TIN LIÊN QUAN | |
Nicaragua coi Việt Nam là bạn bè, đối tác quan trọng ở khu vực | |
Long trọng kỷ niệm Quốc khánh Vương quốc Morocco tại Hà Nội |
Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi đã có nhận định như vậy khi trao đổi với Báo TG&VN về tiềm năng hợp tác giữa Morocco và Việt Nam trong thời gian tới.
Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi. (Ảnh: Quang Đào) |
Đại sứ có thể cho biết về thị trường Morocco và những đặc điểm có thể thu hút nhà đầu tư?
Morocco được xếp ở vị trí thứ hai trong số những nước châu Phi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bởi nhiều lý do:
Thứ nhất, như các bạn đã biết, Morocco được biết đến như một hình mẫu lý tưởng về sự ổn định chính trị trong khu vực. Sự ổn định kinh tế vĩ mô và vị trí địa lý đặc biệt cũng khiến Morocco trở thành một đất nước sản xuất và đầu tư mở rộng ở châu Âu, các nước Arab ở khu vực Địa Trung Hải, Bắc Đại Tây Dương và châu Phi. Sự gần gũi về mặt địa lý giữa các thị trường này cùng với lực lượng lao động có chuyên môn cũng là những yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp lựa chọn Morocco làm điểm đến đầu tư lý tưởng.
Thứ hai, đó là mức độ mở cửa thị trường Morocco đang đạt mức 62%, khung pháp lý cho phép đầu tư nước ngoài hưởng nhiều quyền lợi và ưu đãi giống như đầu tư trong nước (chủ yếu là quyền tự do thu về tất cả lợi nhuận, cổ tức và vốn đầu tư) cũng là những yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư.
Hơn nữa, việc qui định về thành lập công ty trong thời gian ngắn nhất của Châu Phi tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng chi nhánh ở Morocco, thêm vào đó là chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông, bến cảng, sân bay, mạng lưới liên lạc và viễn thông rất ổn định.
Thứ ba, Morocco đã thông qua những chiến lược phát triển ngành để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó phải kể đến ''Kế hoạch đẩy mạnh công nghiệp''có mục đích phát triển ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và điện tử; ''Kế hoạch phát triển'' trong lĩnh vực dệt may và may mặc khi Morocco đang có ưu thế là đất nước đồng sản xuất; ''Tầm nhìn 2020'' trong lĩnh vực du lịch, một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội của Morocco; ''Chiến lược năng lượng quốc gia'' với mục tiêu sản xuất 50% năng lượng tái tạo từ nay cho đến năm 2030; ''Kế hoạch Halieutis'' về khai thác bền vững các nguồn đánh bắt hải sản; Dự án ''Morocco thời đại số'' nhằm biến Morocco trở thành một trong ba nước đứng đầu khu vực Trung Đông - châu Phi về cơ sở hạ tầng dữ liệu và môi trường kinh doanh IT, tăng gấp đôi số lượng chuyên gia công nghệ số được đào tạo mỗi năm tại Morocco, tiến tới con số 30000 chuyên gia được đào tạo hàng năm vào năm 2020.
Thứ tư, Morocco đã ký kết một mạng lưới rộng lớn các Hiệp định thương mại tự do, cho phép nhà đầu tư tiếp cận thị trường hơn một tỷ người tiêu dùng tiềm năng.
Theo Đại sứ, thị trường Morocco và Việt Nam có điểm tương đồng nào? Từ đó, Đại sứ nghĩ thế nào về những tiềm năng của hai nước trong việc trao đổi cơ hội hợp tác nhằm tăng cường trao đổi thương mại với nhau?
Morocco và Việt Nam có chung tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại nhờ những thành tựu đáng kể trong quan hệ song phương những năm qua. Cụ thể như từ thành công của những chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Mounia Boucetta tháng 4/2018, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki tháng 12/2017. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Morocco như chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tháng 3/2019 và chuyến thăm của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Văn Thưởng vào tháng 6/2019.
Bên cạnh đó, Morocco và Việt Nam có những điểm tương đồng về địa chính trị, Morocco là cửa ngõ của châu Phi và châu Âu, còn Việt Nam là cửa ngõ của Đông Nam Á. Là những nền kinh tế mới nổi, năng động, hai nước có mức độ tăng trưởng kinh tế ổn định và chính sách đa dạng hóa đối tác thương mại, tăng cường khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực. Đây đều là những nhân tố góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác và liên kết của hai quốc gia trong tương lai.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại được ký kết mới đây giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương và Kinh tế số của Morocco nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như năng lượng tái tạo, dệt may, may mặc, công nghiệp điện tử và cơ khí, công nghiệp hóa học và sản xuất phân bón… cũng góp phần mở ra cơ hội hợp tác thương mại giữa hai nước.
Việc hiện thực hóa nguyện vọng thúc đẩy trao đổi thương mại và quan hệ đối tác kinh tế cần phải có sự quan tâm của cả hai quốc gia để tạo cơ hội tiếp xúc giữa các tác nhân kinh tế. Hai bên cần tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp Morocco - Việt Nam để tạo tăng cường hiểu biết thêm về kinh tế hai nước và mở ra những cơ hội hợp tác song phương. Bên cạnh đó, Morocco và Việt Nam cần phải thường xuyên tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, thúc đẩy du lịch, giao lưu văn hóa để có thể tăng cường hiểu biết lẫn nhau và trao đổi thương mại giữa hai quốc gia.
Morocco là đối tác lớn của Việt Nam tại châu Phi. (Nguồn: handluggageonly.co.uk) |
Vậy, Đại sứ có thể cho biết những sản phẩm nào của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Morocco và ngược lại?
Những sản phẩm có khả năng xuất khẩu mạnh của hai quốc gia bao gồm cà phê, hạt tiêu, chà là, olive, hải sản, sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép, vải sợi, điện thoại di động, máy tính và một số thiết bị điện tử khác.
Không chỉ thế, việc trao đổi kinh nghiệm, thành lập các công ty liên doanh và chuyển giao công nghệ là điều cần thiết để thúc đẩy trao đổi thương mại, góp phần tăng cường hợp tác song phương của Morocco và Việt Nam.
Morocco có thể là cầu nối để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi khác không, thưa Đại sứ?
Morocco luôn ủng hộ sự hợp tác khu vực giữa các nước Arab. Morocco là quốc gia khởi xướng Hiệp định Agadir, một Hiệp định về tự do mậu dịch giữa Morocco, Tunisia, Ai Cập và Jordan.
Được ký kết năm 2001, Hiệp định có mục tiêu tăng cường mậu dịch giữa các nước thành viên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp. Kể từ ngày ký kết, kim ngạch xuất khẩu của Morocco sang các nước thành viên tăng lên 50%.
Morocco cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược đa phương diện với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Mối quan hệ hợp tác này đã tạo đà phát triển mạnh mẽ và góp phần đa dạng hóa mối quan hệ giữa hai bên. Từ đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài các nước thành viên trong Hội đồng đã tăng từ 11.8 lên 27% và nguồn thu từ du lịch tăng từ 5 đến 8.7%.
Đối với các nước châu Phi, Morocco luôn đặt châu lục này ở vị trí hàng đầu trong những ưu tiên phát triển của quốc gia. Morocco đã thông qua một sách lược ngoại giao với mục tiêu phát triển mô hình hợp tác với tất cả các nước châu Phi trên nền tảng cùng phát triển, thúc đẩy đoàn kết khu vực và củng cố hơn nữa phương diện xã hội và con người.
Hiện tại, Morocco đang là nhà đầu tư số một tại Đông Phi và đứng thứ hai trong châu lục. Morocco cũng đang tham gia đầu tư trong nhiều lĩnh vực ở châu Phi, ví dụ như ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, viễn thông…; tiến hành hợp tác và phát triển năng lực trong nhiều lĩnh vực ưu tiên như nước sạch, vệ sinh, hải quan, quản lý cảng hàng không…
Tỉ lệ tăng trưởng cao và nhu cầu ngày càng lớn tại các nước Đông Phi đã tạo không gian cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cường quốc đang mong muốn đầu tư vào châu Phi. Vì vậy, Morocco và Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác, thông qua các dự án liên kết và hợp tác kinh tế, kỹ thuật ba bên tại châu Phi, dựa theo những sáng kiến do Morocco khởi xướng với các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Morocco Chiều 28/3 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Rabat, Vương quốc Morocco, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Morocco, ... |
Việt Nam và Morocco có nhiều điểm tương đồng để thúc đẩy mối quan hệ hai nước Sáng 28/3 (theo giờ địa phương), ngay sau khi kết thúc cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch ... |
Đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư Việt Nam - Morocco Morocco đề nghị hai bên xem xét tái khởi động Hội đồng doanh nghiệp song phương và thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực ... |