📞

“Mẫu số chung” của nghệ thuật

10:15 | 04/10/2008
Tuổi tác của họa sĩ không làm nên giá trị của một tác phẩm hội họa, mà hầu hết kiệt tác đều được các họa sĩ sáng tác vào thời gian đầu hoặc thời điểm cuối trong sự nghiệp của họ. Đó là khuôn mẫu chung mà GS. David W. Galenson ở ĐH Chicago (Mỹ) đã tìm ra nhằm xác định giá trị tương đối của các tác phẩm hội họa.

Trời mưa to đúng vào thời điểm các nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật đổ dồn về Trung tâm Rockefeller ở New York để tham gia buổi đấu giá lớn của hãng Christie. Tuy nhiên, không phải vì điều kiện thời tiết không thuận lợi mà làm vơi đi đam mê muốn sở hữu những tác phẩm nghệ thuật của ai đó. Chỉ trong ba giờ đồng hồ, một bức phác thảo của Mondrian cũng bán được 3 triệu USD, trong khi một bức tranh khác của Klimt đạt tới giá 88 triệu USD. Bức tranh khổ lớn 120x120cm mang tên No.5 (1948) của danh họa Mỹ trường phái ấn tượng Jackson Pollock, hiện là bức tranh đắt nhất thế giới với giá bán 140 triệu USD vào đầu tháng 11/2006. Vậy điều gì làm cho một tác phẩm nghệ thuật có giá tới hàng trăm triệu USD mà không phải là 1 triệu USD? Ngay cả những người tạo ra kiệt tác cũng không thể trả lời.

 

Mặc dù vậy, Giáo sư David W. Galenson ở ĐH Chicago và cũng là một nhà sưu tập tranh, đã dành hơn 5 năm nghiên cứu để cố gắng tìm câu trả lời. Ông đã phát triển một giả thuyết về giá trị của nghệ thuật, giúp ngay cả những người không biết gì về nghệ thuật cũng có thể hiểu tại sao bức Orange Marilyn (1962) của Andy Warhol lại có thể bán với giá cao hơn bức Mao (1972) cũng của họa sĩ này tại nhà đấu giá Christie.

 

Từ một cuộc trò chuyện tình cờ với người buôn tranh quen biết hơn một thập kỷ trước, Galenson đã nghiên cứu và đưa ra giả thuyết này. Khi đó, Galenson muốn mua một bức tranh cũ của họa sĩ người Mỹ Sol LeWitt và tham khảo giá cả từ người bán tranh. Bà chủ hàng tranh đã nói chắc như đinh đóng cột rằng tác phẩm ấy sẽ có giá rất cao, bởi vì tranh của LeWitt gần đây bán rất chậm. Thậm chí, bà còn khẳng định rằng tuổi tác của họa sĩ không quyết định giá cả tác phẩm của họ.

 

Quả thật, khi sưu tầm dữ liệu về giá bán các tác phẩm của Warhol, Pollock và các họa sĩ Mỹ khác, Galenson đã khám phá ra một khuôn mẫu chung. Phần lớn các tác phẩm có giá trị nhất của họ đều được sáng tác trong giai đoạn đầu của sự nghiệp như Warhol hay rất muộn như Pollock. Khi ông mở rộng nghiên cứu sang các họa sĩ châu Âu, ông cũng tìm ra kết quả tương tự.

 

Không chỉ thế, khi chia ra thành hai nhóm họa sĩ theo độ tuổi thì xu hướng tiếp cận của mỗi nhóm họa sĩ về hội họa cũng rất khác nhau. Những thiên tài trẻ như Gauguin, Picasso và Van Gogh là những người tiên phong sáng tạo ra trường phái hội họa mới, các tác phẩm của họ mang phong cách khác biệt và đột phá so với các tác phẩm trước đó. Họ có mục tiêu sẵn trong đầu khi bắt đầu sáng tác và không mất nhiều thời gian để hoàn thành. Gauguin từng kể với bạn bè: “Tôi không phải đổ mồ hôi nhiều để vẽ một bức tranh. Một cảm xúc tuyệt vời có thể tuôn trào ngay tức khắc”.

 

Ngược lại, nhóm họa sĩ lớn tuổi lại sáng tạo một cách từ từ, thường là qua một quá trình thử nghiệm và sai sót, vì thế họ lại có các tác phẩm giá trị vào giai đoạn cuối sự nghiệp của mình. Họ vẽ mãi một chủ đề, thử nghiệm trên vải và rất miễn cưỡng nói rằng bức tranh đã hoàn thành. Điển hình là Cézanne, các tác phẩm giá trị của ông được ra đời khi ông bước vào độ tuổi 60 và ông ký tên trên rất ít các tác phẩm của mình.

 

Galenson còn mở rộng giả thuyết này sang các lĩnh vực văn học, thi ca... và xuất bản một tác phẩm với tên gọi Old masters and young geniuses (tạm dịch Nghệ nhân già và tài năng trẻ). Tác phẩm này được nhà báo Malcolm Gladwell đánh giá là “một quyển sách thật sự tuyệt vời”.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều người phân vân về giả thuyết của ông. Một bài phê bình nghệ thuật đăng trên báo Chicago Tribune đã buộc tội Galenson áp dụng phân tích số liệu vào một lĩnh vực trừu tượng mà không thể tính toán cụ thể. Hơn nữa, giả thuyết của Galenson cũng không thể giải thích tất cả về lịch sử hội họa. Có những ngoại lệ rất rõ ràng, như bức Guernica danh tiếng mà Picasso vẽ khi ông 55 tuổi, thời điểm này cách xa thời gian mà ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình.

 

Nhưng đó chỉ là ngoại lệ. Nếu bạn lướt qua giá cả từ các mùa đấu giá hay bước vào một bảo tàng lớn, bạn sẽ thấy giả thuyết của Galenson phần nào khá hợp lý. Một bức tranh tĩnh vật do Cézanne sáng tác khi ông 56 tuổi có giá trị lên đến 37 triệu USD, trong khi một tác phẩm tĩnh vật khác được vẽ khi ông 34 tuổi chỉ bán được 1,1 triệu USD.

 

Người ta vẫn sử dụng cụm từ “khoa học nghệ thuật”, song xét cho cùng, mọi người đều thích tin rằng sự nhận xét về giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế và khả năng cảm thụ chứ không phải đơn giản là qua các con số thống kê.

 

Phương Vân(Theo New York Times)