📞

Mexico và cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979 của Việt Nam

20:34 | 20/02/2019
Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979-17/2/2019), tác giả Nguyễn Văn Thọ, nguyên cán bộ Vụ châu Mỹ - Bộ Ngoại giao, nguyên Bí thư thứ ba Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, đã có bài viết chia sẻ những kỷ niệm về vận động dư luận Mexico ủng hộ Việt Nam. Báo Thế giới & Việt Nam xin trân trọng giới thiệu.

Tôi công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Mexico từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1979, đúng vào thời kỳ diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử đối ngoại của nước ta. Với cương vị Bí thư thứ ba phụ trách công tác Báo chí - Văn hoá, tôi càng có nhiều việc để làm, nhất là vào thời điểm nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động chiến tranh phi nghĩa chống nhân dân ta.

Khi đó toàn bộ Đại sứ quán dưới sự lãnh đạo của Đại sứ Lê Thám phải hoạt động hết công suất, hầu như tập trung toàn bộ vào việc vận động dư luận chính giới, nhân dân và báo chí nước sở tại cùng bạn bè các nước Mỹ Latinh ở đây đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Ông Nguyễn Văn Thọ, nguyên cán bộ Vụ châu Mỹ Bộ Ngoại giao, nguyên Bí thư thứ ba Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico. (Ảnh: Phạm Thuận)

Chính phủ Mehico lúc đó im lặng, nhưng lại để nhân dân và báo chí lên tiếng, không ngăn cấm. Đó là thuận lợi cho chúng tôi. Từ trước đó, Đại sứ quán đã có đội ngũ bạn bè Mexico và Mỹ Latinh rất đông đảo ủng hộ, giúp đỡ ta từ thời chống Mỹ. Dịp này hầu hết bạn bè vẫn tiếp tục ủng hộ.

Chúng tôi dựa vào Uỷ ban Mexico giúp đỡ Việt Nam do bà Marta Lopez Tamayo làm Chủ tịch; vào các giáo sư đại học và các trường học khác; Liên đoàn báo chí Mỹ Latinh (FELAP); Hội hữu nghị Mexico với các nước XHCN như với Cuba, Liên Xô; các bạn Tây Ban Nha, Mỹ Latinh như Argentina, Chile, Nicaragua.

Đặc biệt, "Nhà văn hóa Chile" (Casa de Chile) cũng là nơi có nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam. Trường Đại học tự trị quốc gia UNAM là điểm quan trọng, có nhiều giáo sư, sinh viên rất cảm tình và ủng hộ Việt Nam như Giáo sư Pablo Gonzales Casanova, Giáo sư Jorge Tamayo, cùng nhiều giáo sư và các sinh viên khác.

Có những nhân vật nổi tiếng cũng bày tỏ cảm tình và ủng hộ ta như nhà văn Gabriel Garcia Marquez (người Colombia), nhà báo lão thành Genaro Checa (người Peru), nhà báo Luis Suarez (người Tây Ban Nha), các nghị sĩ Quốc hội và nhiều văn nghệ sĩ cánh tả khác. Những người này đã tổ chức các hoạt động văn nghệ qua đó bày tỏ ủng hộ Việt Nam. Đại sứ quán Cuba và cơ quan thông tấn Prensa Latina cũng là chỗ dựa quan trọng của chúng tôi.

Tôi còn nhớ khi rộ lên vấn đề người di tản, chúng tôi vận động nhà văn Gabriel Garcia Marquez, người đã đạt Giải thưởng Nobel về Văn học và là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “Trăm năm cô đơn”, viết một bài dài đăng trên báo Exselsor (Lên cao) với đầu đề giật gân: “ Việt Nam đã phạm sai lầm lớn”, trong đó phê phán “sai lầm” của chúng ta là mất cảnh giác, không nhận thấy rõ âm mưu thâm độc của phương Tây lợi dụng vấn đề di tản để bôi nhọ, làm mất uy tín Việt Nam.

Còn nhà báo lão thành Genaro Checa, Chủ tịch Liên đoàn nhà báo Mỹ Latinh, tin tưởng chúng tôi đến mức, khi Đại sứ quán thông báo việc Trung Quốc leo thang chống ta và đề nghị bạn lên tiếng ủng hộ, ông nói với tôi: “Các bạn muốn chúng tôi ủng hộ thế nào thì cứ viết như vậy và ký tên của tôi.”

Một ngày sau khi chiến tranh nổ ra, tại thủ đô Mexico City diễn ra một cuộc biểu tình lớn với quy mô khoảng 3.000 người tham gia phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam, do Ủy ban Mexico giúp đỡ Việt Nam và bạn bè của Việt Nam tổ chức.

Ngay sau đó, cảnh sát lập tức vào lục soát trụ sở Uỷ ban, xét hỏi các vị trong Uỷ ban, nhưng không dám làm gì thêm. Cảnh sát Mexico còn đến Đại sứ quán ta. Tôi đón tiếp họ vì Đại sứ và phiên dịch đang đi công tác. Họ hỏi tôi: “Ai tổ chức cuộc biểu tình?”. Tôi trả lời họ rằng: “Các ông hỏi tôi câu đó chính là các ông đang xúc phạm nhân dân Mexico, coi thường truyền thống của dân tộc Mexico là yêu hoà bình, tự do và công lý. Chính nhân dân Mexico đã từng ủng hộ chúng tôi những năm kháng chiến chống Mỹ. Cuộc biểu tình hoàn toàn do nhân dân Mexico tổ chức, chúng tôi không liên quan, chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn nhân dân Mexico đã ủng hộ chúng tôi”.

Đại sứ và tôi từng nhiều lần trả lời phỏng vấn của các báo như El Dia, Excelsor, El Nacional, tạp chí Siempre,… và trả lời phỏng vấn truyền hình (kênh 11 và 13) về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc của ta.

Đại sứ quán cũng tham dự các buổi toạ đàm và hội thảo. Tôi nhớ một cuộc hội thảo tại trường Đại học Tự trị UNAM (Đại sứ quán Trung Quốc đóng rất gần trường Đại học này) do các đảng tổ chức, trong đó có cả đảng Trotkit và lực lượng thân Trung Quốc. Khi Đại sứ và tôi đến thì rất bất ngờ trông thấy khẩu hiệu chữ rất to viết trên tường: “Đả đảo Việt Nam xâm lược!”… Một không khí rất căng thẳng. Khi bắt đầu hội thảo, bọn xấu phá phách, vu cáo ta. Họ đập bàn không thèm nghe ta giải thích, các bạn bè của ta chống lại kiên quyết. Trước tình hình đó, tôi thấy không ổn nên đề nghị Đại sứ tỏ thái độ bằng cách bỏ về, tôi ở lại cùng các bạn “chiến đấu” tiếp.

Sau đó, chúng tôi còn được mời đi các bang khác nói chuyện về tình hình nước ta, về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Ở đâu chúng ta cũng được các bạn ủng hộ nhiệt tình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng hội đàm với Tổng thống Lopez Portillo, tháng 9/1979.

Cuối cùng là sự kiện quan trọng: Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm 4 nước Mỹ Latinh, trong đó có Mexico vào tháng 9/1979. Tôi cùng các đồng chí thạo tiếng Tây Ban Nha ở Đại sứ quán được phân công cùng với phía Mexico tổ chức họp báo tại Khách sạn Camino Real - nơi Đoàn ta ở. Không ngờ, các phóng viên đến tham dự cuộc họp báo quá đông, khiến cho phòng họp chật cứng, nhiều người phải đứng ở ngoài hành lang.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí trong Đoàn đã bình tĩnh và thân mật trả lời hầu hết các câu hỏi của các phóng viên, nhà báo. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cũng đã đưa ra những giải thích, lập luận rất thuyết phục. Cuộc họp báo của Đoàn thành công lớn, đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của chuyến đi.

Sau chuyến đi này, dư luận Mexico và Mỹ Latinh thuận lợi hơn cho chúng ta. Sau đợt hoạt động, chúng tôi được Đoàn đánh giá tốt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng động viên và được vinh dự cùng ăn sáng với Thủ tướng.