Trang chính của Manifold - nền tảng nghệ thuật trực tuyến do Cơ quan quản lý nghệ thuật Hàn Quốc (KAMS) phát triển nhằm giới thiệu các nghệ sĩ mới nổi của Hàn Quốc với thế giới. (Nguồn: Korea Times) |
Nền tảng nghệ thuật trực tuyến
Manifold là nơi trưng bày tác phẩm của 25 nghệ sĩ, được lựa chọn từ 96 ứng viên trong khuôn khổ chương trình tài trợ cho việc quản lý họa sĩ. Đây là chương trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và KAMS hỗ trợ tài chính.
Sau ba năm triển khai, chương trình trên hướng tới việc thúc đẩy quan hệ giữa họa sĩ và phòng tranh, cũng như kết nối các đối tượng này. Theo nhà phê bình Yoo Jin-sang, Giám đốc mỹ thuật của Manifold, Giáo sư tại trường Mỹ thuật và Thiết kế Kaywon chia sẻ với The Korea Times, chương trình tài trợ này nhằm hỗ trợ các họa sĩ và phòng tranh trong việc thiết lập mối quan hệ tin cậy lâu dài, vì lợi ích của cả hai bên.
“Ngay cả các ca sĩ K-pop đều ký hợp đồng ít nhất 5 năm bởi họ cần thời gian để ra mắt khán giả và trở nên nổi tiếng. Thông thường, các phòng tranh tại Hàn Quốc chỉ ký hợp đồng 2 năm với họa sĩ, khoảng thời gian này là quá ngắn để có thể đạt được những thành tựu rõ ràng trong hoạt động nghệ thuật.
Do đó, khoản tài trợ từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, cùng như KAMS sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc xây dựng các mối liên kết này trong giai đoạn đầu”, ông Yoo chia sẻ.
Tin liên quan |
Dịch Covid-19: Hàn Quốc nở rộ xu hướng 'số hóa' lễ cưới, đám tang |
Nhà phê bình Yoo nêu rõ: “Phòng tranh và họa sĩ giống như các cặp đôi yêu nhau, cả hai đều phải có cam kết với nhau. Họa sĩ cần không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng, trong khi phòng tranh cần thực hiện nhiệm vụ quảng bá và bán tác phẩm.
Sợi dây liên kết này không thể tiếp tục nếu một bên không đáp ứng được kỳ vọng của bên còn lại”.
“Nhiều người có thể đã trải qua những mối bận tâm về cách thức thay đổi kế hoạch, từ sự kiện trực tiếp sang trực tuyến do đại dịch Covid-19”, ông Yoo khẳng định.
Một sự kiện trực tuyến có những khác biệt về căn bản so với sự kiện trực tiếp. Đối tượng hướng đến của cuộc triển lãm chủ yếu là người Hàn Quốc. Tuy vậy, khi chuyển sang trực tuyến, khán giả từ khắp nơi trên thế giới đều có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm của xứ sở kim chi với một cái bấm chuột.
"Do đó, chúng tôi cần cung cấp hình ảnh chất lượng cao và nhiều thông tin hơn về các họa sĩ cho khán giả trong nước và quốc tế”, Giám đốc mỹ thuật Yoo cho biết thêm.
Sự khác biệt và chiều sâu
Các tác phẩm trên Manifold được giới thiệu bằng hai thứ tiếng là tiếng Hàn và tiếng Anh. Ông Yoo tin rằng, các họa sĩ xứ Hàn cần có tầm nhìn hướng ngoại.
“Giá trị thị trường mỹ thuật toàn cầu là trên 60 tỷ USD, nhưng Hàn Quốc chỉ đóng góp chưa đầy 0,5% trong con số đó. Số lượng họa sĩ, sinh viên mỹ thuật tốt nghiệp của Seoul liên tục gia tăng, nhưng các tác phẩm của họ không thể chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Vì vậy, những nhà hoạt động nghệ thuật cần có cái nhìn rộng hơn, là phải hướng đến đối tượng khách hàng nước ngoài”, ông Yoo nói.
Thay vì tạo dựng một website mô phỏng phong cách triển lãm theo nhóm truyền thống, ông Yoo đề xuất phát triển nền tảng trực tuyến mà mỗi họa sĩ đều có không gian triển lãm riêng.
“Chúng tôi hướng tới một trang web hay nền tảng hữu ích, thay vì cuộc triển lãm trực tuyến mà người xem sẽ quên ngay sau đó. Mỗi nghệ sĩ đều có thể tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân trên nền tảng Manifold”, ông Yoo nói.
| Vấp chỉ trích về bảo tồn văn hóa, Hanbok vẫn 'nổi như cồn' nhờ K-pop TGVN. Hanbok cách tân trong MV “How You Like That” của nhóm nhạc K-pop BlackPink đã nhanh chóng trở thành mặt hàng thời trang “hot” ... |
Bên cạnh đó, Manifold hướng tới việc giới thiệu các họa sĩ cùng sản phẩm nghệ thuật của họ một cách có chiều sâu. Mỗi cuộc triển lãm bao gồm lời giới thiệu về họa sĩ, các tác phẩm, cũng như tiểu sử của tác giả.
“Đối với một họa sĩ, triển lãm trực tuyến đem lại nhiều lợi thế. Việc tìm hiểu về họa sĩ đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, bởi người xem có thể thưởng thức từng tác phẩm của mỗi nhà sáng tạo nghệ thuật, thay vì chú ý đến bố cục tổng thể của cả buổi triển lãm như các sự kiện tại chỗ”, họa sĩ Guem Min-jeong, người có tác phẩm được giới thiệu trên Manifold, chia sẻ với The Korea Herald.
Guem, người khám phá không gian ba chiều qua nghệ thuật sắp đặt, đang trưng bày triển lãm “Sắc màu của gió” trên nền tảng Manifold. Tác phẩm của nghệ sĩ này là sự kết hợp giữa trình chiếu video và những đoạn xà nhà, cột nhà được lấy từ nhà truyền thống Hanok của Hàn Quốc.
Chất lượng là yếu tố then chốt
Nhằm đảm bảo chất lượng của website, ông Yoo đã tự tay viết lời giới thiệu cho tất cả nghệ sĩ. “Công việc này tốn khá nhiều thời gian, nhưng tôi luôn cố gắng trao đổi với từng họa sĩ và hiểu hơn về họ, nhằm mục đích tạo ra sự khác biệt với các cuộc triển lãm trực tuyến khác".
Mặc dù việc bán các tác phẩm trên Manifold trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng nền tảng Manifold này sẽ tiếp tục vận hành, cho phép các phòng tranh và họa sĩ cập nhật nội dung để sử dụng lâu dài.
| BTS gây ngạc nhiên khi cover 'ngọt' ca khúc hit của nhóm nhạc lừng danh Coldplay |
Để phù hợp với thời đại của công nghệ và thiết bị di động, ông Yoo cũng dành nhiều nỗ lực cho việc tối ưu hóa Manifold cho cả máy tính lẫn di động.
“Mỗi tác phẩm đều có một phong cách riêng biệt và đòi hỏi cách trình bày khác nhau. Một số tác phẩm phù hợp với việc kéo dọc, trong khi số khác cần trượt sang ngang. Do vậy, đội ngũ thiết kế và tôi đã phải thử nhiều cách khác nhau để tìm ra phương án trình bày thích hợp nhất cho mỗi tác phẩm”, ông Yoo giải thích.
Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, nhu cầu đối với sản phẩm văn hóa được dự báo sẽ bùng nổ đáng kể. Do vậy, Manifold sẽ có thể định hướng cho khách hàng đang tìm kiếm các họa sĩ và tác phẩm có chất lượng trong thế giới hậu Covid-19.