Được biết, vừa qua, Đại sứ quán Romania tại Việt Nam đã tổ chức một sự kiện giới thiệu sản phẩm rượu truyền thống và nước quả lên men của Romania. Đại sứ mong muốn các sản phẩm của Romania sẽ đến với người tiêu dùng Việt Nam như thế nào?
Đại sứ Valeriu Arteni: Tổ chức sự kiện nói trên, tôi muốn tạo cơ hội cho một tập đoàn lớn nhất về sản xuất rượu truyền thống của Romania giới thiệu và phát triển thị trường tại Việt Nam. Đây là một thương hiệu đã giành được uy tín trên thị trường quốc tế, với những sản phẩm đồ uống làm từ trái cây, được sản xuất và đóng gói tại các tại các địa phương như Constanta, Ploiesti, Radauti... của chúng tôi.
Trong sự kiện này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tới tham dự và có những nhận xét, đánh giá tích cực sau khi thưởng thức một phần của ẩm thực Romania này. Điều khiến tôi tâm đắc nhất là các sản phẩm này đều được chế biến từ các loại trái cây Romania, trong đó có nhiều loại quả rừng với hương vị rất đặc biệt.
Chúng tôi có táo, lê, mơ, mận hay cherry chua... là những trái cây phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt, giá bán phải chăng và dễ vận chuyển. Đặc biệt, chúng tôi còn có nhiều loại mận rất ngon.
Đại sứ Romania tại Việt Nam Valeriu Arteni và Phu nhân. |
Đại sứ nghĩ sao về trái cây của Việt Nam?
Các bạn có quá nhiều loại trái cây tuyệt vời và tôi mong nhiều người dân Romania có cơ hội thưởng thức trái cây Việt Nam. Những loại hoa quả như vải, xoài, dứa... của các bạn đều có hương vị tuyệt vời.
Các loại trái cây của Việt Nam đều có thời gian bảo quản ngắn và chỉ đạt độ ngọt và hương vị xuất sắc khi được hái ở giai đoạn gần chín và thưởng thức khi đã chín. Nếu nghĩ đến xuất khẩu trái cây, các bạn cần xem xét tổ chức những chuyến bay vận tải để đảm bảo tối đa độ tươi ngon của trái cây.
Đa số người Romania đều không biết quả xoài – mà theo tôi là "nữ hoàng trái cây" của Việt Nam - thơm ngon biết bao khi chín tự nhiên. Đa số sản phẩm xoài nhập vào Romania đều được hái khi còn tương đối xanh và khi bị chín ép sẽ không ngon. Nếu các bạn có thể vận chuyển bằng máy bay, khi trái xoài gần chín – thì người tiêu dùng Romania sẽ được thưởng thức vị ngon tuyệt vời của nó thì họ sẽ rất thích.
Cách đây vài năm, Đại sứ đã cùng Đại sứ các nước tới thăm vùng trồng vải xuất khẩu tại Bắc Giang. Ngài nghĩ sao về ý tưởng quả vải Việt Nam đến với người tiêu dùng Romania?
Quả vải của Việt Nam rất ngon. Nó không quá ngọt so với khẩu vị của người Romania và vị thơm đặc biệt của nó thật quyến rũ. Nếu các bạn muốn giới thiệu quả vải tại Romania thì vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Bucharest có tính chất quan trọng quyết định. Trước khi mùa vải bắt đầu, các bạn cần tổ chức các sự kiện giới thiệu và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Romania.
Khi vải chín, các bạn phải chuyển được vải tươi sang Romania càng nhanh càng tốt và tổ chức các sự kiện để người dân có cơ hội tiếp cận với quả vải tươi của các bạn. Cùng với đó, các bạn kết hợp với các hệ thống phân phối ở Romania để đưa vào các siêu thị.
Chưa nói đến các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì vấn đề vận chuyển đang là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đại sứ có chia sẻ gì về điều này?
Như tôi đã nói ở trên, do thời gian bảo quản ngắn nên trái cây Việt Nam cần được vận chuyển bằng máy bay vận tải. Điều đó sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên, tôi được biết, ở thị trường Việt Nam, các loại trái cây này có giá rất phải chăng. Vì vậy, tôi nghĩ, nếu vận chuyển đến thị trường châu Âu nói chung hoặc Romania nói riêng thì vẫn có thể bán được bởi giá cả không bị “đội” lên quá cao so với các loại trái cây cùng loại được nhập khẩu từ các nước khác.
Chẳng hạn, với quả vải, nếu được bán với giá không quá 5 USD/kg ở Romania thì các bạn sẽ bán rất chạy. Các bạn có thể nghĩ giá đó sau khi trừ chi phí sẽ không lãi nhiều, nhưng thay vào đó, các bạn sẽ bán được số lượng lớn.
Đại sứ có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam?
Tôi thấy, hầu hết các loại trái cây Việt Nam đều có thể xuất khẩu vào Romania nếu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu. Tôi thấy các nhà sản xuất nông sản của Việt Nam nắm khá rõ các điều kiện này khi họ có ý định đưa sản phẩm của mình vào thị trường châu Âu.
Theo tôi, các bạn nên quan tâm đến việc xuất khẩu vào Romania vì khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, phê chuẩn và thực thi thì một số hàng rào thuế quan không còn nữa. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó. Các đại sứ quán, các thương vụ... cần nghiên cứu thị trường rất kỹ và chuẩn bị cho việc tiến vào thị trường rộng lớn này khi hàng rào thuế quan không còn.
Hiện nay, nhiều địa phương Việt Nam đã có hợp tác với các địa phương của Romania như tỉnh Lào Cai với tỉnh Hunedoara, thành phố Đà Nẵng với thành phố Timisoara, thủ đô Hà Nội với thủ đô Bucharest, tỉnh Bến Tre với tỉnh Tulcea… Đây là những xuất phát điểm rất tốt. Từ đây, các địa phương có thể trực tiếp giới thiệu các sản phẩm của mình tới thị trường của nhau.
Xin cảm ơn Đại sứ!