Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, Pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong duy trì các cam kết của EU với Kiev và xung đột Nga-Ukraine nửa năm tới. - Ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị về Tương lai châu Âu ngày 9/5/2022. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang tháng thứ tám. Nhìn từ bên ngoài, Liên minh châu Âu (EU) vẫn có quan điểm thống nhất về ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, đằng sau lại là cuộc giằng co âm thầm giữa một bên là Đức, Pháp và Italy (dưới thời Thủ tướng Mario Draghi), với bên kia gồm Ba Lan, các nước Baltic và Bắc Âu.
Chừng nào Washington còn tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Kiev trong xung đột Nga-Ukraine và vì lợi ích từ sự thống nhất trong nội bộ EU, Berlin và Paris sẽ khó có thể công khai mâu thuẫn quan điểm với các nước thành viên Trung – Đông Âu. Điều này đồng nghĩa rằng họ khó có thể thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho xung đột này trong năm nay, thậm chí là trong năm tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, EU sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Nga và có thể đạt đỉnh vào cuối năm sau. Có điều là các biện pháp trừng phạt này khó đạt đồng thuận và tốn nhiều thời gian để triển khai hơn so với SWIFT hay lệnh cấm than và lệnh cấm vận dầu mỏ một phần bắt đầu vào tháng 12 tới.
Đồng thời, EU và các nước thành viên sẽ nhấn mạnh các hình thức hỗ trợ khác cho Ukraine thời gian tới, bao gồm cam kết cung cấp 9 tỷ Euro trong năm nay. Đây là biện pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Ukraine đứng trước bờ vực vỡ nợ và vật lộn với thâm hụt tài chính 5 tỷ Euro/tháng - thực trạng mà Kiev cho rằng sẽ làm suy yếu khả năng duy trì các chiến dịch quân sự quan trọng trước Moscow.
Bên cạnh đó, sau quyết định tháng 6/2022, về cấp quy chế “ứng cử viên” cho Ukraine, các thảo luận về sự tham gia sâu hơn của nước này vào một số cấu trúc của EU có thể giúp mở rộng nguồn tài chính cho chính quyền ông Zelensky, giữ nước này trong vòng ảnh hưởng của khối và xây dựng động lực cải cách ở Kiev.
Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, song việc duy trì triển vọng Ukraine gia nhập EU sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nga về cam kết của Ukraine và đảm bảo sự gắn kết, thống nhất trong nội bộ của khối.
Trong bối cảnh đó, Pháp, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (EC), sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy, điều phối những nỗ lực hỗ trợ Ukraine, cũng như tìm kiếm tiếng nói chung giữa các thành viên trong khối.
Sự hiện diện tích cực của Paris có vai trò then chốt, trong bối cảnh Berlin không mong muốn đi đầu về vấn đề này, còn Italy lại chuẩn bị cho bầu cử sớm và đứng trước khả năng được dẫn dắt bởi một chính phủ với lập trường thân Nga hơn.
Để làm được điều đó, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cần nhận sự ủng hộ nội bộ. Dù Hiến pháp trao quyền tối cao và quyền lực độc lập cho Tổng thống về đối ngoại và quốc phòng, đây vẫn là nhiệm vụ phức tạp khi ông Macron đã mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội vào tháng trước, trong khi phe cực hữu và cánh tả cứng rắn lại vốn có truyền thống thân Nga và chống NATO.
Mặc dù vậy, ông Macron vẫn quyết tâm đối mặt với dư luận trong nước. Tổng thống Pháp đã bắt đầu cảnh báo người dân rằng xung đột Ukraine sẽ kéo dài trong nhiều tháng và hậu quả mà nước này đang phải trải qua mới chỉ là bước đầu.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này khẳng định Paris sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev bằng các khoản viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo đến khi đạt được “chiến thắng” với những điều kiện chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, thể hiện sự ủng hộ nhất quán với Ukraine và duy trì tình đoàn kết nội khối EU có thể là một trong những di sản đối ngoại quan trọng của ông Macron khi lãnh đạo nước Pháp. Kết quả chiến lược châu Âu và thế giới quan của ông - phát triển tư duy chiến lược và sức mạnh quân sự để xứng với tầm vóc toàn cầu của EU - sẽ phụ thuộc nhiều vào phản ứng của EU trước xung đột Nga-Ukraine.
Xét cho cùng, mặc dù phải đối mặt với chia rẽ và khó khăn kinh tế, song dường như EU sẽ không từ bỏ cam kết với Kiev trong xung đột Nga-Ukraine, ít nhất là trong nửa năm tới.