📞

Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ

08:00 | 21/05/2017
APEC 2107 sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Nhiều người dân Đà Nẵng có thể chưa biết đầy đủ về chủ đề này, nhưng từ hàng chục năm nay, họ đang âm thầm vun đắp cho thành phố trở thành một trong những nơi đáng sống nhất Việt Nam.

Chuyện của anh xe ôm

Tôi vừa trở về từ Đà Nẵng với một tuần trải nghiệm đáng nhớ tại thành phố bên bờ sông Hàn. Tôi còn nhớ, có một lần, đạo diễn - Nghệ sỹ nhân dân Trần Văn Thủy đã kể cho tôi ấn tượng của ông về những người dân bình thường ở Đà Nẵng. Lần này, nhân dịp vào Đà Nẵng dự một Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc, tôi đã có dịp tìm hiểu cho riêng mình.

APEC 2107 sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. (Nguồn: Baodanang)

Trước cổng khách sạn Sài Gòn Turane luôn có vài người chạy xe ôm chờ sẵn. Tôi nói không đi xe, muốn đi bộ, họ chỉ đường rất chu đáo. Nếu họ chèo kéo mời đi xe, chắc tôi đã đi bộ. Nhưng thấy thái độ thân thiện của họ, tôi lại đổi ý muốn đi xe ôm. Bên sông Hàn, đêm Đà Nẵng thật khoáng đạt. Chở tôi đi là một thanh niên tên Nguyễn Văn Triết. Anh kể trước làm ở một công ty trong miền Nam, mới xin thôi việc về quê và chạy xe ôm từ vài hôm nay. Tôi hỏi ở nhiều nơi có lệ “ma cũ bắt nạt ma mới”, làm sao anh được phép chạy xe ôm ở đây. Anh bảo mọi người cũng như mình thôi, cùng là người lao động, khách gặp ai thì người đó chạy, không có chuyện tranh giành. Biết tôn trọng người khác, biết phục vụ chu tất sẽ có việc làm. Dịch vụ tốt sẽ nhận tiền xứng đáng. 

Chia sẻ câu chuyện này của tôi, anh Nghiêm Xuân Lập, Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc kể anh đã dành một ngày đi bộ qua chín cây cầu sông Hàn. Dọc con đường qua chín đầu cầu, tuyệt nhiên không thấy bán hàng rong, không có người chạy theo chèo kéo du khách. Hỏi thăm đường, người dân đều tận tình chỉ dẫn. Có người còn đi theo một đoạn để chỉ đường.

Bà Nà Hill rất đông du khách trong và ngoài nước. Cảnh đẹp đã đành mà Đà Nẵng quảng bá lại rất tốt. Sự quảng bá tốt nhất là mỗi người dân Đà Nẵng đều biết tự trọng và qua sự thật thà, thân thiện của mình, họ đã trở thành Đại sứ cho thành phố thân yêu này.

Nấu như cho bố mẹ ăn

Ai đã đến Đà Nẵng hẳn còn nhớ hương vị ẩm thực đậm đà văn hóa xứ Quảng. Chị Thu Hà ở Dữu Lâu, Việt Trì kể chíp chíp là một món hải sản rất ngon, đặc trưng của Đà Nẵng, mang hương vị vùng biển riêng biệt, chỉ nơi đây mới có. Chị muốn mua một ít về làm quà. Chủ quán nghe giọng Bắc, hỏi chị quê ở đâu, đi bằng phương tiện gì. Khi biết chị Hà quê ở Phú Thọ, đi bằng ô tô, chủ quán đã nói lời xin lỗi, không thể bán cho chị được vì đường xa như thế, khi mang ra Phú Thọ, chíp chíp sẽ ôi, không ăn được.

Kể chuyện này với tôi, chị Hà cứ xuýt xoa mãi sao người Đà Nẵng tử tế thế. Chỗ khác người ta chỉ cần bán, mấy ai lo cho người mua mang về hàng sẽ ra sao. Một chuyện nhỏ nữa cũng khiến chị Hà cứ tấm tắc mãi, con một chị cùng đoàn bị dị ứng, chị này gọi taxi đi mua thuốc. Người lái taxi bảo người mẹ ấy hãy đi bộ vài chục mét đến đầu đường sẽ có tiệm thuốc tây, không cần phải đi taxi tốn kém.

Chị Đào Thị Kim làm cho một công ty du lịch ở Hà Nội. Chị bay vào Đà Nẵng để học hỏi cách làm du lịch. Chị kể chuyện vào quán giải khát, không mặc cả trước, khi trả tiền chỉ 10 nghìn đồng khiến chị tưởng mình nghe nhầm. Nghe giọng vùng miền lạ, lại không mặc cả trước, ở chỗ khác có khi bị “chặt chém” đến nhớ đời. Người Đà Nẵng thì không như vậy. Sự khác biệt này khiến Đà Nẵng luôn được người ta nhớ. Đó cũng là bài học không quên cho chị Kim - một người làm du lịch chuyên nghiệp.

Tôi thì nhớ Đà Nẵng với một quán phở trên đường 30/4 có câu slogan kỳ lạ “Chúng tôi nấu như cho Bố Mẹ mình ăn”. Chưa đến 7 giờ sáng quán đã khá đông khách. Hỏi han được biết họ chủ yếu là khách quen, cũng có người mới đến Đà Nẵng như tôi. Như vậy, quán thu hút khách đâu phải vì câu “châm ngôn gây sốc” của ông chủ Lân Béo. Những thứ hào nhoáng đâu phải đều là vàng, người xứ Quảng thật thà, bộc trực đâu dễ bị thuyết phục bởi cái vẻ bề ngoài. Chính hương vị và sự phục vụ tận tình của nhà hàng đã làm nên thương hiệu.

Trên tường quán phở này có một câu nói được đóng khung trang trọng: “Muốn phát triển, lãnh đạo Đà Nẵng cần hướng cái nhìn về phía người dân, đừng hướng về cái ghế mình đang ngồi”. Đây là lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đọc dòng chữ này khiến tôi muốn đến thăm Trung tâm Hành chính Tp. Đà Nẵng.

Đà Nẵng được coi là một trong những nơi đáng sống nhất Việt Nam. (Nguồn: Baodanang)

Khi người dân đánh giá cán bộ

Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng tọa lạc tại vị trí thuận tiện cho người dân và khách tới liên hệ công tác. Việc các cơ quan hành chính tập trung về đóng tại một tòa nhà, áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, hệ thống hành chính một cửa thông minh ở đây là sự hiện thực hóa kỳ vọng của thành phố Đà Nẵng trong việc xóa bỏ tâm lý e ngại các thủ tục hành chính của người dân, đồng thời xây dựng cho cán bộ nền nếp làm việc văn minh, hiện đại trong lĩnh vực hành chính công.

Người dân có việc đến đây được đón tiếp, hỏi han nhu cầu cụ thể rồi dẫn đến khu vực tiếp nhận, giải quyết công việc nhanh chóng. Chỗ ngồi của người dân có sẵn máy tính bảng để họ đánh giá cán bộ về tinh thần trách nhiệm, mức độ thân thiện, mức độ thành thạo - chuyên nghiệp trong xử lý công việc, mức độ đáp ứng yêu cầu của tổ chức, công dân. Kết quả này được gửi trực tiếp cho Sở Nội vụ để báo cáo UBND thành phố. Chị Nguyễn Hồng Hạnh, chuyên viên Sở Ngoại vụ Đà Nẵng chia sẻ với đồng nghiệp đến từ các Sở Ngoại vụ trong cả nước rằng, chỉ với tinh thần tự giác cao nhất, mỗi cán bộ mới đáp ứng được vị trí, nhiệm vụ của mình. Hoàn thành nhiệm vụ của mình chính là phục vụ người dân được tốt nhất.

Anh Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng ngành du lịch không giống như thương mại, bỏ tiền ra là mang hàng về. Du lịch giống như Ngoại vụ, đây là những lĩnh vực định tính, không rõ định lượng, kết quả sẽ đến sau dăm bảy năm vận động, kết nối, xúc tiến. Du lịch Đà Nẵng có được như ngày hôm nay không phải là chuyện một sớm một chiều, mà nhờ phần lớn vào ý thức của đông đảo người dân. Chính người dân Đà Nẵng đã giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 2017, Việt Nam sẽ đón tiếp hàng chục nghìn đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên từ các nền kinh tế thành viên APEC. Việc ứng xử văn minh, đón chào thân thiện của từng người dân sẽ giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được nét đẹp của nền văn hiến và con người Việt Nam. Một anh chạy xe ôm, chị bán chíp chíp, người bán phở, người công chức… và những người tha thiết yêu Đà Nẵng, biết vun vén cho thành phố bằng những công việc bình dị của mình, họ chính là những đại sứ của du lịch Đà Nẵng và cũng là đại sứ của đất nước Việt Nam đang hội nhập và phát triển. 

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ