Tâm sự ấy của ni sư Thích Nữ Trí Thuận tại Đại hội Cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal lần thứ nhất, ngày 18/6 tại New Delhi, cũng là nỗi niềm chung của bà con người Việt đang sinh sống tại Ấn Độ và Nepal…
Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại sự kiện. |
Hơn 50 bà con và tăng ni sinh, đến từ những vùng đất xa như Kathmandu (Nepal) hay Bodhgaya, Varanasi, Chennai, Guwahati (Ấn Độ) lần đầu tiên cùng ngồi với nhau tại New Delhi. Những câu chuyện dường như bất tận về vui buồn trong cuộc sống. Nỗi gian truân trong quá trình vận động xây chùa Việt ở Varanasi của Sư Thích Tường Quang. Giây phút “nghẹn tim” với trận động đất ở Kathmandu năm 2015 của chị Nguyễn Thị Thanh Mai. Nỗ lực tổ chức các sự kiện để giúp các bạn Ấn hiểu biết về Việt Nam hơn của nhóm sinh viên tại Pune. Hay đơn giản là niềm vui của chị Dung lấy chồng Ấn Độ ở Delhi khi được “xả láng” nói tiếng Việt…
Những trải nghiệm có khi không mấy dễ dàng song vượt lên tất thảy, bà con hài lòng với cuộc sống nơi đất Phật và mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng…
Bước phát triển mới trong sinh hoạt cộng đồng
Chính vì thế, sự ra đời của Tổng hội người Việt tại Ấn Độ và Nepal thực sự là bước phát triển mới trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở hai quốc gia Nam Á này. Là người theo sát các hoạt động cộng đồng trong nhiều năm qua, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Tôn Sinh Thành vui mừng trước sự tham gia ngày càng tích cực của bà con trong các hoạt động chung, đánh giá cao nỗ lực của các hội, nhóm trong việc tổ chức Đại hội lần này.
Các đại biểu tham dự sự kiện. |
Do đặc thù sống rải rác ở các vùng khác nhau, trước đây, bà con ít có cơ hội tập hợp và tham gia các hoạt động chung. Theo chị Vy - Việt kiều ở Chennai, “ngoài các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức, các sự kiện cộng đồng do các nhóm kêu gọi thường chỉ gói gọn trong địa bàn với sự tham gia hạn chế của bà con”. Phần lớn bà con ở xa thuộc tầng lớp lao động, thu nhập không cao nên mỗi khi có hoạt đồng cộng đồng ở Thủ đô, bà con cũng phải cân nhắc rất nhiều về khả năng tham dự…
Giờ đây, trong mái nhà chung là Tổng hội người Việt tại Ấn Độ và Nepal, không những người Việt ở Nepal sẽ gắn kết hơn với người Việt ở Ấn Độ mà đông đảo bà con ở Ấn Độ cũng sẽ gần gũi nhau hơn. “Khoảng cách địa lý sẽ trở nên ngắn lại khi dù ở đâu, chúng ta cũng biết có một chốn đi về” như chia sẻ của Ni sư Thích Nữ Trí Thuận – trụ trì tại chùa Linh Sơn, Lumbini, Nepal.
Còn theo thầy Thích Hạnh Chánh, Hội trưởng Hội tăng ni sinh tại Ấn Độ, việc có kênh kết nối thường xuyên giữa các nhóm, hội người Việt sẽ khắc phục điểm yếu về thông tin liên lạc, đồng thời tăng tính chủ động trong công tác bảo hộ lợi ích hợp pháp của người Việt tại Ấn Độ và Nepal. Bên cạnh vai trò cầu nối của Đại sứ quán giữa bà con và tăng ni sinh với quê hương, đất nước, việc tập hợp các hội, nhóm người Việt trong một mái nhà chung sẽ góp phần nâng cao thêm uy tín, vị thế của người Việt Nam, giúp quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam tại đây.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Hiện có khoảng hơn 600 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Ấn Độ và Nepal, thuộc ba thành phần chính gồm nhóm người Việt định cư do hôn nhân với người bản địa, nhóm du học sinh (gồm cả tăng ni sinh) và nhóm các nhà sư đang trụ trì, giúp việc tại các chùa ở Ấn Độ và Nepal. |
Phát huy tính riêng biệt trong từng cộng đồng
Như vậy, Tổng hội người Việt tại Ấn Độ và Nepal chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 18/6/2017 với hy vọng sẽ tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng người Việt tại đây, song hành với vai trò hỗ trợ của Đại sứ quán. Nói như Đại sứ Tôn Sinh Thành, Nhà nước, Chính phủ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ luôn coi cộng đồng người Việt dù ở bất cứ nơi đâu, thuộc thành phần nào, làm bất cứ việc gì, đều là một phần máu thịt, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và sẽ bảo hộ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mọi người Việt Nam làm ăn, sinh sống và học tập tại Ấn Độ và Nepal.
Là người am hiểu cộng đồng nơi đây, thầy Thích Hạnh Chánh cho rằng thách thức của Tổng hội là xây dựng và duy trì các hoạt động thiết thực của bà con cũng như tăng ni sinh. “Thời gian đầu xa lạ, Tổng hội sẽ cần sự cố gắng từ nhiều phía”, Ban chấp hành của Tổng hội phải phát huy hết tính đặc thù, riêng biệt của từng cộng đồng, từ đó đưa ra các chương trình phù hợp, thu hút sự tham gia của đông đảo người Việt tại đây.
Phát biểu ý kiến tại Đại hội, đại diện các hội, nhóm cộng đồng cũng đề xuất các sáng kiến nhằm gắn kết cộng đồng như lập trang thông tin liên lạc trên mạng xã hội, bồi dưỡng tiếng Anh cho các sinh viên làm phiên dịch, tư vấn pháp luật cho bà con, đặc biệt là những chị em lấy chồng Ấn Độ…
Trong thời gian trước mắt, Ban chấp hành sẽ phối hợp với Đại sứ quán mở lớp dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng, thực hiện thí điểm vào cuối năm nay tại Delhi và Chennai - nơi tập trung đông bà con nhất. Là một bộ phận trong Tổng hội, Hội tăng ni sinh sẽ tiếp tục có liên hệ thường xuyên với Đại sứ quán và tổ thức các hoạt động tôn giáo và từ thiện.