📞

Mơ mộng muôn năm

08:25 | 18/10/2013
Thời buổi này, với sự cạnh tranh gay gắt, "mơ mộng" một chút thì chỉ có mà ăn cám! Ấy thế mà ở Thụy Điển, họ hô khẩu hiệu: "Mơ mộng muôn năm!" - nghĩa là chúc nhau "Mơ mộng suốt đời". Nói "hô" cho vui thôi, vì người Thụy Điển trầm tĩnh, ở nơi công cộng, sân bay, khách sạn, không nói to, hét lớn như ở các quán bia của ta.
Ảnh minh họa.

Có một mùa Thu, tôi có dịp quay lại Thụy Điển. Xuống sân bay Stockholm, ở một cầu thang có lát gạch men, mỗi bậc đều ghi dòng chữ: "Mơ mộng muôn năm!".

Không phải vì "mơ mộng" mà người Thụy Điển làm kinh tế tồi đâu. Chỉ có 9 triệu dân mà từ một nước nghèo đói mãi đến cuối thế kỷ 19, dân phải di cư đi Mỹ kiếm sống, Thụy Điển đã tiến lên thành "Quốc gia phúc lợi" đầu tiên trên thế giới (GDP theo đầu người là 4 vạn USA/năm), đảm bảo cho toàn dân ăn, mặc, ở, học, thuốc, men, giải trí...

Một khi nhu cầu vật chất thỏa mãn, nhu cầu tinh thần trở thành bức thiết, mà đời sống văn hóa - nghệ thuật không thể không có đôi chút "mơ mộng", tức là đôi chút "lãng mạn".

Khi tôi đến Umêa, một tỉnh ở phía Bắc hiu quạnh, một thiếu phụ Việt Nam góa chồng Thụy Điển, ở một mình trong một biệt thự sang trọng. Chị bày rất nhiều cốc pha lê cắm nến, chị thắp nến trước bữa ăn và tâm sự: "Ở đây, sống cô đơn, phải cần chút lãng mạn, bắt chước người Thụy Điển, thắp nhiều nến".

Trong những chuyến bay nội địa, khay thức ăn thường có mấy gói xinh xinh. Một gói ghi (tiếng Anh):

“Màu của tuyết

Vị của nước mắt

Mênh mông của đại dương”.

Tưởng có món gì lạ, mở ra hóa là muối. Gói hạt tiêu đề:

"Hạt tiêu vốn được mệnh danh là "Món quà của phương Đông". Mặc dù "Gift" tiếng Anh nghĩa là "Món quà", tiếng Thụy Điển lại có nghĩa là "thuốc độc". Nhưng đừng vì thế mà ngần ngừ, cứ việc ăn đi.

Cũng có gói hạt tiêu thì:

"Bạn hãy tưởng tượng là các đại dương chứa hạt tiêu thay vì cho muối... Ồ! Có lẽ điều ấy không thể xảy ra được đâu!"

Gói đường ghi:

"Bạn hãy tưởng tượng đường rơi xuống như tuyết, quanh cảnh đường phủ trắng xóa như tuyết. Nhưng mọi người sẽ đổ ra ăn sạch đường - tuyết".

Đài phát thanh quốc nội Thụy Điển cũng lãng mạn. Có kênh dùng tín hiệu là tiếng chim hót, mỗi mùa một loại chim, cứ nghe là biết "mùa đi nhịp hải hà!".

Có năm ở Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển lấy ngày Thánh Santa Lucia để tổ chức ngày Quốc khánh luôn thể. Nữ thánh này người Italy (đảo Sicile). Thật ra người Thụy Điển chỉ mượn cái tên để đặt ra lễ hội dân gian của họ, một lễ hội mới thật định hình vào những năm 20 của thế kỷ 20. Buổi lễ hát bài Santa Lucia êm dịu, một bài hát lãng mạn khá phổ biến ở Việt Nam. Lễ vào ngày 13/12, được coi như lễ vào mùa đông. Theo truyền thuyết, đêm đó là đêm dài nhất trong năm. Lễ biểu tượng niềm mong ước ánh sáng Mặt Trời sớm trở lại sau mùa Đông. Các thiếu nữ mặc quần áo trắng dài, đội mũ có cắm nến, rước nữ Thánh, hát Santa Lucia và các bài dân ca.

Người Thụy Điển sống nội tâm nhiều; đất rộng, người thưa, khí hậu lạnh lẽo, đạo Tin Lành Luther in dấu ấn khắc khổ nên có khuynh hướng u sầu, yêu thiên nhiên. Trong mấy thập kỷ đầu thế kỷ 19, chủ nghĩa lãng mạn đã mang lại một sinh lực mới cho văn học Thụy Điển, văn học Bắc Âu nói chung, trước đây lép vế trong văn đàn châu Âu. Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nó đã vươn lên ngang tầm các nền văn học đàn anh trên thế giới.

Để nuôi mơ mộng, người Thụy Điển rất mê đọc sách. Bà Lilimor hướng dẫn tôi đi thăm Hội chợ sách Goteborg. Mỗi năm bà đọc khoảng hai chục cuốn sách. Các bà bạn của bà đọc cũng không kém. Vào cửa Hội sách ấy, phải trả 70 USA. Vậy mà người ta vẫn chen nhau vào. Đọc để mơ mộng.

"Mơ mộng muôn năm!".

Hữu Ngọc