📞

“Miền Trung nhớ Bác” - Bài 1: 11 ngàn câu thơ và Nhà lưu niệm Bác Hồ

15:39 | 18/05/2009
Bất kể ở đâu, ông Nguyễn Đức Thanh (82 tuổi, ngụ tại phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, Bình Định) cũng luôn suy nghĩ, trau chuốt những câu thơ về Bác Hồ. 5 năm qua, mặc dù phải chống chọi với bệnh tật, ông đã viết trường ca “Hồ Chí Minh - Một vầng dương” có độ dài lên tới 11 ngàn câu thơ. Trong khi đó, tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam), hai vợ chồng cựu chiến binh Tử Vi Dân đã dành hơn 100 triệu đồng tiền lương hưu mà họ dành dụm dưỡng già để xây Nhà lưu niệm và dựng tượng Bác Hồ.
Ông Nguyễn Đức Thanh và bản thảo trường ca “Hồ Chí Minh - Một vầng dương”.

Còn sống, còn làm thơ về Bác

Năm nay đã 82 tuổi, chân đã yếu, tay đã run nhưng ông Nguyễn Đức Thanh vẫn rất phấn khởi, hào hứng mỗi khi nói về Bác Hồ. Ngay khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông khẳng định: “Tôi đã làm thơ về Bác từ khi còn trai trẻ. Nhưng 5 năm gần đây, tôi quyết định dành toàn bộ tâm sức và trí tuệ để hoàn thành một trường ca về Bác mà tôi đã ấp ủ suốt mấy chục năm qua. Với tôi, Bác là vĩ nhân của các vĩ nhân!”.Ông Nguyễn Đức Thanh sinh năm 1927 tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định). Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và làm việc tại Bộ Giáo dục với nhiệm vụ quản lý các học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Chính trong thời gian này ông đã may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần.

Ông Nguyễn Đức Thanh hồi tưởng lại lần đầu tiên được gặp Bác: “Khoảng tháng 8-1957, Bác đến thăm Trường học sinh miền Nam số 28 đóng tại huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Khi đó tôi được cử làm trưởng ban bảo vệ. Chưa đến 7 giờ sáng, Bác đã bất ngờ xuất hiện và đi thẳng xuống thăm khu nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà trẻ rồi mới đến nói chuyện tại hội trường”. Lần thứ 2, ông Nguyễn Đức Thanh được gặp Bác Hồ tại Trường học sinh miền Nam đóng tại Hải Phòng. “Lần ấy, Bác dặn chúng tôi ngoài chuyện học hành phải chuyên tâm rèn luyện thể thao và lao động hợp lý để cơ thể phát triển cân đối” - ông Thanh nhớ lại. Lần thứ 3 ông Thanh được gặp Bác cũng tại Hải Phòng. Năm 1963, ông Nguyễn Đức Thanh xung phong vào chiến trường Bình Trị Thiên, đảm nhận nhiệm vụ trưởng tiểu ban giáo dục. Năm 1969, trên đường ra Hà Nội họp thì nhận được tin Bác mất và ông đã khóc rất nhiều. Giao thừa Tết Nguyên đán năm 1970, ông Thanh viết bài thơ Đón giao thừa nhớ Bác: “Xuân này Bác nghỉ làm thơ/ Để sông, để núi ngẩn ngơ đợi chờ/ Bác ơi, biết đến bao giờ/ Con nghe thơ Bác trong giờ đón xuân/ Nam tào sáu ngọn rưng rưng/ Thương thân Bắc đẩu khô dần lệ đau”. Sau giải phóng, ông về công tác tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình và nghỉ hưu năm 1988.Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Sau nhiều ngày ấp ủ, tôi quyết định viết trường ca về Bác Hồ bằng thể thơ song thất lục bát”. Ông Thanh chia bản trường ca của mình thành ba phần: Tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành (phần 1), Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước (phần 2), Hồ Chí Minh - người cha đẻ nước Việt Nam mới (phần 3).

Phần 1 có 3.540 câu thơ nói về thời niên thiếu cho đến khi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước được hoàn thành trong vòng 18 tháng. Phần thứ 2 ông hoàn thành trong vòng 2 năm với 4.230 câu thơ, kể về những năm tháng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc bôn ba tìm đường cứu nước. Phần thứ 3 viết về những hoạt động của Bác sau khi về nước cho đến khi mất. Hiện ông đã viết được 3.000 câu thơ và đang dự định sẽ viết thêm khoảng 1.500 - 2.000 câu nữa là hoàn thành phần 3. Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết đã có người đến thuyết phục ông chỉnh bản trường ca này còn 1.000 câu thơ để đăng báo nhưng ông từ chối. Mơ ước lớn nhất của ông là một ngày nào đó bản trường ca này sẽ được in thành sách. “Tôi muốn qua đó góp phần giáo dục con cháu, thế hệ trẻ ghi nhớ công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập tấm gương đạo đức của Người. Còn sống ngày nào, tôi sẽ còn viết thơ về Bác Hồ, viết cho đến khi không còn thở được thì thôi!” - cụ ông 82 tuổi Nguyễn Đức Thanh khẳng định.

“Gia tài” không phải là... của cải

Việc vợ chồng cựu chiến binh Tử Vi Dân (75 tuổi, thiếu tá, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Cục Hậu cần Quân khu V) và Huỳnh Thị Thuyền (chiến sĩ quân y) sử dụng hơn 100 triệu đồng dành dụm dưỡng già để thực hiện việc dựng tượng và xây Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) gây sự xúc động lớn lao cho những người biết chuyện. Ở chốn núi rừng ấy, 100 triệu đồng là cả một tài sản lớn. Trong cái nắng nóng bỏng rát của vùng núi Bắc Trà My chúng tôi đã gặp hai vợ chồng bác Dân.

Người lính già Tử Vi Dân bên tượng đài Bác do chính gia đình ông dựng trong vườn nhà. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bác Dân sinh ra và lớn lên tại xã Điện Nam (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) anh hùng, với cái tên đầu tiên là Võ Như Thông. Đến năm 1955, ông tập kết ra Bắc, đổi tên thành Vũ Như Tống. Năm 1964, ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Để đảm bảo bí mật, một lần nữa ông tự đặt tên mình là Tử Vi Dân với ý nghĩa là “chết vì nhân dân” để thể hiện tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.Hòa bình lập lại, vợ chồng cựu chiến binh Tử Vi Dân chọn mảnh đất Bắc Trà My, vốn là căn cứ Khu V, nơi ông có một thời gian dài chiến đấu để định cư. Ngày ấy, mảnh đất này còn hoang sơ, nhà dân thưa thớt, bốn bên là núi rừng, vợ chồng ông đã biến những mảnh đất đầy lau sậy thành cánh đồng xanh mướt. Vợ chồng ông đã đặt ảnh Bác lên bàn thờ gia tiên và cứ đến ngày 2-9 hàng năm, vợ chồng ông cùng con cháu làm giỗ Bác như giỗ ông bà, cha mẹ. Cuối năm 2008, ông bàn với vợ dựng tượng đài Bác Hồ ngay trong vườn nhà. Ông mang 50 triệu đồng dành dụm suốt bao năm qua của hai vợ chồng ra tận làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tìm hiểu và đặt nghệ nhân tạc một bức tượng Bác có chiều cao 1,6m. Ông dùng đá xanh – một loại đá đặc trưng của vùng đất Bắc Trà My – xây dựng đài cao 1,7m để an vị tượng.

Ông tiếp tục dùng hơn 50 triệu đồng còn lại xây dựng nhà lưu niệm 3 gian, trưng bày những hình ảnh, sách báo về Bác Hồ. Có dịp đi đến bất cứ nơi đâu, ông cũng sưu tầm hình ảnh, sách báo, những câu chuyện và cả những bức thư pháp viết những bài thơ của Bác mang về trưng bày ở nhà lưu niệm này. Nói về việc xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ và dựng tượng đài tại nhà, cựu chiến binh Tử Vi Dân tâm sự: “Trong kháng chiến, làm theo lời Bác chiến đấu ngoan cường, thà chết chứ không làm nô lệ; trong thời bình, làm theo lời Bác xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Mình là lính Cụ Hồ, tại sao mình không dựng tượng Bác để tỏ lòng tôn kính cũng như để giáo dục cháu con học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh? Nghĩ vậy nên tui quyết tâm dựng tượng đài, xây nhà thờ Bác để giáo dục con cháu, giáo dục thế hệ trẻ của quê hương học tập và theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Một mai vợ chồng tui chết đi, gia tài để lại cho con cháu là những hình ảnh, sách báo viết về Người chứ không phải là tiền bạc, của cải”. 

Bài 2: Nửa thế kỷ sưu tập tem Bác HồTheo SGGP