Trong nếp nghĩ của các bậc phụ huynh, họ thường tự cho mình cái quyền áp đặt, dạy dỗ và ra lệnh với con. Làm sao để trở thành người bạn thực sự của con, để khoảng cách giữa cha mẹ và con cái được rút ngắn lại là nỗi trăn trở của không ít người.
Từng dẫn nhiều chương trình như: Tôi và chúng ta, Rubic online, Chuyện đêm muộn, Mỗi tuần một chuyện…, MC Thảo Vân đã chia sẻ với Thế giới & Việt Nam ý kiến cá nhân về vấn đề làm sao để con cái có thể tin tưởng và xem bố mẹ như một người bạn đồng hành của mình…
Nhiều bậc cha mẹ kêu ca rằng thật khó để biết con đang nghĩ gì, muốn gì? Theo chị, tại sao thời nay làm bạn với con cái mình lại khó khăn như vậy?
MC Thảo Vân: Mình nghĩ thời nào làm bạn với con cũng không dễ dàng chứ chưa hẳn là chỉ có thời nay. Như khi mình còn nhỏ, ba mẹ mình đầu tắt mặt tối lo kiếm ăn, còn chẳng biết mình học đến lớp mấy chứ nói gì đến làm bạn với con. Chúng ta đều là những người lớn, tuổi tác khác, suy nghĩ khác, cái nhìn khác, trong khi đó những thứ các con thích lại không giống với chúng ta nên tất nhiên gặp khó khăn khi làm bạn với con cũng là điều dễ hiểu.
MC Thảo Vân. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Con trai tôi bắt đầu học cấp 2, ngày nào cô giáo cũng thông báo tình hình học ở lớp của con. Chuyện con bị cô phê là không tập trung, nói chuyện riêng trong lớp hay quên sách vở là chuyện thường ngày. Tôi cũng lo lắng nhưng không rầy la con, không muốn con bị áp lực bởi chuyện đến trường. Tôi muốn tìm được cách nào đó phù hợp để khích lệ con hơn. Có lẽ chính vì thấy mẹ có thể tin tưởng được hay sao đó nên dường như chuyện trên lớp, bạn bè, con cũng đem về chia sẻ với tôi. Tôi nghĩ, đây cũng là cơ sở khá ổn cho “tiến trình xây dựng tình bạn với con”
Thực tế hiện nay, các em, nhất là lứa tuổi teen thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội nhưng lại hiếm khi tâm sự với bố mẹ. Có phải xuất phát từ khoảng cách thế hệ hay vì cha mẹ không có đủ thời gian để lắng nghe con cái, thưa chị?
MC Thảo Vân: Do cả hai và nhiều yếu tố khác nữa. Ai cũng biết rằng mạng xã hội là nơi người ta có thể nói hay làm gì đó mà không phải e ngại, không lo lắng hay sợ bị kết tội vì cho dù kết tội cũng chỉ là mạng ảo, rồi lại qua hết cả. Vì thế, con cái hoặc ngay cả người lớn cũng dễ chia sẻ trên mạng ảo và với người ảo hơn. Không chỉ vậy, các bậc phụ huynh lại thường hay phán xét, hay áp đặt - dù xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, nhưng cách thức có thể không phù hợp - nên con cái né tránh chia sẻ với bố mẹ.
Một điều tôi thấy khá rõ là cha mẹ thường chạy theo guồng quay của công việc, bận bịu tối ngày, quỹ thời gian dành cho con quá khiêm tốn, hạn hẹp. Một việc nhỏ như bữa cơm tối hàng ngày, không hiếm gia đình không thể ăn cùng nhau. Sự giao tiếp với nhau bị gián đoạn nên rất khó có điều kiện để con cái và bố mẹ xích lại gần nhau, và như vậy thì sao dám mong cha mẹ có thể đồng hành với con?
Chị thường làm gì để hai mẹ con xóa đi khoảng cách thế hệ?
MC Thảo Vân: Tôi cũng phải tranh thủ nhiều lúc trong quỹ thời gian hạn hẹp của mình, khi ăn tối, rồi trước khi đi ngủ, tôi và con sẽ nói chuyện với nhau. Tôi hỏi con những chuyện ở trường, ở lớp, và nhiều lúc phải nghe con say sưa kể về những trò chơi với những nhân vật mà quả thật tôi không biết tí gì… Hay đôi khi, con trai tôi sẽ nói hẳn về vấn đề gì đó khá lớn, ví dụ như gần đây cháu nói với tôi rằng: “Sau này con không thích lấy vợ, đẻ con vì nuôi con rất mệt và rất khổ. Đổ bao công sức để nuôi con nên chả còn thời gian nào dành cho mình. Lớn lên con chỉ muốn dành toàn bộ thời gian chơi game thôi, đỡ khổ mẹ ạ”. Khi ấy, tôi lại phải giải thích cho cháu hiểu tại sao mỗi người lại phải thực hiện trách nhiệm của mình…
Những câu chuyện như thế diễn ra thường xuyên giữa hai mẹ con và tôi đón nhận một cách bình thường. Tôi nghĩ rằng, mình cũng cần tôn trọng suy nghĩ của con, cái gì con chưa hiểu thì giải thích. Nếu ngay lập tức chúng ta phủ nhận, nạt nộ, phản đối thì có thể con sẽ bất mãn, mất đi sự tin tưởng với mình và dần dần không còn nhu cầu chia sẻ. Khi đó rõ ràng việc làm bạn với con, đồng hành với con là điều không tưởng.
Có thể nói, trẻ ngày càng có cơ hội tiếp xúc sớm và thường xuyên với internet. Vì thế, nếu cha mẹ buông lỏng, ít có thời gian đối thoại với con sẽ để lại những hệ lụy gì? Dưới góc độ một người từng dẫn nhiều chương trình liên quan đến các mối quan hệ trong gia đình, chị nhìn nhận vấn đề này ra sao?
MC Thảo Vân: Hệ lụy thì nhiều, không riêng gì internet mà tất cả mọi thứ trong cuộc sống khi đi quá giới hạn đều có thể gây ra hậu quả. Chúng ta đã nghe nhiều thông tin về việc con cái bị ảnh hưởng bởi internet, bị chi phối một cách ghê gớm như thế nào. Khi người ta phụ thuộc quá nhiều vào cuộc sống ảo thì cuộc sống thực tế sẽ phải nhường chỗ, cha mẹ con cái sẽ ít chia sẻ với nhau, ít quan tâm nhau, dẫn tới không còn nhu cầu yêu thương nhau nữa. Từ đó, sự lạnh lẽo trong gia đình sẽ xảy ra, sự lỏng lẻo trong mối quan hệ sẽ xuất hiện và đến một ngày cha mẹ và con cái không còn tìm được tiếng nói chung.
Ở lứa tuổi vị thành niên cực kỳ quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, lúc này con cái thường muốn khẳng định cái tôi và đi tìm những giá trị riêng và mới mẻ của mình. Vậy làm sao để cha mẹ có thể hiểu con hơn?
MC Thảo Vân: Để có thể hiểu con thì việc làm bạn với con phải được thực hiện từ khi còn rất sớm. Sợi dây liên kết thậm chí phải được xây dựng ngay từ khi sự sống được phôi thai. Khi cha mẹ dành thời gian cho con từ “gốc rễ” như thế, rõ ràng sẽ có sự thấu hiểu, chia sẻ dễ dàng hơn rất nhiều ở quãng thời gian sau này. Và lúc ấy sẽ hình thành được thói quen quan tâm nhau, hiểu nhau đến từng chi tiết nhỏ. Khi đạt đến mức độ tình cảm đó rồi thì việc đồng hành với con trong quá trình khôn lớn sẽ không còn quá khó khăn nữa.
Thực tế, nhiều cha mẹ do hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, công việc nên chưa thật sự dành nhiều thời gian cho con, đến lúc nhận ra thì đã muộn. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân của tôi, muộn còn hơn không…
Tôi nghĩ cha mẹ dù yêu thương con nhiều đến đâu cũng nên biết cách tiết chế tình cảm của mình, che chở cho con, bao bọc con nhưng hãy cho con được chứng tỏ mình, tất nhiên trong sự giám sát của người lớn. Chứ cứ yêu con vô điều kiện, làm mọi việc cho con, cấm đoán con thế này, thế kia chẳng khác gì con dao hai lưỡi. Con chúng ta sẽ ra sao khi đã quen với việc có bố mẹ làm thay?
Hai mẹ con MC Thảo Vân thân thiết như hai người bạn. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Thưa chị, có ý kiến cho rằng, càng lớn lên thì con càng rời xa bố mẹ, ít bộc lộ cảm xúc, ít gần gũi bố mẹ hơn. Vì thế khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng nhân rộng ra. Từ kinh nghiệm của mình, mong chị hãy chia sẻ đến các bậc phụ huynh làm thế nào để đồng hành và được đối thoại thường xuyên hơn với con mình?
MC Thảo Vân: Việc cha mẹ muốn gần con cũng không phải dễ, cần sự nỗ lực từ cả hai phía. Hãy bắt đầu từ việc dành thời gian cho con, dù chỉ là 5 phút mỗi ngày, nghe con kể chuyện của con, đặt mình vào vị trí của con để phân tích, để khuyên nhủ, để sẻ chia. Tôn trọng con, cho con biết mình luôn là người mà con có thể tin tưởng, điều này rất quan trọng. Chỉ khi hiểu con thì chúng ta mới có thể giúp con mình tháo gỡ những thắc mắc trong cuộc sống, học tập hay các mối quan hệ bạn bè.
Có lẽ, chính các bậc cha mẹ cũng nên xác định và nhất quán tư tưởng khi con cái lớn lên sẽ xa dần mình là việc rất bình thường, nó như một quy trình tất yếu ai cũng phải trải qua. Con cái lớn lên tuy đã có sự gắn kết với cha mẹ từ nhỏ nhưng lúc này có thêm rất nhiều mối quan tâm khác nữa, có nhiều việc phải làm, phải bỏ thời gian vào đó. Do vậy, thời gian các em dành cho cha mẹ bắt buộc phải ít đi.
Con tôi giờ vẫn còn nhỏ, vẫn còn thân thiết với mẹ nhưng tôi đã phải chuẩn bị sẵn tâm lý là ngày nào đó con sẽ xa rời vòng tay của mình, con cũng phải lớn, phải trưởng thành, không thể khác được.
Nếu giữa cha mẹ và con cái đã được “cài đặt” tình cảm thân thiết thì lúc này chúng ta tiếp tục giúp con trên con đường đời đó, cùng chia sẻ, cho ý kiến, lời khuyên, hỗ trợ về một số vấn đề, và cũng sẵn sàng tâm thế là: Con đã lớn khôn!
Xin cảm ơn chị!