Chị Đỗ Thị Kim Hoa cho rằng, người trẻ phải tiên phong chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện. |
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Tháng Thanh niên là dịp thích hợp để tăng cường chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn, phát huy vai trò của thanh niên tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số. Chị đánh giá thế nào về vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện thời gian gần đây?
Chủ đề của Đoàn năm 2023 là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, đặc biệt trong Tháng Thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã áp dụng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Tôi cho rằng, chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện là điều rất cần thiết hiện nay và những năm tới.
Có thể nói, trong thời gian gần đây, các cấp bộ Đoàn, Hội chuyển đổi hình thức triển khai các hoạt động tình nguyện phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và gắn với nhu cầu, nguyện vọng của Đoàn viên, thanh niên trong thời đại “công dân số”. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, công cụ chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực hoạt động tình nguyện.
Trong đó, có thể kể đến như thành lập các đội hình “thanh niên tình nguyện chuyển đổi số vì cộng đồng” để hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận chuyển đổi số như hướng dẫn cài đặt app dân cư, sử dụng giao dịch thanh toán điện tử, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Triển khai các công trình, phần việc thanh niên chuyển đổi số như số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, tuyên truyền cho người dân và thanh thiếu niên về lợi ích của việc chuyển đổi số trong cuộc sống hằng ngày. Giới thiệu cho thanh niên cách tìm kiếm việc làm trên các ứng dụng tìm việc, trao tặng phòng máy tính cho các em học sinh tại các địa bàn khó khăn…
Bên cạnh đó, để hoạt động thanh niên tình nguyện trong thời gian tới hiệu quả, chuyên nghiệp, bền vững, mục tiêu đến năm 2025, 60% cấp bộ Đoàn, Hội áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều phối hoạt động của thanh niên tình nguyện; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 80%.
Đến năm 2025, có ít nhất 60% các hoạt động thanh niên tình nguyện được ghi nhận, cập nhật trên cổng thông tin tình nguyện. Đến năm 2030 đạt 80% các hoạt động thanh niên tình nguyện được ghi nhận, cập nhật trên cổng thông tin tình nguyện.
Đồng thời, khuyến khích Đoàn cấp tỉnh tổ chức ít nhất 2 hoạt động tình nguyện trực tuyến/năm. Tôi cho rằng, mỗi đoàn viên, thanh niên cần là một người trẻ tiên phong chuyển đổi số trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Chưa bao giờ hoạt động tình nguyện lại rầm rộ như trong thời gian vừa qua. Chị có thể chia sẻ về xu hướng mới trong hoạt động tình nguyện thời gian tới?
Trong thời gian tới, phong trào Thanh niên tình nguyện tiếp tục là phong trào chủ lực của Đoàn các cấp. Thông qua đó, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và vì cộng đồng.
Bên cạnh việc tiếp tục phát huy các chiến dịch, chương trình thanh niên tình nguyện truyền thống như Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè, Chiến dịch tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện thì hoạt động tình nguyện sẽ có những xu hướng mới phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ví dụ, có thể kể đến như hoạt động tình nguyện và lực lượng tình nguyện viên, trong đó thanh niên tình nguyện là nòng cốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Sau đại dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi một người dân, mỗi tổ chức, đơn vị cần phát huy tinh thần tình nguyện, trách nhiệm để chung tay, đồng hành hỗ trợ những người dân khó khăn, những người yếu thế ổn định cuộc sống.
Nhu cầu, nguyện vọng, sở thích tham gia hoạt động tình nguyện ngày càng tăng và đa dạng các thành phần, đối tượng, lứa tuổi. Trong đó, thanh niên là lực lượng nòng cốt đòi hỏi phương thức, nội dung tình nguyện cũng cần phải đổi mới, đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của người tham gia tình nguyện.
Hoạt động tình nguyện sẽ có sự liên kết chặt chẽ giữa các lực lượng, địa bàn, cộng đồng. Các hoạt động tình nguyện sẽ bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề cấp bách cần giải quyết tại các địa bàn và được triển khai dài hạn, bền vững.
Chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện sẽ phát triển mạnh mẽ. Hoạt động tình nguyện không chỉ dừng lại ở một quốc gia mà nhiều quốc gia có thể tham gia một dự án, chương trình tình nguyện.
Đứng trước những xu hướng như vậy, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã đưa ra những mục tiêu, nội dung và giải pháp rất cụ thể để tiếp tục phát triển mạnh mẽ phong trào thanh niên tình nguyện trong thời gian tới.
Trao biển tài trợ công trình thanh niên tình nguyện hỗ trợ học sinh các địa bàn khó khăn tỉnh Lạng Sơn. |
Vậy theo chị, cần phải làm gì để hoạt động tình nguyện thực sự hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí?
Theo tôi, chúng ta cần phải làm tốt công tác xây dựng hệ thống quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện từ Trung ương đến cơ sở.
Xây dựng và duy trì bản số tình nguyện để kết nối các nhu cầu, địa chỉ tình nguyện với mong muốn, nguyện vọng tham gia hoạt động tình nguyện. Hoạt động tình nguyện cần được khảo sát, nắm bắt và lên kế hoạch cụ thể. Đa dạng hóa hình thức, nội dung các chương trình, phần việc, hoạt động tình nguyện gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị và các vấn đề cấp bách cần lực lượng tình nguyện tiên phong giải quyết, hỗ trợ.
"Tôi cho rằng, dấn thân luôn phải là một phẩm chất của người trẻ, dấn thân để khẳng định mình, để bơi ra biển lớn, để dám đối đầu, vượt qua mọi thách thức, khó khăn trở ngại, để trở thành phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua". |
Nâng cao năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội các cấp, thủ lĩnh các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm tình nguyện. Triển khai hoạt động tình nguyện theo mô hình “ba liên kết” (liên kết địa bàn, liên kết lực lượng, liên kết cộng đồng).
Tiếp tục tổ chức và phát huy sự tham gia của đoàn viên, thanh niên trong các chiến dịch, chương trình thanh niên tình nguyện như Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Chiến dịch tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện; các hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ.
Đặc biệt, kịp thời tôn vinh, nhân rộng các tấm gương, mô hình tiêu biểu trong hoạt động tình nguyện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai các hoạt động tình nguyện.
Tiên phong, nhạy bén trước thay đổi của tình hình mới, thanh niên luôn là một trong những lực lượng đi đầu trong các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, xã hội. Là người có gần 20 năm đóng góp cho hoạt động thiện nguyện, chị nghĩ gì về sự dấn thân của tuổi trẻ Việt thời nay?
Cá nhân tôi thấy rất tự hào về sự dấn thân của các bạn trẻ hiện nay. Giới trẻ không chỉ dấn thân trong học tập, lao động, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, văn hóa thể thao… mà họ còn dấn thân trong lĩnh vực hoạt động xã hội.
Nhiều bạn trẻ luôn sẵn sàng, tiên phong đến những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân. Nhiều bạn trẻ có những hành động, việc làm đột phá, những giải pháp sáng tạo để tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước, cộng đồng.
Hình ảnh những người trẻ viết đơn tự nguyện vào tâm dịch trong những ngày đất nước ta bị dịch Covid-19 vẫn luôn là hình ảnh sống động nhất về sự dấn thân của người trẻ hôm nay.
Tôi cho rằng, dấn thân luôn phải là một phẩm chất của người trẻ, dấn thân để khẳng định mình, để bơi ra biển lớn, để dám đối đầu, vượt qua mọi thách thức, khó khăn trở ngại, để trở thành phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua.
Nói rộng ra, dấn thân để cống hiến, để dám ước mơ và khát vọng, để biến những điều không thể thành có thể. Nói rộng ra nữa là các bạn trẻ hôm nay không chỉ dấn thân cho chính mình mà còn cần dấn thân để cống hiến, đóng góp sức trẻ của mình cho sự phát triển chung của đất nước, cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho chị Đỗ Thị Kim Hoa. |
Được biết năm 2022, Trung tâm Tình nguyện quốc gia là tổ chức duy nhất tại Việt Nam nhận Giải thưởng Thanh niên Tình nguyện ASEAN, đồng thời là đại diện của Việt Nam tham dự Hội nghị Tình nguyện thế giới tổ chức tại Abu Dhabi. Chị có thể chia sẻ về việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tình nguyện hiện nay?
Hiện nay, Trung tâm đã và đang có mối quan hệ hợp tác rất gắn bó với các tổ chức tình nguyện quốc tế trong khu vực cũng như trên thế giới, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hiệp hội Nỗ lực tình nguyện thế giới, Mạng lưới các nhà lãnh đạo tình nguyện toàn cầu.
Để tăng cường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tình nguyện, Trung tâm cùng các đơn vị chức năng của Trung ương Đoàn sẽ đẩy mạnh tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức thanh niên triển khai các dự án, hoạt động tình nguyện tại Việt Nam, vận động thanh niên, sinh viên nước ngoài đang học tập và công tác tại Việt Nam tham gia các hoạt động tình nguyện.
Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội ngoài nước trong đoàn kết, tập hợp và tổ chức các hoạt động tình nguyện cho lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài; vận động tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế, nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế cho cán bộ Đoàn, Hội các cấp trong hoạt động thanh niên tình nguyện.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế nhằm nâng cao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động tình nguyện.
Không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện từ kinh nghiệm thành công của các tổ chức quốc tế. Mở rộng và phát triển các chương trình, hoạt động tình nguyện quốc tế tại Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam, thanh niên, kiều bào trẻ tại nước ngoài tham gia đóng góp nguồn lực, kỹ thuật, chuyên môn cho các hoạt động tình nguyện vì lợi ích cộng đồng, xã hội tại Việt Nam.
Mặt khác, vận động người Việt Nam, các trí thức và doanh nhân ở nước ngoài tham gia đóng góp nguồn lực, kỹ thuật, chuyên môn cho các hoạt động tình nguyện vì lợi ích cộng đồng, xã hội tại Việt Nam. Tăng cường mở rộng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức trong nước và quốc tế có liên quan, các tổ chức tình nguyện quốc tế; tăng cường triển khai các chương trình, dự án thanh niên tình nguyện song phương, đa phương vì lợi ích cộng đồng, xã hội.
Xin cảm ơn chị!
| Thanh niên là người đi đầu 'mở cửa' kỷ nguyên số TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, ... |
| 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 được vinh danh là những ai? Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ - người chế tạo máy bay không người lái, ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp là một trong ... |
| Chat GPT sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành giáo dục? Các chuyên gia giáo dục đang cân nhắc lợi ích của ChatGPT như một công cụ giáo dục mới so với những nhược điểm của ... |
| TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo về trò lừa đảo mới ở trường học Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo khẩn, khuyến cáo tới các đơn vị trực thuộc về trò lừa đảo mới với ... |
| Vụ hơn 50 học sinh Hà Nội bị ngộ độc sau chuyến dã ngoại: Công an vào cuộc Hơn 50 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có biểu hiện ngộ độc sau khi đi dã ngoại về. |