📞

Minh chứng cho truyền thống hòa hiếu và bao dung của Việt Nam

08:42 | 27/04/2018
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc về nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề người mất tích trong chiến tranh (MIA) và tẩy độc da cam/dioxin, qua đó thể hiện chủ trương “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai” của Đảng và Nhà nước.

Trả lời TG&VN, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề MIA trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, chỉ ra những thuận lợi và thách thức đối với MIA trong thời gian tới, đồng thời khẳng định “hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để vượt qua những thách thức này”.

Xin Thứ trưởng cho biết hợp tác của Việt Nam giúp Hoa Kỳ tìm kiếm MIA đã đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước?

Có thể nói, lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ cựu thù trở thành bạn và nay là đối tác toàn diện luôn gắn liền với sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam giúp Hoa Kỳ tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh (MIA). Trong suốt 45 năm qua, hoạt động MIA đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện ở mấy điểm sau:

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày 10/4/2018 tại Hà Nội.

"Sẽ hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm tin tức của bộ đội Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh..."

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tháng 11/2017.

Thứ nhất, hợp tác MIA đã tạo ra cây cầu nối, kênh tiếp xúc đầu tiên giữa chính giới hai nước, giúp hai bên xích lại gần nhau, góp phần thuyết phục chính giới và dân chúng Mỹ về thiện chí và sự hợp tác của ta. Ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 9/2/1973, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 34/TTg thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) để thực hiện điều 8b của Hiệp định. Trong giai đoạn 1973-1988, ta đã khắc phục khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, triển khai thu thập và tiến hành 24 đợt trao trả cho phía Hoa Kỳ tổng số 302 bộ hài cốt liên quan đến quân nhân Hoa Kỳ. Từ đầu thập niên 1980, Chính phủ hai nước đã thiết lập kênh tiếp xúc về giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hoạt động tìm kiếm MIA tại Việt Nam. Tháng 8/1987, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Tướng John Vessey, Đặc phái viên của Tổng thống Ronald Reagan, đã ký thỏa thuận về hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm, tổ chức các hoạt động hỗn hợp tìm kiếm MIA từ 1988. Tháng 7/1991, ta cho phép Hoa Kỳ lập Văn phòng MIA tại Hà Nội, cơ quan thường trú đầu tiên của Hoa Kỳ sau chiến tranh tại Hà Nội. Giai đoạn 1991 – 1993, ta đã trao nhiều tài liệu liên quan MIA, cho phép nhiều lượt điều tra về tin có người Hoa Kỳ còn sống tại Việt Nam, kể cả các trường hợp Hoa Kỳ yêu cầu đột xuất. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thượng viện Mỹ đặc trách vấn đề POW/MIA đã ra báo cáo kết luận không có bằng chứng về người Hoa Kỳ còn sống tại Việt Nam.

Có thể nói, vấn đề MIA luôn hiện diện trong hầu hết các sự kiện lớn của quan hệ Việt

"Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tìm kiếm người mất tích, rà phá bom mìn chưa nổ, xử lý các khu vực bị nhiễm dioxin."

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink

Nam – Hoa Kỳ trong mấy chục năm qua, từ việc Hoa Kỳ xem xét bỏ cấm vận kinh tế, lập Cơ quan liên lạc, thiết lập quan hệ ngoại giao, đến miễn áp dụng đạo luật Jackson – Vanik, đàm phán Hiệp định thương mại song phương,.. 

Thứ hai, có thể khẳng định chưa có một lĩnh vực hợp tác song phương nào trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đạt được tầm mức quy mô, phạm vi và thời gian phối hợp như lĩnh vực hợp tác tìm kiếm MIA. Riêng trong 30 năm hoạt động hỗn hợp (1988 - 2018), hai bên đã tiến hành 130 đợt hoạt động hỗn hợp và 144 đợt trao trả với tổng số 975 bộ hài cốt, trong đó phía Mỹ đã nhận dạng được gần 720 trường hợp.

Hiện nay, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả nhiều hình thức hoạt động, trong đó nổi bật là: (i) hoạt động đơn phương của ta, bao gồm cả nghiên cứu hồ sơ, điều tra, khai quật đều có kết quả, thậm chí thu hồi hài cốt; (ii) hoạt động điều tra ngoài biển sử dụng phương tiện, trang thiết bị và chuyên gia Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu của phía Hoa Kỳ; (iii) ta đã chủ động giải tỏa nhiều hiện trường trước đây hạn chế người nước ngoài tiếp cận, cho phép hai bên triển khai hoạt động tìm kiếm hỗn hợp.

Hợp tác MIA đã thể hiện truyền thống hòa hiếu và bao dung của dân tộc Việt Nam, xóa tan nghi ngờ của một bộ phận trong chính giới Hoa Kỳ về thiện chí của Việt Nam, được chính giới bao gồm cả Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ, Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ và các tổ chức Cựu chiến binh Hoa Kỳ cảm ơn và đánh giá cao, coi hợp tác của ta trong vấn đề MIA là mẫu mực. Trên cơ sở đó, hợp tác MIA đã tạo bầu không khí thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là phía Hoa Kỳ đã có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam, rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, tẩy độc da cam/dioxin và hỗ trợ nạn nhân chiến tranh.

Hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam là hoạt động nhân đạo giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ. Từ năm 1985, thông qua Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan tiền nhiệm, với sự phối hợp của Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam, hoạt động hợp tác tìm kiếm hỗn hợp Mỹ - Việt Nam đã tìm được hơn 800 bộ hài cốt người Mỹ tại Việt Nam và tổng cộng hơn 1.100 bộ hài cốt người Mỹ tại các quốc gia có liên quan đến Chiến tranh Việt Nam. Đến tháng 4/2018, phía Việt Nam đã tiến hành 143 đợt trao trả hài cốt quân nhân Mỹ, kể từ năm 1973.

Bà Fern Sumpter Winbush, Phó Trợ lý Giám đốc Cơ quan tìm kiếm MIA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu tại buổi Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 2017, diễn ra ngày 17/10/2017 tại Washington DC: “Hoa Kỳ đánh giá rất cao các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của phía Việt Nam trong lĩnh vực này và cảm ơn chân thành việc Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, trong chuyến thăm Hoa Kỳ mới đây đã trao cho phía Mỹ hai bộ hồ sơ có độ tin cậy cao về hoạt động tìm kiếm MIA, cũng như việc Việt Nam đã tạo thêm các điều kiện thuận lợi về thời gian, địa điểm để các đội tìm kiếm hỗn hợp của hai phía có thể hoạt động hiệu quả trên thực địa”.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear phát biểu sau khi đến thăm một hiện trường khai quật tại Sơn La năm 2012: “Quả thực qua chuyến đi này, tôi mới thấy hết được sự khó khăn, phức tạp của việc tìm kiếm MIA và hiểu thêm về hoạt động nhân đạo của Việt Nam”.

Chuyên gia Xử lý Thương vong thuộc phân đội 2 (DET 2), Bộ chỉ huy Hỗn hợp Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích trong chiến tranh của Mỹ (JPAC) Ron Ward: “Thiện chí của Việt Nam tất nhiên xuất phát từ chính phủ, nhưng thực sự nó cũng xuất phát từ nhân dân. Nếu không có sự ủng hộ của người dân và các cựu chiến binh Việt Nam thì công việc này sẽ không thể diễn ra. Ngày hôm nay, chúng ta đã có một sự hợp tác rất tuyệt vời, rất rất tuyệt vời”.

Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ trao trả hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 143, ngày 15/4/2018 tại Đà Nẵng: “Chính phủ Hoa Kỳ cảm ơn và đánh giá cao thiện chí nhân đạo của Việt Nam. Đồng thời khẳng định, hợp tác MIA Việt - Mỹ đã đạt được sự mẫu mực của sự hợp tác vì nhân đạo”.

Theo Thứ trưởng, đâu là những thuận lợi cũng như thách thức đối với công tác MIA trong thời gian tới?

Hoạt động MIA thời gian tới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Thuận lợi cơ bản là chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống hòa hiếu, bao dung của nhân dân Việt Nam, sẵn sàng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, dù chính nhân dân và đất nước Việt Nam còn gánh chịu vô vàn vết thương nặng nề của chiến tranh.

Thứ hai là quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp. Sự hiểu biết giữa chính giới và nhân dân hai nước ngày càng được tăng cường. Phía Hoa Kỳ hỗ trợ ta ngày càng thực chất hơn trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Những điều này giúp thu hút nhiều hơn sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân và cựu chiến binh Việt Nam đối với hoạt động MIA.

Thứ ba là qua gần nửa thế kỷ hoạt động MIA, đội ngũ cán bộ Việt Nam chịu trách nhiệm về vấn đề này ngày càng trưởng thành và phát triển, không những đáp ứng tốt yêu cầu công việc mà còn chủ động, sáng tạo đề xuất những sáng kiến hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thời gian. Chiến tranh chấm dứt đã lâu, nhiều vụ việc xảy ra cách đây tới 50 - 60 năm. Nguồn nhân chứng và thông tin dần cạn kiệt. Tôi vẫn thường chia sẻ với các đối tác Hoa Kỳ “một cựu chiến binh qua đời giống như một thư viện bị đốt cháy”. Nhiều hiện trường đã hoặc có nguy cơ bị mất hoặc thay đổi do điều kiện thời tiết, thiên nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội. Các hiện trường còn lại phần lớn đều nằm ở khu vực rừng núi hiểm trở, các vùng biển sâu khó khăn, nguy hiểm.

Mặc dù vậy, tôi tin rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để vượt qua những thách thức này, để cuối cùng có thể thanh thản và tự hào nói rằng chúng ta đã làm mọi thứ một cách nghiêm túc, chân thành để giúp Hoa Kỳ đạt mục tiêu kiểm kê MIA đầy đủ nhất có thể.

Như Thứ trưởng đã chia sẻ, hợp tác của Việt Nam giúp Hoa Kỳ tìm kiếm MIA đã góp phần để phía Hoa Kỳ có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động hợp tác, tiến triển gần đây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nỗ lực tẩy độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Trong tương lai gần, hai bên có kế hoạch gì nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác này?

Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã sử dụng khoảng 74 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có các chất chứa độc tố dioxin. Chất độc này còn tồn lưu trên nhiều địa phương của Việt Nam, đặc biệt tại các điểm nóng là sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát, cùng với một số khu vực khác như A So, A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Sa Thầy (Kon Tum)…, tạo ra những vấn đề nghiêm trọng và lâu dài về kinh tế-xã hội, môi trường, sức khỏe-tâm lý… đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Đáp lại thiện chí và sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam trong vấn đề MIA cũng như từ nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm đối với hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, phía Hoa Kỳ ngày càng tích cực hỗ trợ ta thực chất và hiệu quả hơn trong công tác tẩy độc da cam/dioxin tại các điểm nóng, đặc biệt là tại sân bay Đà Nẵng. Từ năm 2006, Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ bắt đầu đề xuất cấp kinh phí cho khắc phục hậu quả chất độc da cam tại đây. Tổng cộng phía Hoa Kỳ đã chi khoảng hơn 130 triệu USD cho dự án này. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, 160.000m3 đất được xử lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. 29ha đất sau khi xử lý đã được bàn giao kịp thời để thực hiện mở rộng sân bay Đà Nẵng phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, bảo đảm an toàn cho sức khỏe nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Phía Hoa Kỳ cũng đã chi gần 5 triệu USD giúp tẩy độc sân bay Phù Cát.

Tới đây, một trong những trọng tâm của hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là khởi động dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa. Từ năm 2013, phía Hoa Kỳ đã tài trợ cho ta tiến hành đánh giá, nghiên cứu, khảo sát tình trạng nhiễm độc tại đây. Các cuộc này đã hoàn thành vào tháng 4/2016. Dự kiến khối lượng công việc và ngân sách cho dự án này sẽ lớn gấp nhiều lần dự án tại sân bay Đà Nẵng. Như các bạn đã biết, tháng 1/2018, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Bản ghi nhận ý định về xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Tôi tin tưởng hai bên sẽ sớm đạt thỏa thuận triển khai dự án trọng điểm này.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

(thực hiện)