Đối với mẹ của bé Thiện Nhân - nhà báo Trần Mai Anh, dường như càng trong sự vội vã, thiếu thốn thì con người ta càng biết quý trọng giá trị của từng khoảnh khắc, càng ấm áp với nhau hơn. (Ảnh: NVCC) |
Chào chị Mai Anh, mỗi ngày của chị trôi qua như thế nào với 3 cậu con trai đáng yêu?
Cả mấy mẹ con tôi dậy sớm lắm, dậy sớm sẽ có nhiều thời gian dành cho nhau hơn mỗi sáng. Thói quen từ bé của lũ nhỏ đã là như vậy. Tôi thường ngồi ở cái bàn ăn nhỏ làm việc, còn lũ nhỏ ăn sáng rồi đi qua đi lại chuẩn bị để đi học.
Không ai vội vã nên ai cũng vừa làm việc của riêng mình vừa trò chuyện, trêu đùa nhau. Nếu ai hứng lên thì sẽ rủ là mấy mẹ con cùng ăn sáng gì ngon ngon. Thế rồi lần lượt chia tay nhau, con đi học, mẹ đi làm. Cậu con trai út Thiện Nhân bao giờ trước khi ra khỏi cửa cũng dặn với: Mẹ cần gì gọi con nhé!
Khi đã tạm biệt nhau thì mẹ, con lo làm, lo học, không có việc gì khẩn cấp thì không ai gọi điện kiểm tra hay giục ai, ai cần đi chơi thì báo còn không xong việc thì về nhà luôn chờ nhau nấu cơm. Lắm hôm tại mẹ làm muộn, con học thêm nên cứ chờ nhau cùng lúc nấu nướng là ăn tối muộn lắm. Đấy cũng là niềm vui, đói chút nhưng cùng nấu cơm, cùng chọn đồ ăn chí choé nhau rất vui nên cứ dắt díu chờ nhau thôi.
Bốn mẹ con vui như vậy nên mỗi khi đi công tác, đi các viện lo việc phẫu thuật cho các bạn nhỏ khác là tôi đi sân bay từ 4 giờ sáng và về chuyến bay muộn nhất nửa đêm để sáng sớm hôm sau mẹ mẹ, con con lại cùng nhau bắt đầu một ngày mới.
Bận rộn vậy nhưng ắt hẳn chị có bí quyết nào đó để các con luôn cảm thấy ấm áp dù mẹ vắng nhà?
Tôi đúng là bận thật, tự lo cho 3 đứa con nhỏ thật không dễ. Kiếm đủ tiền đã khó, kiếm đủ thời gian bên con càng khó hơn. Chỉ còn cách, mỗi khi bên các con đều là khoảng thời gian ấm áp nhất, mẹ con vui nhất, hiểu nhau nhất. Nhưng có vẻ như thế tốt hơn, bởi vội vã, thiếu thốn thì con người ta càng biết quý trọng giá trị của từng khoảnh khắc, càng ấm áp với nhau hơn.
Và tôi biết rằng, con tôi không thấy thiếu mẹ, bởi mẹ chúng thấy được mẹ hiểu chúng, được mẹ tin tưởng và mẹ chắc chắn sẽ luôn ở bên cạnh mỗi khi chúng cần.
Có khi nào các con chị đề cập đến việc “mẹ đi tìm bố mới” cho các con?
Cuối năm học vừa qua tôi nhận được tấm thiệp nhỏ của Hải Minh, cậu con trai giữa: “Cảm ơn mẹ đã cho con một cuộc sống đủ đầy”. Hai từ “đủ đầy” này với tôi đó là tất cả, là các con tôi không thấy thiếu vắng điều gì, mẹ chúng cũng không cần cố tìm kiếm hay làm gì thêm, hay bù đắp gì thêm cho chúng.
Còn nếu vì mẹ thì càng không vì tụi nhỏ luôn thấy tôi vui vẻ, đi làm, đi chơi đầy hào hứng. Và với các con tôi, mẹ chúng tính cách mạnh mẽ, độc lập và thú vị nữa nên đời sống không cần phải phụ thuộc điều gì và cũng không bao giờ buồn chán không đâu làm chúng phải lo lắng.
Năng lượng tình yêu chị tạo ra trong mái ấm của mình như thế nào? Dường như, cuộc sống thời hiện đại, không hiếm phụ huynh đổ lỗi cho công việc, sự bận rộn khiến cha mẹ và con cái trở nên xa cách. Với chị thì sao?
Tôi làm là hết mình, chơi cũng hết mình thế, yêu thì càng hết mình luôn, không khí trong gia đình là thoải mái hết mình như vậy, không có căng thẳng, giữ kẽ, giấu diếm hay giả tạo.
Ấm áp chắc được xây nên từ những yếu tố như vậy. Nếu khoảng cách giữa người lớn và các con như một vậy thì từ “xa cách” khó có thể xen vào, nếu có thì cũng không phải vì bận rộn công việc mà chỉ vì chính mỗi chúng ta đã tự tạo ra rào cản riêng thôi.
Nhật ký: Từ bỏ những đích đến được cài đặt sẵn Ngay sau khi sang Nhật học được 3 ngày, anh cả Thiên Minh báo với mẹ là sẽ đi làm thêm tại một khách sạn kiểu cổ của Nhật để lấy tiền học đại học. Với vốn ít ỏi tiếng Nhật cơ bản, Minh lớn chỉ đủ đi bộ từ ký túc tới khách sạn gần nhất, gấp dọn từng phòng với lương tương đương 260.000VND/giờ. Sau một tháng Thiên Minh thông báo với mẹ là đã đổi việc sang làm phụ bếp cho một nhà hàng chuyên bò kiểu Nhật Bản với lương thấp hơn, chưa tới 200.000VND/giờ, không bao nhiêu so với chi phí sinh hoạt của một nước đắt đỏ nổi tiếng trên thế giới. Làm quán ăn vất vả hơn nhiều. Mỗi ngày, quá 11h đêm Thiên Minh mới tranh thủ gọi được cho mẹ trong khi chờ tàu. Về tới ký túc xá là quá nửa đêm, chàng trai nghỉ ngơi vội vã để sáng sớm hôm sau đi học. Con kể, giờ con đã biết phân biệt được 7 loại khác nhau của một tảng thịt bò, biết về tất cả các loại gia vị của Nhật, rồi biết đứng bếp nấu hết các món trong menu của nhà hàng. Và sau một thời gian, chàng trai này lại báo với mẹ là đã chuyển sang một việc làm thêm khác, và báo mẹ con đã kiếm đủ tiền ăn ở trong tháng, dư ra đủ tiền học thêm piano và lý luận âm nhạc vào mỗi cuối tuần. Ngày nhỏ, Thiên Minh đã thi được vào đội tuyển học sinh giỏi Toán, được ở lại trường sau giờ học để luyện Toán thêm. Sau mỗi tuần ôn luyện và thi, học sinh có điểm số thấp nhất sẽ bị loại, sẽ buồn bã khóc vì thua cuộc. Tiếp tuần sau nữa cũng vậy để đấu loại trực tiếp chọn ra những người xuất sắc nhất đi thi đấu các cấp cao hơn… Sau 3 vòng đấu loại, mẹ hỏi Thiên Minh, mình có nhất thiết phải nỗ lực để loại bỏ các bạn mình, có cần phải bằng mọi cách để có được huy chương vàng kia không. Trên hành trình đời có nhiều bục vinh quang và những đích đến được cài đặt sẵn sàng. Sẵn đến nỗi, khi là một đứa trẻ bắt đầu nhận biết, chúng ta đã bước vào một cuộc chơi căng thẳng mang áp lực con số, vì nếu không đạt được tới những cột mốc nào kia, được hiểu rằng chúng ta khó có thể bước tiếp đi trên hành trình đời một cách thành đạt. Những chiếc phiếu bé ngoan, những điểm 10, vị trí đứng đầu lớp học, bục huy chương vàng trong mọi cuộc đua, rồi doanh số bán hàng cao nhất, sở hữu món đồ đắt tiền nhất, từng nấc thang phải đạt được để lên chức vụ cao nhất… Những bục vinh quang và đích đến đó không sai. Nó chỉ sai với chúng ta ở chỗ, những điều đó được mặc định, cài đặt bởi con người, và chúng ta cũng là con người, ta được quyền cài đặt cho mình những mục tiêu khác nữa. Và thế là từ bỏ hành trình áp lực con số sống còn, được mặc định sẵn, Thiên Minh có thời gian để tìm những đích đến hợp với mình hơn, làm mình sống vui và chủ động hơn để rồi biết tạm thời chọn lấy mức lương thấp hơn, nhưng đổi lại được khám phá, học hỏi nhiều hơn. Khi Hải Minh và Thiện Nhân sang Nhật thăm anh, 3 đứa cứ thế ngồi bên nhau từ sáng tới hoàng hôn trên dọc đê nhỏ bên sông Tone, Nhật Bản. Anh Thiên Minh bảo, anh vừa học vừa đi làm, sẽ mua quà cho 2 đứa. Thế giới mênh mông ngoài kia, cuộc đời phía trước kia, mỗi cọng cỏ, từng áng mây, cả không khí đều chứa đựng những điều lấp lánh, và con người được toàn quyền tạo nên trước nhất là cho chính mình những cột mốc riêng đẹp đẽ, thú vị, dẫn đến với những con người thú vị khác nữa. Và thế giới cũng vì thế mà mở ra lấp lánh hơn, rộng lớn hơn nhất là khi chúng ta có được cái đầu lạnh tỉnh táo và một trái tim ấm nóng. Cơ hội cuộc đời là ở đấy. |
Chị từng quan niệm, gia đình là tình yêu chứ không phải là trách nhiệm. Tuy nhiên, thời nay, để giữ hạnh phúc cho một gia đình, có phải tình yêu không bao giờ đủ?
Với tôi gia đình là tình yêu, vẫn thế thôi. Nếu yêu nhau, ngoài cảm xúc yêu ra, con người ta sẽ sống vì nhau, đấy cũng có thể gọi là trách nhiệm, dù “vì nhau” với tôi còn cao hơn “trách nhiệm” bởi vì nhau thì người con còn hy sinh vì nhau nữa.
Không còn tình yêu thì vẫn có thể còn trách nhiệm, ít nhất là với các con, bởi trách nhiệm là cái tối thiểu con người với con người sau tất cả khi đã từng có lúc tìm đến với nhau, từng tạo ra con cái.
Đối với chị, điều quan trọng đối với một gia đình hạnh phúc là gì?
Một gia đình hạnh phúc là một gia đình “đủ đầy” như con trai tôi đã nói. Đủ đầy tình yêu, đủ đầy nỗ lực làm việc, học tập, đủ đầy niềm tin và sẻ chia.
Cảm ơn chị!
Nhà báo, nhà hoạt động xã hội Trần Mai Anh là một trong những nhân vật uy tín tại Việt Nam được truyền thông ủng hộ. Bà là người đã nhận được nhiều danh hiệu quốc gia và giải thưởng truyền thông cho công việc từ thiện của mình và gần đây được tạp chí Forbes vinh danh là phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Những nỗ lực của bà Trần Mai Anh trong việc tìm kiếm bác sĩ chuyên khoa để điều trị cho con trai Thiện Nhân, thăm khám các bác sĩ chuyên môn về chân giả và phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục tại nhiều quốc gia đã giúp bà trong việc thành lập quỹ từ thiện Thiện Nhân và Những người bạn. Bà Mai Anh và quỹ Thiện nhân đã mời được với các bác sĩ tiết niệu hàng đầu thế giới từ Mỹ, Ý, Nga, Belarus, Pháp…sang Việt Nam hàng năm và đã phẫu thuật cho hàng ngàn trẻ em bị lỗi bộ phận sinh dục và giúp cho các bé trở lại được cuộc sống bình thường. Bà Trần Mai Anh được vinh danh là Công dân Ưu tú trong Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, năm 2015 được Tạp chí Elle chọn là “Gương mặt phụ nữ”, lọt “Top 10 nhân vật truyền cảm hứng” của Vietnam’s WeChoice Awards. Hiện bà đang là Thành viên Ban giám đốc của Tổ chức Phòng chống Thương vong châu Á (AIP) và điều hành các ấn phẩm tiếng Việt cho văn phòng sản xuất sách Metro Writers. Bà cũng là Thành viên danh dự, Viện Chiến lược Nhân tài VCI Tokyo Nhật Bản. |