Ảnh minh hoạ |
Không tham việc
Tham việc là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ rơi vào tình trạng trầm cảm trong công việc. Lời khuyên là đừng làm quá nhiều việc một lúc, hãy làm từng việc một và cố gắng hoàn thành công việc đó.
Nếu có thể, bạn nên phân chia thời gian cho từng công việc bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh não bộ không thể đồng thời tư duy hiệu quả cho nhiều chủ đề khác nhau.
Hãy nghỉ giải lao
Đôi khi, vì công việc quá bận rộn mà bạn quên không cho cơ thể mình được nghỉ ngơi giữa giờ làm việc. Sẽ tốt hơn nếu sau khoảng 40 phút làm việc, hoặc sau khi hoàn thành một phần công việc, bạn hãy đứng dậy, đi lại, thư giãn hoặc trò chuyện với đồng nghiệp trong vài phút.
Tốt nhất là bạn hãy rời khỏi phòng làm việc, ra ban công để hít thở không khí ngoài trời hoặc đi lấy đồ uống để không quên bổ sung nước cho cơ thể.
Đừng phân tâm
Khi bạn đang làm việc, nếu một đồng nghiệp hay cuộc điện thoại gọi đến làm gián đoạn dòng suy nghĩ của bạn, hãy dành toàn bộ sự chú ý để trao đổi với đồng nghiệp đó hoặc cho cuộc điện thoại và hãy coi đó cũng là một công việc riêng biệt. Nếu bạn thấy đang bị làm phiền hoặc đang thật sự phải tiếp tục công việc bạn đang làm, hãy thẳng thắn nói rõ điều đó cho người đang tiếp chuyện bạn.
Nắm được "thời gian vàng"
Ai cũng có một khoảng thời gian cảm thấy thoải mái và minh mẫn nhất trong ngày. Đó chính là "thời gian vàng". Hãy dành thời gian đó cho những công việc có tính chuyên sâu, cần độ tập trung cao và để những việc khiến bạn cảm thấy nhàm chán nhất cho phần thời gian còn lại trong ngày.
Có lịch làm việc cụ thể
Để tận dụng được "thời gian vàng" của mình một cách tuyệt đối, bạn nên làm một sơ đồ sắp xếp khoảng thời gian dành cho mỗi việc và kiểm soát bản thân hoàn thành phần việc đó. Hãy lên lịch thật chi tiết và bạn sẽ thấy mọi việc được hoàn thành nhanh hơn.
Việc quan trọng khác việc gấp
Bạn phải phân biệt được hai khái niệm này khi lên lịch. Nếu bạn chỉ làm những việc gấp - tức là phải hoàn thành ngắn hạn thì đôi khi, chúng sẽ chiếm hết quỹ thời gian dành cho việc có tính chất dài hạn. Khi có quá nhiều việc dài hạn bị dồn ứ lại, bạn sẽ bị quá tải khi phải giải quyết cả hai loại việc một lúc và có thể không hoàn thành được việc quan trọng.
Hãy mỉm cười
Mỉm cười và cười lớn sẽ giúp bạn thư giãn hơn và mang lại cho bạn góc nhìn hài hước hơn trong một tình huống khó xử nào đó. Cho dù bạn có cười giả tạo thì việc cười vẫn có tác động tích cực đến cơ thể. Hãy tạo ra thói quen nhìn thẳng vào mắt đối tượng bạn đang tiếp chuyện và mỉm cười, đặc biệt nếu đó là cộng sự xấu tính hoặc một cấp trên khó ưa.
Trong công việc, mọi người cần có sự kết nối với nhau. Hãy tìm cho mình những đồng nghiệp mà bạn có thể kết thân để cùng chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ và giúp đỡ nhau trong công việc, nhưng hãy hạn chế than thở về công việc với họ.
Tạo hưng phấn
Bạn sẽ không thể khởi đầu ngày mới một cách tốt đẹp khi đang mệt mỏi và bực tức vì tắc đường hay tiết trời nắng nóng... Hãy cố gắng ra đường sớm hơn một chút, đường vắng sẽ khiến bạn cảm thấy đỡ ngột ngạt hơn. Nếu có thể, hãy di chuyển bằng phương tiện công cộng thay vì tự lái xe. Bạn có thể đọc một cuốn sách yêu thích trên đường đi hoặc nghe nhạc giao hưởng thính phòng hay bản nhạc nhẹ có tiếng du dương của thiên nhiên để tạo hưng phấn cho ngày mới.
Đừng bực tức
Ở nơi làm việc, những trục trặc của máy tính cũng có thể khiến bạn cảm thấy bực bội, dễ to tiếng, trước tiên là với cái máy và sau đó, có thể là những đồng nghiệp. Nhưng, điều đó chỉ khiến bầu không khí thêm nặng nề. Thay vì phàn nàn, hãy tìm ra cách tốt nhất để nhanh chóng giải quyết vấn đề của mình.
Linh Đặng (tổng hợp)