Chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được đánh giá là biện pháp hỗ trợ kịp thời. (Nguồn: ĐT) |
Những thống kê kém vui
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, 9 tháng đầu năm 2021, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 1,42%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1%.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện giảm 6,9%; tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, nhiều đơn hàng bị mất.
Sang tháng 10, sau khi nới lỏng giãn cách, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bắt đầu có sự phục hồi, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tính chung 10 tháng năm 2021, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân mỗi tháng có 9,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, trong ba tháng đóng cửa, đầu ra DN thiệt hại đến 50-70%. Tình hình tài chính DN gặp nhiều khó khăn, bởi khi dùng hết nguồn lực thì việc quay lại phục hồi sẽ khó khăn. Chủ tịch Sunhouse cho rằng, chính sách tốt hiện nay cần cho DN là giúp họ giãn hoãn nợ, thuế hoặc cấp tiếp tín dụng cho đối tượng này.
Trao đổi với TG&VN, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ TP. Hà Nội (Hanoisme) nhận định, mặc dù được sản xuất trở lại, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Theo ông Quốc Anh, cần đẩy mạnh việc hướng dẫn doanh nghiệp làm các thủ tục liên quan đến chính sách miễn, giảm, hoãn, khoanh các loại thuế.
Chủ tịch Hanoisme cũng kiến nghị với Chính phủ về việc giảm tiền điện, nước, cước viễn thông; giảm phí công đoàn, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh xây dựng nhà lưu trú/nhà ở xã hội cho người lao động; ưu tiên, hỗ trợ kinh doanh mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính sách kịp thời, thiết thực
Trao đổi với TG&VN, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Quốc hội và Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chính sách thuế hỗ trợ DN có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý cắt giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho DN vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm);
Chính phủ cũng ban hành chính sách miễn thuế thu nhập cho các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành hàng không (số tiền ước tính giảm khoảng 900 tỷ đồng); cho phép khấu trừ các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của DN, tổ chức khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN (ước tính số tiền thuế DN được giảm khoảng 170 tỷ đồng/năm).
Ngoài ra, các chính sách thuế cũng giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin DN, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động; giảm phí liên quan thành lập, công bố thông tin DN, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…
Theo ông Phong, trong năm 2020, ngân sách đã hỗ trợ cho người dân và DN khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó 97,5 nghìn tỷ đồng là thực hiện theo chính sách gia hạn các khoản phải đóng góp vào ngân sách và có 31,5 nghìn tỷ đồng là miễn giảm trực tiếp cho người nộp thuế.
Năm 2021, Bộ Tài chính đã đề xuất duy trì miễn giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của DN, cũng như đời sống của người dân; duy trì chế độ giảm thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ các ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…
Trong năm 2020 và 2021, Chính phủ đã thực thi chính sách giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, tiền thuê đất, thông qua ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP.
Năm 2021, Bộ Tài chính đã đề xuất duy trì miễn giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của DN, cũng như đời sống của người dân. (Nguồn: Vietnambiz) |
Đặc biệt, ông Phong cho rằng, Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng là một hỗ trợ kịp thời và thiết thực.
Được biết, ngành thuế cả nước đã tiếp nhận hơn 139 nghìn đơn đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với số tiền lên tới hơn 72.744 tỷ đồng theo Nghị định số 52.
Tính đến hết tháng 9/2021, số tiền hỗ trợ và gia hạn cho người dân và DN là 78 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho DN, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng; gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21.300 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ nhận được mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng/người trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ 1% được giảm xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022. |
Mới đây, trong phiên họp sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 406 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, với 4 nhóm nội dung quan trọng. Tổng số tiền giảm thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết này lên tới khoảng 21.300 tỷ đồng”.
Ngay sau khi có Nghị quyết 406 của Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 92 để triển khai trên thực tế từ đầu tháng 11/2021.
TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “Nghị định 92 có thể nói là liều thuốc trợ lực cho DN, đặc biệt là những DN chịu yếu thế về tài chính, để có thêm nguồn lực khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Có thể nói, các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng, cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có cắt giảm về thời gian làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra… đã, đang và sẽ làm tăng sức chống chịu về tài chính của cộng đồng DN, chủ thể chính của sự phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Khẳng định các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là kịp thời, thiết thực, tuy nhiên, ông Phong cho rằng, cần nghiên cứu kinh nghiệm thực tế của các nước trên thế giới để đưa ra những biện pháp về chính sách thuế phù hợp hơn, thiết thực hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân trong bối cảnh hiện nay.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (5-11/11): Cuộc chiến khí đốt ở châu Âu hạ nhiệt, GDP Nga dự báo tăng cao, Moscow có thể lập lại kỷ lục khai thác dầu Kinh tế toàn cầu đang ở gần thời điểm nhạy cảm, giá khí đốt tại châu Âu giảm, GDP Nga được dự báo tăng hơn ... |
| Chủ động khởi xướng và quản trị hiệu quả công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước Công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai qua sự chỉ dấu của Đại hội XIII cùng với tốc độ và quy mô mạnh ... |