📞

Mật vụ ngăn chặn Thế chiến II

07:36 | 23/07/2017
Nhiệm vụ bí mật tới Anh của Ewald von Kleist-Schmenzin, một nhà quý tộc chống Đức Quốc xã, bắt đầu vào giữa tháng 8/1938.

Chuyến đi của ông Kleist-Schmenzin được Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Đức Quốc xã (Abwehr) - Đô đốc Wilhelm Canaris sắp xếp khi phong trào kháng chiến của quân đội Đức đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Anh đối với kế hoạch đảo chính chống lại chế độ Đức Quốc xã và ngăn chặn âm mưu xâm lược Tiệp Khắc của trùm phát xít Adolf Hitler. Theo lệnh của Đô đốc Canaris, ông Kleist-Schmenzin đến London gặp Thủ tướng tương lai của Anh Winston Churchill là cố vấn ngoại giao Robert Vansittart…

Hiện trường vụ ám sát Hitler ngày 20/7/1944. (Nguồn: Pinterest)

Vị khách từ Đức

Ewald von Kleist-Schmenzin là chính trị gia bảo thủ có ảnh hưởng nhất định trong giới tư bản công nghiệp Đức. Ông ủng hộ sự trở lại của chế độ quân chủ và cực lực phản đối chủ nghĩa quốc xã, ngay cả trước khi Hitler leo lên đỉnh cao quyền lực vào năm 1933.

Đô đốc Canaris đánh giá cao lòng dũng cảm và nhận thức chính trị của Kleist-Schmenzin. Ông đã bí mật tuyển dụng Kleist-Schmenzin vào mạng lưới tình báo không chính thức của mình.

Tháng 4/1938, khi biết được âm mưu xâm lược Tiệp Khắc   (cũ) của Hitler, Đô đốc Canaris bắt đầu lên kế hoạch cử phái viên tới Anh để tìm kiếm sự hỗ trợ của nước này. Đô đốc giới thiệu ông Kleist-Schmenzin với Tướng Ludwig Beck - người đã từ chức chỉ huy Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức để phản đối tham vọng trên của Hitler. Trong cuộc gặp, Tướng Beck tuyên bố: "Nếu các ông có thể mang lại một số bằng chứng cụ thể cho thấy nước Anh sẵn sàng khai chiến trong trường hợp Đức Quốc xã xâm lược Tiệp Khắc, tôi sẽ chấm dứt chế độ này".

Lúc này, việc cần làm đối với Đô đốc Canaris là tìm cách đưa ông Kleist-Schmenzin tới Anh. Ngày 18/8/1938, ông Kleist-Schmenzin lên tàu Lufthansa Junkers-52, thực hiện chuyến đi bí mật tới thủ đô London với tấm hộ chiếu giả. Đi cùng Kleist-Schmenzin còn có H.D. Hanson, một người Anh. Người này có trách nhiệm đưa Kleist-Schmenzin tới Anh an toàn và kết nối ông này với Cơ quan Tình báo mật của Anh (SIS).

Ewald von Kleist-Schmenzin sinh ngày 22/3/1890 tại tỉnh Pomerania (nay là Dobrowo, Ba Lan), trong một gia đình địa chủ quý tộc. Ông tham gia tích cực vào Đảng Nhân dân dân tộc Đức. Năm 1929, sau khi xuất bản một bài viết về mối nguy hiểm của Chủ nghĩa Quốc xã, Kleist-Schmenzin đã có một vị trí nổi bật trong hàng ngũ những người đối lập với Hitler.

Nỗ lực thuyết phục

Tại London, ông Kleist-Schmenzin đã có cuộc gặp đầu tiên với cố vấn ngoại giao Robert Vansittart – người công khai chống Đức quốc xã. Thông điệp mà Kleist-Schmenzin chuyển đến ông Vansittart rất đơn giản: Hitler có kế hoạch tấn công Tiệp Khắc vào giữa hoặc cuối tháng Chín. Nếu nước Anh tuyên bố công khai sẽ chuẩn bị chiến tranh chống lại độc tài Hitler, ông ta phải hủy bỏ tham vọng hoặc sẽ bị các tướng lĩnh chống Đức Quốc xã trong nước lật đổ.

Ông cũng nêu rõ mong muốn một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu nước Anh có bài phát biểu nhấn mạnh vào sự kinh hoàng của chiến tranh và những thảm họa mà nó mang lại. “Nếu nguy cơ chiến tranh được loại bỏ, nó sẽ là khởi đầu cho sự kết thúc của một chế độ và sự phục hưng của nước Đức...”, ông Kleist-Schmenzin khẳng định.

Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ Anh, ông Kleist-Schmenzin tới gặp ông Winston Churchill – người trước đó đã cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào của Đức nhằm thôn tính Tiệp Khắc sẽ liên quan đến "tất cả các quốc gia còn lại". Trong cuộc gặp, ông Kleist-Schmenzin cho rằng nếu Hitler bị lật đổ, chế độ quân chủ sẽ được phục hồi. Kleist-Schmenzin khẳng định các tướng lĩnh bất mãn với Đức Quốc xã đều "vì hòa bình và nếu họ nhận được một chút khích lệ, họ sẽ từ chối hành quân”.

Về phần mình, ông Churchill đã thông báo nội dung cuộc thảo luận với Thủ tướng Anh khi đó là ông Neville Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier. Ông thúc giục hai nhà lãnh đạo cảnh báo Hitler nên để Tiệp Khắc được yên. Ông cũng mong Liên Xô (cũ) có động thái tương tự và muốn lôi kéo Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng ở châu Âu và gây áp lực với Hitler.

Nhiệm vụ bất thành

Tuy nhiên, cả Thủ tướng Chamberlain và Ngoại trưởng Anh khi đó là ông Lord Halifax đều không quan tâm đến kế hoạch đa phương của ông Churchill bởi họ không tin Liên Xô sẽ tham gia vào việc này. Thủ tướng Anh không muốn xảy ra chiến tranh với Đức chỉ dựa vào cuộc viếng thăm của ông Kleist-Schmenzin.

Trong thư gửi Ngoại trưởng Halifax, Thủ tướng Chamberlain đã mô tả Kleist-Schmenzin là kẻ thù chính trị của Hitler và theo ông, “nên trừ hao” những thông tin mà Kleist-Schmenzin cung cấp. Mặt khác, Thủ tướng Chamberlain cho rằng, nước Anh cũng nên làm gì đó. Kết quả là Đại sứ Anh tại Berlin Neville Henderson được triệu tập về nước và được chỉ thị cảnh báo Hitler rằng London sẽ cứng rắn. Tuy nhiên, ông Henderson phản đối cách tiếp cận này. Thay vào đó, vị Đại sứ đã gặp Hitler để xem liệu có thể bắt đầu các cuộc nói chuyện thân thiện giữa Anh và Đức hay không. Rõ ràng, đây không phải là những gì Kleist-Schmenzin và nhóm của ông muốn từ Chính phủ Anh.

Bản thân Đại sứ Henderson cũng không tán thành quan điểm của phe đối lập Đức. "Thông tin của họ là một phía, có tính chất đảng phái và chỉ nhằm mục đích tuyên truyền”, ông Henderson nhận định. Trước đó, ngày 16/8/1938, Đại sứ Henderson đã điện báo về nước rằng, Kleist-Schmenzin sẽ tới London vào ngày 18/8, với tư cách là sứ giả của những người ôn hòa trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức. Tuy nhiên, ông Henderson cảnh báo chuyến thăm của Kleist-Schmenzin có thể khiến Hitler khó chịu. Vì vậy, ông khuyên Ngoại trưởng Halifax: "Sẽ không khôn ngoan nếu ông ta (Kleist-Schmenzin) được tiếp đón trong các trụ sở chính thức”.

Ngày 23/8/1938, Kleist-Schmenzin thất vọng rời London. Vài ngày sau, ông nhận được thư của ông Churchill từ một người chuyển phát bí mật được Abwehr ủy quyền. Ông Churchill viết: “Tôi chắc chắn việc quân đội hoặc lực lượng không quân Đức tiến vào Tiệp Khắc sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới… Nếu các cuộc chiến đẫm máu xảy ra, nước Anh sẽ thức tỉnh và buộc phải đưa ra những quyết định quan trọng nhất...”.

Tháng 9/1938, cơ quan mật vụ Gestapo của Hitler thông báo với Đô đốc Canaris rằng gần đây, một phái viên đã tới London và gặp gỡ các chính trị gia tại Anh, đó là hành động làm phản. Ông Canaris được giao nhiệm vụ tìm kẻ phản bội. Ông liên lạc với Kleist-Schmenzin và các chứng cớ ngoại phạm được chuẩn bị. Ngoài ra, Đô đốc Canaris đã giao cho Đại tá Hans Oster – cấp dưới đáng tin cậy - nhiệm vụ điều tra tuyên bố của Gestapo. Vị Đô đốc nhắc điều tra viên được chọn: "Ông ấy (Kleist-Schmenzin) không liên quan tới bất kỳ điều gì… Tôi không muốn tên của ông ấy bị nêu trong cuộc điều tra này".

Vụ ám sát chấn động

Sau khi nhiệm vụ London bất thành, Kleist-Schmenzin vẫn tiếp tục ủng hộ việc chấm dứt tham vọng và sự ngông cuồng của chế độ Đức Quốc xã. Ông tích cực tham gia một số vụ ám sát Hitler. Một trong những kế hoạch đó liên quan đến con trai ông - Trung úy Ewald-Heinrich von Kleist-Schmenzin.

Với vai trò là trợ lý quân nhu trong Tổng hành dinh, Kleist-Schmenzin con tự trình bày mẫu quân phục mới trước mặt Quốc trưởng Hitler. Trong chiếc thắt lưng nhà binh kiểu mới được nhét đầy thuốc nổ TNT, chọn thời điểm thích hợp, viên trung úy sẽ kích nổ, hy sinh thân mình để ám sát tên độc tài khét tiếng. Tuy nhiên, kế hoạch đổ bể do kho lưu giữ các bộ đồng phục mới bị phá hủy, Hitler hủy chuyến thăm tới đây.

Sau đó, Kleist-Schmenzin con tiếp tục tham gia một kế hoạch khác, đích thân mang chiếc cặp chứa bom vào phòng họp của Hitler tại đại bản doanh Wolfsschanze (Hang sói) ở Đông Phổ. Nhưng tới giờ chót, Đại tá Claus von Stauffenberg giành lấy sứ mạng nguy hiểm này. Đại tá Stauffenberg đã đặt chiếc cặp gần Hitler trong hội nghị của Bộ Tổng tham mưu vào ngày 20/7/1944. Chiếc cặp phát nổ làm 8 người thiệt mạng nhưng Quốc trưởng Đức chỉ bị thương nhẹ.

Sau vụ ám sát chấn động này, Gestapo ráo riết truy bức, bắt giữ và hành quyết những người liên quan. Đô đốc Canaris bị kết án tử hình cùng với Đại tá Oster. Trung úy Kleist-Schmenzin bị đưa đi đày tại trại tập trung Ravensbruck, còn Kleist-Schmenzin cha bị treo cổ tại nhà tù Plotzensee ở Berlin, ngày 9/4/1945, vài tuần trước khi Đế chế thứ Ba sụp đổ.

(theo National Interest)