GS. TS. Huỳnh Văn Sơn nêu quan điểm, mỗi người cần học cách buông bỏ những thứ không cần thiết để ngày nào cũng là ngày hạnh phúc. (Ảnh: NVCC) |
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) hiện đã được 193 nước ủng hộ nhằm thúc đẩy những điều tích cực được lan tỏa khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, Covid-19 đã qua đi, mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội đều đã trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường. Nhiều người cho rằng, “biết đủ” sẽ hạnh phúc. Nhưng điều quan trọng là cần phải học cách “biết đủ” thế nào?
Bài học “biết đủ” để hạnh phúc quả không phải là đơn giản. Có lẽ, bản thân chúng ta đều đang cố gắng học để cảm nhận đủ, biết đủ và sống với mức đủ ấy.
Tôi đồng ý bài học “biết đủ” để hạnh phúc có thể ai cũng đã được nghe nhưng trong thực tế không phải ai cũng có thể làm được. Vì nhu cầu và cách mỗi cá nhân cảm nhận về những khoảnh khắc cảm xúc của hiện tại, cũng như sự hiểu biết của họ về hạnh phúc, cảm giác “đủ đầy”, thỏa mãn là khác nhau.
Có thể với bạn, hạnh phúc là được sống trong một ngôi nhà và gia đình mình mong muốn. Nhưng với một người khác, họ hạnh phúc khi cảm thấy bản thân đã hoàn thành được những gì mình đặt mục tiêu, phấn đấu.
Một bạn khác lại có quan điểm rằng, hạnh phúc đơn thuần chỉ là khi có nhiều cảm xúc tích cực hơn tiêu cực.
Do đó, khái niệm “biết đủ” ở đây hàm chứa nội dung của sự thỏa mãn và hài lòng với tất cả trải nghiệm và kinh nghiệm của một cá nhân ở thời điểm họ chia sẻ về cảm nhận hạnh phúc của bản thân.
Có thể “hiểu đủ” bắt đầu từ nhận thức mục tiêu và cảm nhận đúng nhất về mục tiêu để điều chỉnh vừa sức. Hay biết đủ khi cá nhân mạnh dạn thay đổi bằng cách buông bỏ những gì không quá cần với mình, không nhất thiết phải cố mãi.
Hành động đủ bằng cách biết điều tiết các đòi hỏi của cá nhân, để hành động có đích đến và cân bằng giữa các nhu cầu của chính mình, tránh đi những nhu cầu ảo hay những thứ không làm cho chúng ta thật sự hạnh phúc.
Hạnh phúc không chỉ đến vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc mà chúng ta còn có thể nỗ lực để tự biến cuộc sống của mình được hưởng trọn vẹn 365 ngày hạnh phúc trong năm. Theo ông, những điều cần làm để hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc là kết quả tích cực có ý nghĩa đối với cá nhân, nó cho chúng ta biết rằng cá nhân đó nhận thức được cuộc sống của họ đang diễn ra tốt đẹp và cảm thấy hài lòng, vui vẻ về điều đó. Điều kiện sống tốt (nhà ở, việc làm, mối quan hệ…) là yếu tố cơ bản để có được cảm nhận hạnh phúc.
Hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là điều dễ dàng đạt được chỉ với một, hai câu nói, hành động.
Do đó, để cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống, tôi xin được chia sẻ về mô hình PERMA với 5 yếu tố tạo nên nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc.
Thứ nhất, cảm xúc tích cực (P – Positive emotion). Đó là khi ta chia sẻ với những người xung quanh. Tạo dựng ký ức, hình ảnh tinh thần hoặc vật kỷ niệm về sự kiện và hồi tưởng về nó sau này với người khác. Suy ngẫm về những điều bạn biết ơn và những gì đang diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống của mình.
Thứ hai, sự gắn kết (E – Engagement). Tham gia vào các hoạt động bạn thực sự yêu thích, nơi mà bạn không để ý đến thời gian khi thực hiện chúng. Dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên, nhìn ngắm, lắng nghe và quan sát những gì đang xảy ra xung quanh. Xác định và tìm hiểu về điểm mạnh trong tính cách của bạn, đồng thời làm những việc mà bạn giỏi.
Thứ ba, mối quan hệ tích cực (R – Positive Relationships). Tham gia một lớp học hoặc nhóm mà bạn quan tâm. Tạo mối quan hệ bạn bè với những người bạn quen biết…
Thứ tư, ý nghĩa (M – Meaning). Hãy tham gia vào một công việc hoặc tổ chức quan trọng với bạn. Hãy thử các hoạt động mới, sáng tạo để tìm những thứ mà bạn muốn kết nối. Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể sử dụng niềm đam mê để giúp đỡ người khác. Dành thời gian chất lượng với những người bạn quan tâm.
Thứ năm, thành tích (A – Achievements). Suy ngẫm về những thành công trong quá khứ, hãy tìm những cách sáng tạo để ăn mừng thành tích của bạn và tự khen thưởng sự nỗ lực của chính mình.
Điều hạnh phúc nhất là tận hưởng những niềm vui mà cuộc sống đưa lại, từ công việc đến các mối quan hệ. Theo ông, muốn tìm hạnh phúc thì mỗi người có cần phải định ra thang điểm hạnh phúc của mình hay không?
Có thể hiểu, cảm nhận hạnh phúc bao gồm sự hiện diện của những cảm xúc và tâm trạng tích cực, không có cảm xúc tiêu cực, mà là sự hài lòng với cuộc sống, sự hoàn thành và hoạt động tích cực. Cảm nhận hạnh phúc gắn liền với nhiều lợi ích liên quan đến sức khỏe, công việc, gia đình và kinh tế như là những lựa chọn.
Khi đau khổ, ta mới quý trọng hơn những giá trị hiện hữu. Khi buồn, ta mới yêu thương những khoảng thời gian vui vẻ cùng nhau. Hay chúng ta có thể nhận ra rằng, cảm nhận hạnh phúc cao hơn có liên quan đến giảm nguy cơ bệnh tật, ốm đau và thương tích. Những cá nhân có cảm nhận hạnh phúc cao sẽ làm việc hiệu quả hơn và có nhiều khả năng đóng góp cho cộng đồng hơn.
Trong thực tế, mỗi con người đều mong mỏi chủ động trong hành trình đi tìm hạnh phúc, đó chính là tận hưởng những niềm vui mà cuộc sống mang lại, từ công việc đến các mối quan hệ một cách hiệu quả nhất, vừa sức nhất.
Việc mỗi cá nhân định ra thang điểm hạnh phúc là cần thiết nếu xét định lượng và phù hợp nếu xét trên bình diện định tính. Tuy nhiên, ngay cả định lượng và tính này đã có sự giao nhau. Mấu chốt vấn đề là nên biết cách xây dựng thang điểm này dựa trên những tiêu chí về cảm xúc tích cực, sự hài lòng và mãn nguyện của mình đối với các đối tượng cuộc sống.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ hạnh phúc không phải là đặc điểm tâm lý lâu dài, vĩnh viễn mà là một trạng thái có thể thay đổi. Cho nên, hành trình này cần nhất vẫn phải giúp cá nhân đủ sức khỏe tinh thần, biết chủ động điều chỉnh hay biết vượt qua thách thức nếu có.
Để xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết ở đây theo ông là gì?
Trước hết, cần giới hạn cách hiểu về trường học hạnh phúc để tránh những “độ vênh” trong suy nghĩ và thái độ hay hành động. Theo cách hiểu của tôi, trường học hạnh phúc là một không gian học đường thiết thực, thân thiện, an toàn.
Đồng thời, tạo điều kiện để học sinh được yêu thương, tôn trọng, được bảo vệ và được tạo điều kiện để thực hiện các quyền của mình, có nhận thức tích cực về các mối quan hệ trường học.
Bên cạnh đó, các em được trải nghiệm những cảm xúc tích cực, thực hiện được những hành vi tích cực giúp mỗi cá nhân người học lẫn người dạy trong môi trường đó ý thức hơn về ý nghĩa và mục tiêu cuộc sống của mình. Từ đó, tăng cường sự hiểu biết, niềm tin vào bản thân, bạn bè và các mối quan hệ xã hội ở trường học, hướng đến một cộng đồng hạnh phúc ở cấp độ cá nhân và xã hội.
Với những thách thức và yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, để xây dựng một trường học hạnh phúc, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là hiệu trưởng phải có trách nhiệm lôi cuốn những người đi theo mình, phải có khả năng tác động đến từng giáo viên, nhân viên và cả học sinh trong nhà trường.
Đồng thời, hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong việc định hình mô hình trường học hạnh phúc cho chính ngôi trường của mình. Thực hiện trách nhiệm lãnh đạo nhà trường, cán bộ quản lý tác động vào suy nghĩ, hành vi của cán bộ, giáo viên, học sinh để họ hoạt động theo những mục tiêu chung của nhà trường. Hiệu trưởng trong nhà trường vừa giữ vai trò của một nhà quản lý nhà trường, vừa là người đưa ra ý tưởng, quan điểm, vừa là người tổ chức để xây dựng nhà trường theo mô hình trường học hạnh phúc đã xác định.
Trường học hạnh phúc vẫn phải dựa trên sự nhận thức về các tiêu chí hạnh phúc, cảm nhận về hạnh phúc của từng bên và các bên có liên quan nhưng cần hướng đến hạnh phúc đích thực của học sinh, để chúng ta cùng hành động thì mới là sự lựa chọn cần thiết và có đích đến.
Xin cảm ơn ông!
| Giáo dục cần chuyển mình trước 'cơn bão' ChatGPT Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương-nhà sáng lập Trường Tomato Children's Home và đưa mô hình “trường học kiến tạo” về Việt Nam ... |
| Để dạy thật, học thật trong giáo dục không dừng ở lời kêu gọi Muốn dạy thật học thật, xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của nhà quản ... |
| GS. Nguyễn Lân Dũng: Người trẻ phải học không ngừng, có năng lực thích ứng trong 'cơn bão' công nghệ Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, trong thế giới VUCA, người trẻ cần phải học và cập nhật liên tục, tiến tới có một năng lực ... |
| Trường Đại học Thương mại đạt chuẩn kiểm định chất lượng tất cả chương trình đào tạo Trường ĐH Thương mại trở thành trường đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn kiểm định chất lượng tất cả các chương trình đào tạo ... |
| Làm sao để trẻ luôn tìm thấy hạnh phúc? Ngày Quốc tế Hạnh phúc, làm sao để trẻ luôn tìm thấy sự lạc quan và hạnh phúc trong cuộc sống và cả chuyện học ... |