Mở cửa an toàn nhưng phải thận trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: Minh Hiền) |
Sáng đầu tuần, một vài vị khách đến quán cà phê của tôi và bàn chuyện dịch bệnh Covid-19 đang tăng trở lại, nhất là ở vài quận, huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh như Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Việc đổi màu từ vùng vàng (nguy cơ trung bình) sang cam (nguy cơ cao) ở Nhà Bè, Cần Giờ khiến nhiều người quan ngại.
Anh Đức, chủ cho tôi thuê mặt bằng bày tỏ: “Giờ nghe dịch bùng là lo lắng, thời gian đóng cửa quá lâu khiến ai cũng kiệt quệ cả rồi”.
Vị khách cùng bàn thêm vào: “Việc dịch bệnh trong cộng đồng, sống chung với virus là điều tất yếu hiện nay nhưng nhiều nơi thấy người dân chủ quan quá”.
“Đúng rồi, tôi đi một số quận, huyện, thấy nhiều người xúm tụm trong những hẻm nhỏ rất đông, nhiều hoạt động cộng đồng không đảm bảo 5K”, một vị khách khác bình luận.
Sau thời gian Sài Gòn giãn cách chống dịch, nhiều người thấm thía cảnh ở yên trong ngột ngạt, qua đó nêu cao ý thức tự phòng tránh.
Nhưng cũng có một nhóm khác khi được mở cửa đã… "xả cửa". Đây là nguy cơ bùng dịch cao vì virus vốn dễ lây lan thì với sự chủ quan sẽ là “dung môi” làm lây nhanh hơn gấp nhiều lần.
Cũng có người có tâm lý rằng “tiêm hai mũi vaccine rồi thì có bệnh cũng nhẹ”. Giảm nỗi lo do nắm cơ sở khoa học của vaccine là điều tốt nhưng không nên để từ đây dẫn tới tâm lý chủ quan, khinh “địch”.
Đừng quên, hai mũi tiêm chủng tuy có giúp cơ thể có đề kháng với SARS-CoV-2 nhưng khả năng tăng nặng vẫn có đối với nhóm đối tượng này.
Thêm nữa, các triệu chứng Covid-19 kéo dài cũng là vấn đề đáng quan ngại đối với sức khỏe con người. Theo định nghĩa từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Covid-19 kéo dài, hay "Long Covid" là tình trạng sau khi mắc Covid-19.
WHO thông tin: “Nó thường xảy ra trong khoảng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán. Các triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian”.
Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove khẳng định, có rất nhiều người bị nhiễm SARS-CoV-2 đang đối mặt với những di chứng kéo dài.
Tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) nêu các triệu chứng "Long Covid" phổ biến, bao gồm: Mệt mỏi nghiêm trọng, khó thở, hồi hộp, lo lắng, đau hoặc tức ngực, các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung (còn gọi là hội chứng sương mù não), khó ngủ, tim đập nhanh, chóng mặt, đau khớp, trầm cảm và lo âu...
Trong khi đó, bà Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của WHO, người đứng đầu nghiên cứu về "Long Covid" cho biết, đến nay đã có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan di chứng hậu Covid-19. Một số người có biểu hiện bệnh kéo dài 3 tháng, nhưng cũng có trường hợp lên đến 6-9 tháng, thậm chí lâu hơn.
Đó là về sức khỏe bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ngay cả khi đã khỏi bệnh, nên “chớ vội chủ quan” là suy nghĩ cần luôn được đề cao xuyên suốt khi phải sống chung trong tinh thần mở cửa.
Thực tế, như những gì đã diễn ra, thế giới chứng kiến sự tàn phá của của SARS-CoV-2 không chỉ về sức khỏe, mà còn cả kinh tế.
Theo một báo cáo mới công bố của Cơ quan Tình báo Kinh tế - The Economist Intelligence Unit (EIU), trước năm 2022, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi về mức trước khi có đại dịch xảy ra, với sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia.
Covid-19 có thể khiến hầu hết các thành viên của Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mất 4 năm để khôi phục tăng trưởng kinh tế. Nhiều ngành nghề đã “chết” cùng với sự phát triển của Covid-19 trên bình diện thế giới.
EIU cho biết, các nền kinh tế mới nổi sẽ gánh chịu khoảng 2/3 mức thiệt hại này, càng làm trì hoãn quá trình hội tụ kinh tế của họ với các nước phát triển hơn.
Trong khi đó, ngày 28/10, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) công bố báo cáo cho biết Covid-19 đã xóa khoảng 1,7 nghìn tỷ USD khỏi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế lớn nhất châu Á vào năm 2020.
Tại Việt Nam, trong gần 2 năm trải qua đại dịch Covid-19, ước tính thiệt hại khoảng 7% GDP, tương đương 24 tỷ USD. Theo đó, trong năm 2020, dự kiến tăng trưởng 6,8% nhưng cả năm chỉ tăng 2,9%. Năm 2021, dự kiến tăng trưởng 6%, tuy nhiên, khả năng thực hiện không quá 3%.
Tất cả những con số trên là thực tế cảnh báo để mỗi người không nên chủ quan vì mỗi hành động chủ quan của chúng ta đều “góp phần” tạo ra những thiệt hại to lớn cho địa phương mình sinh sống, làm việc, rộng hơn là đất nước.
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội về kinh tế - xã hội và báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng 9/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, phải mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng. Không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ "Zero Covid".
Bác sĩ Hiếu nói: "Chúng ta cần trở lại cuộc sống bình thường một cách tuân thủ theo quy tắc sống an toàn với dịch. Chúng ta không sợ Covid-19 nhưng không thể chủ quan để dịch bùng phát diện rộng".
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề cập khẳng định của Thủ tướng Chính phủ về việc không dùng chiến thuật "Zero Covid" mà mở cửa an toàn với 3 trụ cột và bằng chứng là kinh tế đã có những tia sáng hy vọng thông qua những con số thống kê trong tháng 10 vừa qua.
Chủ trương sống chung với dịch không phải là như chưa từng có gì xảy ra, dịch bệnh vẫn còn trong cộng đồng và nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đã phải đóng, mở theo mức độ tăng giảm ca nhiễm Covid-19 cộng đồng.
Do vậy, như nỗi lo lắng trên bàn cà phê sáng mà tôi nghe được, một trong những nguyên tắc chống dịch xuyên suốt ngoài 5K chính là không chủ quan.
“Mất bò mới lo làm chuồng” là bài học đúc kết từ sự chủ quan của người xưa, đừng để mất mát, hư hao mới phòng bị thì có khi phải trả một giá đắt.