TS. Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, thanh niên là những người sẽ “mở cửa” kỷ nguyên số. (Nguồn: ĐĐK) |
Thanh niên Việt Nam hiện nay đã thực sự tiên phong, nhạy bén trước thay đổi của tình hình mới dưới góc nhìn của anh?
Chúng ta cần tiếp tục khai thác và tận dụng kỷ nguyên dân số vàng, đặc biệt là phát huy nguồn lực lao động và trí tuệ của thanh niên. Thế hệ thanh niên ngày nay có nhiều ưu điểm hơn các thế hệ trước.
Họ sinh ra, lớn lên, được thụ hưởng rất nhiều thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Điểm mạnh của thanh niên Việt Nam là có điều kiện, cơ hội được học tập, phát triển, phát huy tính năng động, sáng tạo trong học tập, việc làm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động xã hội…
Qua các kết quả nghiên cứu khoa học gần đây của Viện Nghiên cứu Thanh niên cho thấy, thế hệ thanh niên hiện nay khá năng động, chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội làm việc, khẳng định và cống hiến, đặc biệt là các hoạt động lập nghiệp, khởi nghiệp.
Họ sẵn sàng dấn thân vào khoa học và công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ làm kinh tế. Đồng thời, nghiên cứu, sáng tạo, tham gia vào các khu vực kinh tế mới và năng động như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tham gia các hoạt động truyền thông, sáng tạo văn hóa.
Thanh niên cũng thể hiện là thế hệ mới, đa giá trị, vừa giàu lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tham gia tích cực vào quá trình bảo tồn, phát huy và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam. Không chỉ vậy, họ còn học hỏi các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới, đề cao các giá trị công bằng, bình đẳng, tiến bộ và hướng đến hình mẫu công dân toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những thanh niên thiếu kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm thực tế do sống trong môi trường ảo quá nhiều. Một bộ phận bạn trẻ có cảm giác cô đơn, trầm cảm, mất phương hướng. Một số khác lại suy nghĩ quá thực tế, thực dụng, thích hưởng thụ trong khi lại thiếu sự kiên trì hướng đến mục tiêu, không đề cao kỷ luật lao động.
Từ thực tế đó, cần thiết tạo điều kiện bồi dưỡng, để thanh niên tiếp cận cơ hội học tập, phát huy tiềm năng thế nào? Họ đang đón đầu cơ hội cũng như gặp phải thách thức gì trong cuộc sống?
Từ góc độ khoa học, thanh niên là giai đoạn xã hội hóa quan trọng về mặt lao động, trí tuệ, đạo đức để trở thành những người trưởng thành. Họ vừa “học” vừa “hành”, là bộ lọc cho chính bản thân khi lựa chọn cái mình học và học từ nhiều môi trường khác như bạn bè, đồng nghiệp…
Chính vì vậy, việc tạo môi trường để tăng cơ hội học tập và phát huy tiềm năng của thanh niên là rất quan trọng. Hiện nay, Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030 đã có những quy định rõ ràng, giao trách nhiệm cho toàn hệ thống chính trị ở nước ta trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên.
Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong thực tiễn và đưa ra các giải pháp đột phá. Từ đó, vừa chăm lo, đào tạo thanh niên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ trí tuệ, đạo đức. Ngoài ra, phải khai thác, sử dụng được hiệu quả nguồn lực con người quý giá này cho sự phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, thanh niên hiện nay cũng vấp phải khá nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Nhiều người thiếu cơ hội học tập như mong đợi của họ, thiếu cơ hội làm việc, cống hiến đúng với sức mình. Nhiều bạn trẻ có thu nhập thấp, kinh tế khó khăn, thiếu sự hỗ trợ, đỡ đầu về các ý tưởng sáng tạo, thiếu điều kiện vui chơi, giải trí và sống trong môi trường thông tin mạng không an toàn.
Thời đại ngày nay luôn đặt thanh niên đối mặt với nhiều vấn đề cả tích cực và tiêu cực, cũng như trong tâm thế phải “lớn sớm” hơn so với trước đây.
Nhiều công trình, giá trị mới trong học tập, lao động, khởi nghiệp đã được thực hiện từ ý tưởng sáng tạo của thanh niên. Theo anh, cần trang bị cho thanh niên những hiểu biết, kỹ năng gì để tận dụng tốt hơn nữa công nghệ số cho việc học tập cũng như lập nghiệp?
Với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức Đoàn, rất nhiều thanh niên đã có cơ hội tiếp cận các chương trình hành động, khởi nghiệp thành công và phổ biến được các cách làm hay, việc làm tốt, mô hình hiệu quả trên diện rộng.
Nghị quyết Đại hội XII của Đoàn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hành động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn, trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên, bảo trợ ý tưởng sáng tạo của thanh niên, khuyến khích thanh niên ứng dụng công nghệ số trong khởi nghiệp, kết nối ý tưởng thanh niên với thị trường lao động, việc làm…
Đoàn Thanh niên cũng đã xác định chuyển đổi số, nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên là một trong những nội dung, chương trình hành động quan trọng của nhiệm kỳ đại hội đoàn XII (2022-2027).
Để tăng cường năng lực số cho thanh niên đáp ứng được những yêu cầu phát triển đất nước, tôi cho rằng trong thời gian tới cần xác định những mục tiêu ưu tiên. Trong đó, trang bị cho thanh niên những hiểu biết, kỹ năng làm việc cơ bản trên môi trường số, thụ hưởng thành tựu của cách mạng số mà còn cần thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ số của thanh niên.
Bởi không ai khác, chính thanh niên là những người đi đầu, “đầu tàu”, tạo nên thành công của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thanh niên là lực lượng xã hội hùng hậu, có sức khỏe, trình độ học vấn, tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại. Trong xu thế toàn cầu hóa, anh kỳ vọng gì ở lực lượng thanh niên?
Có lẽ, các thế hệ đi trước đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào thanh niên hiện nay – thế hệ gắn với phát triển đất nước, sự đột phá, đưa đất nước trở thành quốc gia hùng cường. Muốn vậy, bên cạnh tất cả các chính sách hướng về thanh niên, coi thanh niên là trung tâm của chính sách thì chính bản thân họ cũng phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Đồng thời, họ phải không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến và tham gia các hoạt động chính trị - xã hội có ý nghĩa.
Hơn nữa, thanh niên cũng cần có suy nghĩ lớn, có lý tưởng, mục đích, phương châm sống và hành động rõ ràng, gắn sự phát triển của cá nhân mình với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
| Làm sao để trẻ luôn tìm thấy hạnh phúc? Ngày quốc tế Hạnh phúc, làm sao để trẻ luôn tìm thấy sự lạc quan và hạnh phúc trong cuộc sống và cả chuyện học ... |
| Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Cần ‘biết đủ’ để đi tới hạnh phúc! GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bài học “biết đủ” để hạnh phúc ... |
| TP. Hồ Chí Minh: 21.000 học sinh đang thiếu mã định danh Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 21.000 học sinh chưa xác định được mã định danh. |
| Quy định tổ chức xét tuyển và thi tốt nghiệp THPT tại một số nước lớn trên thế giới Tại Mỹ, học sinh THPT cần hoàn thành một số tín chỉ nhất định để tốt nghiệp, trong khi tại Nhật Bản, học sinh THPT ... |