Mâm cỗ cúng tất niên truyền thống của người miền Nam. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ) |
Nên cúng tất niên ngày nào? thời gian nào tốt nhất mang lại may mắn và bình an? Mâm cỗ cúng tất niên gồm những gì… ?
Ý nghĩa Lễ cúng tất niên
Lễ tất niên là một nghi thức kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước sang một năm mới tốt đẹp và nhiều may mắn hơn. Đây là phong tục truyền thống của người Việt Nam cũng là nét đẹp văn hóa tốt đẹp cần được gìn giữ và lưu truyền.
Vào ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên là vì theo như quan niệm xưa, mỗi một vị thần sẽ cai quản một năm, cho đến khi hết năm, các vị thần năm cũ sẽ bàn giao mọi thứ lại cho vị thần mới.
Chính vì vậy, lễ cúng tất niên là để tiễn thần cũ và tiếp đón thần mới, người sẽ cai quản một năm mới đang đến.
Ý nghĩa của mâm cúng ngày tất niên
Tất niên tại nhà
Lễ cúng tất niên cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình tu tập sum vầy bên nhau, cùng nhau nói chuyện, chia sẻ, tâm sự với nhau về cuộc sống hay những điều mình đã trải qua trong năm vừa rồi, còn con cháu thì tưởng nhớ, thắp hương ông bà, tổ tiên, cảm tạ trời đất và các vị thần linh đã phù hộ độ trì cho gia đình có được một năm bình an.
Tất niên công ty
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng muốn nơi làm việc trở nên phát đạt hơn và gặt hái được nhiều thành công hơn trong năm cũ nên lễ cúng tất niên cũng được làm ở nhiều công ty mặc dù có nơi làm cầu kỳ, có nơi làm đơn giản nhưng nơi nào cũng làm.
Tất niên cơ quan
Nhiều cơ quan nhà nước ở các bộ phận như tài chính, kinh doanh vẫn làm một mâm cúng nhỏ để làm lễ tất niên cuối năm. Nghi lễ này chủ yếu là để bày tỏ lòng chân thành của người đang sống với phật thánh và thần linh đã độ trì cho các cơ quan công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp có con đường sự nghiệp rộng mở và nhiều thành công, thuận buồm xuôi gió
Ngày tốt cúng tất niên 2024?
Thường thì lễ cúng tất niên sẽ được làm vào chiều hoặc tối 30 Tết (với tháng đủ hoặc 29 Tết với tháng thiếu), trước lễ cúng Giao thừa. Nhưng cũng có những gia đình làm sớm hơn tùy thuộc vào mỗi nhà mỗi khác.
Tùy vào mỗi gia đình mà thời gian cúng cũng trở nên thoải mái, linh hoạt và có thể điều chỉnh được. Nếu gia đình nào có làm lễ cúng cho các vị thần linh thì chúng ta nên cúng ngoài trời trước, sau đó mới cúng ông bà tổ tiên.
Theo phong thủy, việc này không vi phạm quy tắc, miễn sao gia chủ thành tâm chuẩn bị một mâm cúng đầy đủ, tươm tất để dâng lễ lên ông bà tổ tiên và các vị thần linh.
Còn các công ty thì tùy vào sự sắp xếp của sếp hoặc người quản lý mà chọn ngày làm lễ cúng tất niên, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn và hầu như mọi người đều cố gắng để làm tất niên trong ngày cuối cùng của năm nhưng cũng có rất nhiều công ty làm sớm hơn để mọi người có thể dành ngày cuối năm sửa soạn nhà cửa và dành thời gian bên gia đình hơn.
Lễ vật và đồ cúng thì cũng giống như mâm cơm cúng tất niên thông thường và tùy vào điều kiện kinh tế khác nhau của mỗi công ty nên không quá đặt nặng vấn đề về vật chất, quan trọng là sự thành tâm.
Mâm cúng tất niên gồm những gì?
Việc đầu tiên, khi chuẩn bị cúng tất niên là chúng ta cần phải lau chùi, vệ sinh sạch sẽ bàn thờ gia tiên, bày trí mâm ngũ quả, đèn nến, hương, hoa, vật phẩm… Mâm cỗ cúng tất niên thường có hai mâm chính, một mâm cúng trong nhà và một mâm cúng ngoài trời. Tuy nhiên, cũng có thể gộp chung thành một mâm cúng nếu điều kiện gia đình không cho phép
Mâm cúng tất niên ở các vùng miền
Tất niên ở miền Bắc
Bánh chưng hoặc xôi, giò lụa hoặc giò xào, canh bóng nấu thập cẩm, móng giò hầm măng, dưa hành muối, miến nấu… Cúng tất niên của người miền Bắc thì mâm ngũ quả là lễ vật quan trọng, không thể thiếu vì mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) và đại diện cho những ước nguyện, những mong cầu tốt đẹp đến với năm mới tương ứng với từng loại quả.
Tất niên ở miền Trung
Bánh chưng hoặc bánh tét, canh măng khô ninh xương, cá chiên hoặc chả ram, thịt đông, gà bóp rau răm, dưa món, giò lụa Huế, thịt heo luộc, giá chua, miến Huế… Thường thì người miền Trung không quá cầu kỳ về mâm ngũ quả, chủ yếu lòng thành tâm, chân thành dâng lễ vật lên thờ cúng ông bà tổ tiên.
Tất niên ở miền Nam
Bánh tét, củ cải ngâm nước mắm, củ kiệu, chả giò, thịt kho tàu, thịt heo luộc, nem, canh khổ qua nhồi thịt, canh măng. Người miền Nam thường không chọn chuối, cam để đặt lên mâm ngũ quả như người miền Bắc và trên mâm quả của họ không bắt buộc phải có đầy đủ 5 loại quả. Ngoài 4 quả phải có thì quả còn lại có thể lựa chọn một quả bất kỳ để bày trí mâm ngũ quả lên bàn thờ.