Còn nhớ trong một trả lời phỏng vấn trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhắc đến ước vọng của chính Bộ trưởng và mỗi cán bộ ngoại giao về một thế giới hòa bình và đất nước có cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Tháng Hai - tháng của khát vọng mùa Xuân, với hai chuyến thăm “xuất hành” đa phương và song phương của Bộ trưởng tới châu Âu, có thể thấy rõ những mầm ươm của ước vọng đang lớn dần. Lịch trình hoạt động dày đặc, chương trình làm việc đa dạng, trong đa phương có song phương, trong song phương nói đa phương xuyên suốt chuyến đi của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPMF) lần thứ 3 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU (AEMM) lần thứ 24, thăm song phương Bỉ đầu tháng 2; dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) tại Geneva (Thụy Sỹ), thăm chính thức Ireland vào cuối tháng Hai làm nổi bật khí thế, quyết tâm của Bộ Ngoại giao ngay sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (tháng 12/2023). Ở mỗi điểm đến, đoàn Việt Nam đều mang theo niềm tự hào và gửi gắm thông điệp về một Việt Nam năng động, hội nhập sâu rộng, yêu chuộng hòa bình, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn hết mình vì những sứ mệnh chung, hướng tới cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng của toàn nhân loại. Sôi nổi với những “Câu chuyện” của Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU hay Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 HĐNQ LHQ là khác nhau với những trọng tâm khác nhau. Việc tham dự ba diễn đàn đa phương trong một tháng có thể chỉ tạo cảm giác về lịch trình gấp gáp mà không hề khiến cho khí thế của đoàn Việt Nam “giảm nhiệt” với những đóng góp sôi nổi, sáng kiến cụ thể, thông điệp rõ ràng, từ đó góp phần giải những “bài toán” trong mỗi khuôn khổ đa phương mà Việt Nam luôn trân trọng, đề cao. Chuyển đổi xanh là một trong những lĩnh vực trọng tâm rất tiềm năng và được ưu tiên cao trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Chuyển đổi xanh, bền vững là xu thế phát triển tất yếu của kinh tế thế giới, cũng là định hướng phát triển của Việt Nam được Đảng và Nhà nước đề ra. Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế; trong đó hợp tác với EU, đối tác hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà quan trọng hơn là nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững của cả nền kinh tế, có tác động bao trùm tới toàn thể người dân, doanh nghiệp và xã hội. Hợp tác chuyển đổi xanh cũng mang tính toàn diện với nhiều lĩnh vực quan trọng trong ưu tiên phát triển của ta, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển… |
Thời gian qua, cộng đồng quốc tế và EU đánh giá cao những cam kết và hành động mạnh mẽ thiết thực của Việt Nam, bao gồm các cam kết giảm phát thải, việc tham gia Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu (GGF) do EU tổ chức tại Brussels, Bỉ, nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam trong tăng trưởng xanh, được EU và các nước tham gia rất hoan nghênh. EU nhấn mạnh mong muốn hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam để xây dựng “hình mẫu” hợp tác kiểu mới với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong lĩnh vực quan trọng này. Có bài phát biểu quan trọng tại IPMF-3 với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao từ hơn 70 quốc gia trong đó có 27 quốc gia thành viên (EU) và các nước khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương cùng Lãnh đạo của nhiều tổ chức khu vực, quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn một lần nữa khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh mạnh mẽ của Việt Nam, từ Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) đến việc trở thành một trong ba nước đầu tiên thiết lập JETP. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của EU trong thúc đẩy và hiện thực hoá chương trình nghị sự xanh ở khu vực, Bộ trưởng nói Việt Nam sẵn sàng cùng EU xây dựng mô hình hợp tác điển hình về chuyển đổi xanh, hỗ trợ các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thu hẹp khoảng cách tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực và việc triển khai hiệu quả JETP sẽ là minh chứng cho mô hình hợp tác này. Thể hiện vai trò chủ động và tích cực trong cơ chế hợp tác ASEAN-EU, tại AEMM-24, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề xuất một số phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các quyết định của các Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU năm 2022, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và hợp tác biển đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; kêu gọi các nước EU còn lại nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), đồng thời triển khai hiệu quả hơn nữa các khuôn khổ hợp tác hiện có, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP.
|
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, ASEAN và EU cần phối hợp các nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, củng cố chủ nghĩa đa phương, phổ biến văn hóa đối thoại và hợp tác, qua đó củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật pháp quốc tế với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Đồng thời, tái khẳng định lập trường của Việt Nam và ASEAN về Biển Đông, kêu gọi các nước EU ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Mang đến câu chuyện thành công và truyền cảm hứng từ Việt Nam, bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gây ấn tượng mạnh mẽ tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 HĐNQ LHQ. Từ đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tâm đắc và mong muốn lan tỏa tới bạn bè quốc tế thông điệp sâu sắc rằng: “Điều chúng tôi rút ra được trong nhiều năm qua là các quyền con người có thể được bảo đảm tốt nhất khi có hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó Nhà nước đặt người dân vào trung tâm trong mọi chính sách của mình để bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững”. Theo ông, lý lẽ đó đúng “ở cấp độ toàn cầu”. |
“Với cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như nâng cao hoạt động của HĐNQ, Việt Nam đã quyết định ứng cử là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2026-2028”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố trước hàng trăm đại biểu, đồng thời kêu gọi các nước ủng hộ nỗ lực của Việt Nam. Rõ ràng, ngay cả khi luật pháp quốc tế bị thách thức, chủ nghĩa đa phương đôi lúc bị hoài nghi, Việt Nam vẫn kiên định thượng tôn luật pháp quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Với HĐNQ, Việt Nam nhất quán các ưu tiên khi tham gia HĐNQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Cùng với đó, là tinh thần tích cực, chủ động, tiên phong, “làm gương” khi tham gia HĐNQ. Tới đây, tại Khóa 56 tháng 6/2024, Việt Nam đề xuất Nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019. Bên lề các hội nghị đa phương, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước ở nhiều châu lục trong đó có các Đối tác chiến lược, đối tác lớn và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực… Tại các cuộc tiếp xúc rất ngắn gọn nhưng hiệu quả này, các nhà lãnh đạo nhiều lúc bỏ qua những nghi thức lễ tân thông thường để trao nhau những cái bắt tay, cái ôm thật chặt và chân tình song những nội dung trao đổi lại rất cụ thể, thực chất về những lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới. Các bên đều dành cho Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn những tình cảm chân thành cởi mở, đánh giá rất cao vai trò và vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bỉ, Ireland là những quốc gia nhỏ ở châu Âu nhưng đều có những vị trí chiến lược quan trọng. Bỉ được mệnh danh là “trái tim châu Âu” và Ireland thường được ví như “Silicon Valley của châu Âu”. Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Bỉ và Ireland còn rất lớn. Và trọng tâm trong chuyến thăm của người đứng đầu ngành Ngoại giao Việt Nam tới hai vùng đất Âu châu chính là khai phá những tiềm năng to lớn đó. Hai chuyến thăm song phương đã gặt hái được những kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần khẳng định tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, cho thấy bản sắc “ngoại giao cây tre” Việt Nam với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”. Với khát vọng vươn lên, Việt Nam trân quý mọi cơ hội hợp tác và phát triển. Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tới Bỉ diễn ra ngay sau khi hai nước vừa có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa để kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm Đối tác chiến lược về nông nghiệp. Bỉ là một quốc gia nhỏ, dân số chỉ hơn 10 triệu người song tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ rất lớn. Trong chặng đường 50 năm, hai bên đã đẩy mạnh hợp tác trên một số thế mạnh như lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao và thu được những kết quả hết sức tích cực. Bỉ - vốn được mệnh danh là “trái tim của châu Âu”, cũng đã hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và EU như một cửa ngõ vào EU. Tại các cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Stephanie D’Hose, Chủ tịch Hạ viện Eliane Tillieux, đặc biệt là cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các vấn đề châu Âu, ngoại thương và tổ chức văn hóa Bỉ Hadja Lahbib, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đều khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Bỉ, một đối tác quan trọng trong EU và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, nhất là khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, mong muốn phối hợp chặt chẽ đưa hợp tác hai nước lên tầm cao mới. Chuyến thăm hai ngày tới Ireland cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao ta tới Ireland trong 20 năm qua, góp phần đẩy mạnh tin cậy chính trị và thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao hai nước. Theo Đại sứ Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ireland Nguyễn Hoàng Long, trong Chiến lược “Ireland toàn cầu: Triển khai hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2025” (Global Ireland: Delivering in the Asia Pacific region to 2025) được đưa ra vào tháng 1/2020, Ireland coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và trong ASEAN nói riêng. Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực được Ireland đưa vào chương trình hợp tác phát triển quốc tế Irish Aid nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như hành động vì khí hậu, bình đẳng giới, khắc phục hậu quả bom mìn, cộng đồng người dân tộc thiểu số, giáo dục, giao lưu nhân dân… Tinh thần đó tiếp tục được vun đắp và khẳng định tại cuộc hội kiến giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với Tổng thống Michael D. Higgins, gặp gỡ Chủ tịch Thượng viện Jerry Buttimer và Chủ tịch Hạ viện Seán Ó Fearghaíl, đặc biệt là cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ireland Micheál Martin. |
Phía Ireland nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu và dư địa hợp tác song phương trong lĩnh vực này còn rất lớn; khẳng định sẽ xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ireland Micheál Martin đã ký thỏa thuận nhằm tăng cường cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao trong giai đoạn tới. Cây có gốc, Lịch trình dày đặc với bộn bề công việc của đoàn đại biểu Việt Nam không thể thiếu những hoạt động “về nguồn”, những cuộc gặp đầy xúc động với đồng bào đang sống xa Tổ quốc, các cán bộ, nhân viên đang công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. |
Trong các cuộc gặp gỡ với tập thể cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những đóng góp nổi bật của các Cơ quan đại diện, đồng thời dành nhiều thời gian quan tâm lắng nghe, chia sẻ, ghi nhận những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của những cán bộ làm công tác đối ngoại đang công tác xa nhà. Xúc động, đầy ắp sự thân tình cũng là những tình cảm được cảm nhận tại buổi giao lưu, gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với cộng đồng người Việt Nam tại Ireland trong không gian ấm cúng của Nhà hàng ẩm thực Việt Hanoi Hanoi. Mặc cơn mưa to bất chợt trước đó, rất đông bà con người Việt đã đội mưa có mặt từ rất sớm để được đón tiếp và trò chuyện cùng Bộ trưởng. Lòng tự hào dân tộc, cảm xúc ấm áp về nguồn cội, quê hương, tinh thần đoàn kết để vượt khó, vươn lên khẳng định mình và niềm tin tưởng, lạc quan vào tương lai đất nước… là những điều nhiều kiều bào đều cảm nhận rất rõ tại các cuộc gặp này. Dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò, vị thế mới, uy tín quốc tế của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã mang đến những “tin vui” về câu chuyện thành công của đất nước, làm nức lòng cộng đồng những người con dù xa quê hương nhưng tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc thân yêu. |
“Gần 40 năm Đổi mới, theo như lời của Tổng thống Ireland Michael D. Higgins, đã cho thấy những kỳ tích mà thế giới cũng khó đạt được. Đó là bước nhảy vọt về thu nhập bình quân đầu người (GDP) giai đoạn đầu Đổi mới từ mức 80-100 USD/người, đến nay đã gần 4.300 USD/người. Tỷ lệ đói nghèo thời điểm năm 1986 chiếm trên 60% dân số thì ngày hôm nay chỉ còn 3%... Ngoài thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại của Việt Nam cũng đạt được kết quả rất tốt. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả 193 nước của LHQ, là thành viên của 70 tổ chức quốc tế, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, chúng ta không những đứng vững, vượt qua mà điều quan trọng hơn, cả thế giới đều yêu quý Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã cùng lúc nâng cấp quan hệ với nhiều cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin. Bộ trưởng Bùi Thanh sơn cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Bộ Ngoại giao, với tư cách quản lý Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống Cơ quan đại diện, yêu cầu các cơ quan phải coi cộng đồng người Việt Nam như người thân trong gia đình, hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa Việt Nam; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bước đi trong chặng hành trình đối ngoại góp phần xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước sẽ tiếp tục được nối dài trong năm 2024 và thời gian tới. Trên hành trình đó, hai chuyến công tác của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự các hội nghị đa phương quan trọng và nâng tầm quan hệ song phương với hai đối tác quan trọng tại châu Âu trong tháng Hai đóng vai trò như một điểm sáng, một lần nữa khẳng định tầm cao mới của đối ngoại Việt Nam cũng như vị thế mới của đất nước. Thực hiện: Phạm Anh | Thiết kế: Lim Dim | Ảnh: Báo TGVN, TTXVN… |