Trong những năm gần đây, ngoại giao văn hóa đã giúp thế giới khám phá nhiều hơn về lịch sử, con người và cảnh quan ngoạn mục của Mông Cổ. Dàn nhạc Morin Khuur thu hút khán giả ở Pháp hay buổi biểu diễn Thành Cát Tư Hãn cháy vé ở nhà hát West End (London) cho thấy những câu chuyện về di sản và lối sống du mục của người Mông Cổ có thể thu hút sự chú ý của thế giới như thế nào.
Tiếp nối những thành công này, đất nước thảo nguyên đang thúc đẩy một kỷ nguyên ngoại giao văn hóa mới. Chính phủ Mông Cổ đã khởi động một sáng kiến toàn diện để quảng bá di sản văn hóa của mình trên toàn cầu thông qua hợp tác với các tổ chức quốc tế danh tiếng và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận rộng rãi tới nhiều đối tượng hơn.
Mông Cổ "bắt tay" với câu lạc bộ Fulham FC nhằm đưa “GoMongolia” đến với đông đảo người hâm mộ bóng đá. (Nguồn: Modern Diplomacy) |
Trong một động thái mang tính đột phá, Mông Cổ đã hợp tác với Fulham FC, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của Anh đang thi đấu tại Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, có trụ sở đặt tại London, Anh. Sự hợp tác này giúp đưa thương hiệu du lịch “GoMongolia” xuất hiện nổi bật trong các trận đấu bóng đá, tận dụng lượng khán giả khổng lồ của môn thể thao này để giới thiệu văn hóa độc đáo của quốc gia Đông Á này đến khán giả châu Âu.
Ngoài ra, Mông Cổ còn thiết lập quan hệ đối tác truyền thông mới với hãng tin quốc tế BBC. Thông qua hợp tác toàn diện, độc giả của BBC trên toàn cầu sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về tiềm năng du lịch và đầu tư của Mông Cổ. Từ vẻ đẹp hùng vĩ của thảo nguyên bao la đến sự sôi động của thủ đô, các phóng viên của hãng tin này sẽ giới thiệu Mông Cổ đến khán giả quốc tế, khắc họa bức tranh toàn cảnh về một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn.
Bên cạnh đó, Mông Cổ đang tiên phong trong việc khai thác tiềm năng của mạng xã hội để quảng bá du lịch tới bạn bè quốc tế. Các quan chức chính phủ nước này, nổi bật là Bộ trưởng Văn hóa Nomin Chinbat, đang tận dụng hiệu quả các nền tảng như Instagram, Twitter và Facebook để giới thiệu di sản văn hóa phong phú của đất nước.
Thông qua những bài đăng về các địa danh nổi tiếng như bảo tàng Thành Cát Tư Hãn và các lễ hội truyền thống, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của Mông Cổ mà còn có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về tâm hồn và lối sống độc đáo của người dân bản địa.
Các quan chức chính phủ như Bộ trưởng Văn hóa Nomin Chinbat tích cực quảng bá hình ảnh đất nước và con người Mông Cổ thông qua các kênh mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình) |
Những sáng kiến này đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong chính sách ngoại giao văn hóa của Mông Cổ. Thay vì chỉ tập trung vào việc kết nối các quan chức Mông Cổ với các nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức các sự kiện quy mô lớn, Mông Cổ đã chuyển sang sử dụng các hình thức “ngoại giao mềm” thông qua kỹ thuật số. Điều này cho phép Mông Cổ giới thiệu vẻ đẹp lịch sử, cảnh quan và văn hóa của đất nước đến với những khán giả ở khắp nơi trên thế giới, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế.
Bằng cách tận dụng các hợp tác sáng tạo và nền tảng kỹ thuật số, Mông Cổ hy vọng sẽ tạo ra một ảnh hưởng đáng kể trên trường quốc tế, khai thác tối ưu sự chú ý đến những kho báu văn hóa và cơ hội kinh tế đầy tiềm năng trong đó.