Tòa nhà lãnh sự Iran ở Syria bị tấn công, ngày 1/4. (Nguồn: AFP) |
Ngày 1/4, cộng đồng quốc tế một lần nữa chấn động khi các máy bay chiến đấu, được cho là của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), đã không kích tòa nhà lãnh sự Iran tại thủ đô Damascus, Syria. Vụ việc đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, bao gồm 7 người Iran và 6 người Syria.
Tin liên quan |
Vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria: Mỹ khẳng định không dính dáng, Israel cảnh giác toàn cầu, liệu có nguy cơ leo thang? |
Phó Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Zahra Ershadi cho biết hiện con số thương vong này chưa phải cuối cùng khi vẫn còn nhiều người mắc kẹt dưới đống đổ nát sau vụ việc. Đại sứ Iran Hossein Akbari không bị thương, song cho biết nhà riêng của ông đã bị “san phẳng” hoàn toàn.
Đáng chú ý, trong số người thiệt mạng có ba quan chức cấp cao của lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, trong đó có Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi. Ông có vai trò then chốt trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và nỗ lực của tổ chức này trong mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Vị tướng trên được cho là cầu nối giữa Iran với lực lượng Hezbollah ở Lebanon cùng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria. Ông cũng là người duy nhất không có quốc tịch Lebanon trong Hội đồng Shura, đầu não của Hezbollah.
Với vụ tấn công vừa qua, Tướng Mohammad Reza Zahedi đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Iran thiệt mạng các vụ tấn công kiểu này từ năm 2020, sau khi Tướng Qassem Soleimani bị quân đội Mỹ ám sát gần sân bay ở Baghdad, Iraq.
Bên quyết liệt, phía lặng im…
Không khó để hình dung phản ứng quyết liệt của Iran trước vụ việc nghiêm trọng hơn khi nó diễn ra tại một cơ quan đại diện ngoại giao của nước này. Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei khẳng định kẻ gây ra vụ việc sẽ “bị trừng phạt dưới tay những người đàn ông dũng cảm chúng ta”. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định: “Chúng ta sẽ không ngó lơ tội ác này”. Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran, cơ quan đầu não của quốc gia Trung Đông, đã lập tức triệu tập họp khẩn trong tối ngày 1/4 và quyết định sẽ có phản ứng “cần thiết” với vụ tấn công.
Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Liên đoàn Arab cùng hàng loạt nước cũng đã chỉ trích vụ tấn công, lo ngại về căng thẳng leo thang tại khu vực.
Ở phía bên kia, tương tự các đợt không kích trước tại Trung Đông, Israel không nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Song theo New York Times (Mỹ), bốn quan chức cấp cao Nhà nước Do Thái giấu tên đã xác nhận Israel đứng sau vụ việc. Về phần mình, trả lời CNN (Mỹ), người phát ngôn của IDF, Chuẩn tướng Daniel Hagari không khẳng định hay phủ nhận Israel thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh: “Theo tình báo của chúng tôi, (toà nhà này) không phải là toà lãnh sự hay đại sứ quán…đây là một toà nhà quân sự núp bóng dân sự của lực lượng Quds tại Damascus”.
Mỹ, đồng minh thân thiết của Israel, cũng duy trì thái độ thận trọng, phó phát ngôn Nhà Trắng Sabrina Singh cho biết theo đánh giá ban đầu, Israel đứng sau vụ tấn công nhắm vào quan chức IRGC. Một quan chức khác của Nhà Trắng cho biết họ chỉ được thông báo khi vụ tấn công đang diễn ra, song không biết địa điểm bị nhắm đến là cơ sở ngoại giao. Trong khi đó, một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phủ nhận mọi sự liên quan của xứ cờ hoa tới vụ tấn công.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Chúng tôi coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ sở ngoại giao và lãnh sự, với quyền bất khả xâm phạm được nêu rõ trong Công ước Vienna, là không thể chấp nhận được”. Moscow kêu gọi Nhà nước Do Thái ngừng “hành động khiêu khích quân sự” ở Syria và láng giềng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Trung Quốc lên án vụ tấn công này. An ninh của các cơ quan ngoại giao là bất khả xâm phạm. Các bên cần tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chỉ trích vụ tấn công, kêu gọi các bên liên quan “hết sức kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng”. Đồng thời, người phát ngôn của ông cảnh báo: “…Mọi tính toàn sai lầm có thể dẫn đến xung đột mở rộng tại một khu vực vốn rất khó lường, với hệ quả nghiêm trọng tới người dân…như tại Syria, Lebanon, lãnh thổ Palestine và Trung Đông”.
Những kịch bản tiếp theo
Nhiều nhà phân tích, chuyên gia cũng chia sẻ nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres.
Ông Ralph Goff, cựu quan chức cấp cao Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đánh giá vụ tấn công là “vô cùng liều lĩnh”. Ông nhận định điều này có thể khiến Iran và các lực lượng liên quan “đẩy căng thẳng leo thang, gây nguy hiểm cho các lực lượng Mỹ tại khu vực”.
Tương tự, ông John Sawers, cựu Giám đốc của Cục tình báo Anh (MI6), nhận định vụ tấn công sẽ gây leo thang căng thẳng, bởi các cơ sở ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng Iran đã tận dụng những quyền lợi này để "tạo nơi trú ẩn an toàn cho các quan chức quân sự cấp cao tại Syria".
Nhà phân tích Steven Cook của Hội đồng Quan hệ Quốc tế tại Washington (Mỹ), nhận định rằng sau vụ việc này, các lực lượng thân Iran ở Iraq và Syria có thể tăng cường tấn công quân Mỹ ở Syria và Iraq. Đồng thời, ông cho biết: “Người Iran có thể thúc giục Hezbollah tăng cường các đợt tấn công vào Israel, vốn đã xuất hiện với tần suất dày hơn và mức độ táo bạo hơn trong thời gian qua”.
Tuy nhiên, chuyên gia Jon Alterman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (Mỹ) lại nghĩ khác. Ông cho rằng Israel coi đợt tấn công này là động thái ngăn chặn và sẽ không dẫn tới xung đột khu vực: “Theo Tel Aviv, nếu họ lùi bước, mối đe doạ sẽ không biến mất, mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Họ cho rằng chừng nào họ có thể duy trì các hoạt động này với tần suất nhất định, đối thủ của họ sẽ bị ngăn chặn”.
Còn tờ New York Times thì cho rằng Iran, thay vì mở ra một cuộc xung đột mới tại khu vực, có thể cân nhắc các biện pháp đáp trả khác như tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng và quân sự Israel, triển khai các đợt pháo kích từ phía Nam Lebanon, ám sát tướng lĩnh IDF, tấn công Đại sứ quán Israel hay đẩy nhanh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hiện nay.
Nhìn chung, giới quan sát có chung nhận định, dù sự đáp trả của Iran với vụ tấn công là gì đi chẳng nữa, nó cũng sẽ khiến quan hệ giữa nước này và Israel nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung lún sâu hơn vào vòng xoáy căng thẳng, xung đột và bạo lực.
| Cố vấn cấp cao tử vong ở Syria, Iran tố Israel, cảnh báo 'trả giá' Reuters dẫn tin từ các nguồn an ninh và truyền thông của nhà nước Iran cho biết, một cố vấn cấp cao của Lực lượng ... |
| Mỹ, Anh dồn dập bắn tên lửa Tomahawk vào lực lượng Houthi tại Yemen Ngày 11/1, Mỹ và Anh bắt đầu tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen để đáp trả các ... |
| Iran công bố 2 hệ thống vũ khí tối tân mới Hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 17/2 đưa tin, nước này đã công bố các loại vũ khí mới, bao gồm hệ thống tên ... |
| Tòa nhà lãnh sự Iran ở Syria bị tấn công tên lửa, chỉ huy cấp cao IRGC tử vong, Nga lên tiếng, bên nào đứng sau? Ngày 1/4, tòa nhà lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus, Syria, bị tấn công tên lửa. |
| Vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria: Mỹ khẳng định không dính dáng, Israel cảnh giác toàn cầu, liệu có nguy cơ leo thang? Ngày 1/4, trang Axios dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Washington khẳng định với Tehran rằng họ "không liên quan" hay biết trước ... |