) bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư vào lithium tại Namibia, Mali và Zimbabwe.

Trung Quốc cũng đang đáp ứng các yêu cầu của châu Phi trong tăng cường chế biến nội địa, vượt qua các đối tác quốc tế khác. Năm 2023, công ty Zhejiang Huayou Cobalt (Trung Quốc) mở nhà máy chế biến lithium trị giá 300 triệu USD, ngay sau khi chính phủ Zimbabwe cấm xuất khẩu quặng lithium thô.

Việc Bắc Kinh bước chân vào lĩnh vực khoáng sản tại châu Phi không chỉ ảnh hưởng đến các công ty khai thác của Canberra, mà còn tác động đến nỗ lực toàn cầu nhằm phá vỡ thế độc quyền của ông lớn châu Á trong chế biến khoáng sản thiết yếu, vốn là những nguyên liệu cần thiết cho điện thoại thông minh, pin mặt trời, hệ thống vũ khí dẫn đường...

Châu Phi: Mặt trận chiến lược địa chính trị mới của Australia
Hợp tác chống khủng bố Australia-châu Phi tháng 12/2022. (Nguồn: Bộ Ngoại giao và thương mại Australia)

Canberra nên làm gì?

Australia không phải là quốc gia duy nhất chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề nan giải này. Nhưng nếu muốn có một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, cam kết tuân thủ các quy tắc chung, Canberra không thể không tăng cường hiểu biết và hợp tác với châu Phi.

Tiến sĩ Kate O’Shaughnessy cho rằng, hiện tại các cơ quan tình báo Australia cần quan tâm hơn nữa tới lục địa kim cương, tìm kiếm cách thức mới nhằm tham vấn các quốc gia châu Phi tại các diễn đàn đa phương và khôi phục tái khởi động các chính sách hỗ trợ ngành khai thác mỏ.

Những thay đổi chính sách này không dễ thực hiện bởi chưa thật sự có tính cấp bách. Nhưng trước khi trở nên cấp bách mới thật sự là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu.

Tăng cường quan hệ giữa Australia và châu Phi là một bước đi cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và bất ổn địa chính trị hiện nay. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào các khía cạnh truyền thống như khai thác tài nguyên, Australia nên xem xét một cách toàn diện và chiến lược hơn về động lực và lợi ích dài hạn từ mối quan hệ này.

Sự kết nối sâu sắc hơn với châu Phi không chỉ giúp Australia đa dạng hóa các đối tác kinh tế và tăng cường ảnh hưởng quốc tế, mà còn tạo ra cơ hội hợp tác và phát triển bền vững cho cả hai bên. Chính vì vậy, để khai thác tối đa tiềm năng từ mối quan hệ này, Australia cần định hình một chiến lược toàn diện và dài hạn, tập trung vào việc xây dựng nền tảng hợp tác vững chắc và thiết thực hơn.


Tiến sĩ Kate O’Shaughnessy từng là nhà ngoại giao Australia từ năm 2007-2022, công tác tại nhiều quốc gia như Ghana, Nigeria, Niger, Lebanon và Pháp. Từ năm 2020-2022, bà giữ vai trò Cao ủy Australia tại Mauritius và Seychelles, đồng thời là Đại sứ tại Madagascar và Comoros.

Bà O’Shaughnessy có bằng Tiến sĩ về lịch sử Indonesia tại Đại học Western Australia. Nghiên cứu của bà tập trung vào vai trò giới trong Indonesia thời kỳ Suharto và được công bố qua cuốn sách “Gender, State and Social Power in Contemporary Indonesia” do nhà xuất bản Routledge phát hành.

Trung Quốc và loạt bước đi 'vào lòng' châu Phi: Nâng cấp quan hệ, khẳng định tương lai chung

Trung Quốc và loạt bước đi 'vào lòng' châu Phi: Nâng cấp quan hệ, khẳng định tương lai chung

Ngày 4/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp các nhà lãnh đạo châu Phi đến Bắc Kinh tham dự Hội nghị thượng ...

Thủ tướng Anh thăm Mỹ: Hai tháng, hai cuộc gặp và ‘đồng minh tốt nhất’

Thủ tướng Anh thăm Mỹ: Hai tháng, hai cuộc gặp và ‘đồng minh tốt nhất’

Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ đến Washington D.C vào tuần tới, dự kiến gặp song phương với Tổng thống Joe Biden nhưng chưa rõ ...

Thấy gì từ 'cuộc hội ngộ của đại gia đình Trung Quốc-châu Phi'?

Thấy gì từ 'cuộc hội ngộ của đại gia đình Trung Quốc-châu Phi'?

Thông qua Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi 2024 (FOCAC), Bắc Kinh đang tăng cường đầu tư chiến lược nhằm ...

Những 'gam màu' xung đột vũ trang trong 20 năm qua

Những 'gam màu' xung đột vũ trang trong 20 năm qua

Thế giới trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI trải qua nhiều biến động sâu sắc, với hàng loạt xung đột vũ trang ...

Việt Nam chào đón 2 vị khách quý từ châu Phi

Việt Nam chào đón 2 vị khách quý từ châu Phi

Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 5/9, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam chuẩn bị đón những ...