Vì sao đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bị bế tắc?

Tôn Sinh Thành
Những khác biệt lớn không chỉ giữa Nga và Ukraine mà còn giữa nội bộ mỗi bên, đặc biệt là khi chiến sự đang tiếp diễn, khiến cho hy vọng về thành công của đàm phán hòa bình Nga-Ukraine càng trở nên mong manh...
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Vì sao đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bị bế tắc?
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại cuộc đàm phán ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/3/2022. (Nguồn: BBC)

Chỉ một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, hai bên đã bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình và đến cuộc gặp giữa 2 ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2022 đã xuất hiện những hy vọng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa hai bên.

Nhưng, giờ đây niềm lạc quan đó đã bị tiêu tan. Chiến sự ngày càng dữ dội. Hai bên đang ra sức đỗ lỗi cho nhau làm đàm phán bị bế tắc. Ngày 29/4, Tổng thống Ukraine Zelensky bi quan nói rằng “rủi ro đàm phán sẽ phải đóng lại là rất cao” vì những cuộc tấn công quân sự của Nga.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đổ lỗi cho Ukraine làm cho đàm phán bị đình trệ vì sự thiếu nhất quán của Ukraine. Trước đó, ông nói rằng Ukraine đã đưa ra dự thảo thỏa thuận hòa bình với những điều khoản khác với những gì mà hai bên đã đồng ý tại Thổ Nhĩ Kỳ và có những yếu tố không thể chấp nhận được.

Vậy đằng sau những cáo buộc, đổ lỗi cho nhau của cả hai bên là gì?

Phải chăng nguyên nhân thực sự cản trở cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine hiện nay không chỉ là cục diện quân sự chưa ngã ngũ trên chiến trường mà còn là do sự khác biệt về lập trường giữa hai bên trong đàm phán?

Cuộc đàm phán hiện nay giữa Nga và Ukraine sẽ phụ thuộc rất lớn vào cục diện trên chiến trường. Mặc dù cả hai bên không còn hy vọng kết thúc xung đột bằng một giải pháp quân sự nhưng vẫn còn muốn giành được thắng lợi quân sự để tạo lợi thế trong đàm phán.

Kế hoạch của Nga

Đối với Nga, kế hoạch ban đầu là đánh chiếm thủ đô Kiev, buộc chính phủ thân phương Tây tại đây từ chức, thành lập một chính phủ thân Nga, tuyên bố trung lập và từ bỏ mong muốn gia nhập NATO, ký tất cả các hiệp định do Nga đề xuất bao gồm việc thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, và công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk.

Tuy nhiên, kế hoạch quân sự ban đầu không thực hiện được đã buộc Nga phải tuyên bố rút khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kiev và chuyển trọng tâm hoạt động quân sự vào khu vực phía Đông và Nam Ukraine.

Mục tiêu cao của Nga có thể là mở rộng quyền kiểm soát đối với toàn bộ khu vực nói tiếng Nga trên lãnh thổ Ukraine, thậm chí đến tận bờ Đông sông Dnepr. Tổng thống Vladimir Putin ngày 27/4 tuyên bố “sẽ hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm đảm bảo an ninh cho cư dân ở các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, cũng như Crimea và toàn bộ đất nước của chúng ta trong quan điểm lịch sử".

Tuy nhiên, mục tiêu quân sự tối thiểu của Nga có thể là: mở rộng giới hạn hành chính của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass, bảo đảm sự hiện diện quân sự thường trực ở Kherson đủ để đảm bảo cung cấp nước ngọt cho Crimea, và kiểm soát hoàn thành phố Mariupol nhằm phong tỏa hướng tiếp cận Biển Đen của Kiev.

Chỉ khi đạt được các mục tiêu tối thiểu nói trên, đủ để Nga tuyên bố chiến thắng, thì Nga mới có thể bước vào đàm phán một cách nghiêm túc hơn.

Vì sao đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bị bế tắc?
Các giải pháp ngoại giao có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo ngòi nổ xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: GIS)

Về phần mình, mặc dù đã làm thất bại ý đồ của Nga chiếm thủ đô Kiev, Ukraine cũng biết rằng khó có thể đánh đuổi hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ về vũ khí ngày càng nhiều của phương Tây, Ukraine cũng hy vọng sẽ có được một thắng lợi quân sự để tạo thế trên bàn đàm phán với Nga. Do vậy, thời điểm hiện nay tuy muốn duy trì đàm phán chủ yếu để giải quyết các vấn đề nhân đạo, nhưng Ukraine chưa muốn thỏa hiệp trong đàm phán.

Trên bàn đàm phán, những tiến bộ đạt được chủ yếu ở kênh thứ nhất giữa các quan chức cao cấp 2 nước về việc mở các hành lang nhân đạo, trao đổi tù binh, nỗ lực sơ tán và tiếp cận của các tổ chức viện trợ nhân đạo.

Mặc dù vậy, kênh cấp bộ trưởng ngoại giao đã diễn ra hai lần tại Thổ Nhĩ Kỳ bàn về quy chế các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, tính trung lập và quy chế phi hạt nhân hóa của Ukraine cũng như việc chuẩn bị cho cuộc gặp có thể có trong tương lai giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin đã đi vào bế tắc do lập trường khác nhau của hai bên.

Khó đạt nhượng bộ

Lập trường tối đa ban đầu của Nga trong đàm phán là Ukraine phải chấp nhận phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa, hạn chế nhất định đối với quy mô hệ thống phòng thủ của Ukraine, số lượng quân nhân, khối lượng và nhập khẩu vũ khí các loại; cấm các tổ chức cực hữu và thực hiện phi phát xít hóa; không gia nhập NATO và thay đổi hiến pháp để giữ vị thế trung lập; đưa tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức thứ hai theo hiến pháp; công nhận Crimea là một phần của Nga và công nhận 2 khu vực Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập.

Sau khi không thể chiếm được thủ đô Kiev và buộc phải giới hạn mục tiêu quân sự của mình, Nga dường như đã giảm các yêu cầu của mình trong đàm phán.

Nga chủ yếu muốn Ukraine trở thành một quốc gia thân thiện trong phạm vi ảnh hưởng của Nga và không tìm kiếm tư cách thành viên NATO, trung lập và phi hạt nhân hóa, không có căn cứ quân sự nước ngoài; thừa nhận địa vị đặc biệt của Nga đối với Crimea và công nhận các khu vực của Donetsk và Luhansk. Nga cũng muốn phương Tây, đặc biệt là Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Dù đã điều chỉnh, các yêu cầu trên đây của Nga vẫn là khá cao, tạo ra khoảng cách còn rất lớn trong đàm phán với Ukraine.

Về phần mình, mặc dù đã tuyên bố từ bỏ nguyện vọng trở thành thành viên NATO của mình và sẵn sàng nói về trung lập dưới sự bảo đảm của nước ngoài, bao gồm cả Nga, Ukraine vẫn tỏ ra rất cứng rắn trong việc kiên quyết yêu cầu quân đội Nga phải rút ít nhất đến các vị trí đã nắm giữ trước ngày 24/2; Nga đóng góp tài chính cho các nỗ lực tái thiết của Ukraine sau xung đột và bồi thường cho tất cả các nạn nhân, gắn với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây; hai bên đàm phán về các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vào năm 2014, đồng thời, yêu cầu Nga rút lại công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.

Ukraine cũng không chấp nhận nhiều yêu cầu của Nga. Ukraine coi yêu cầu của Nga về việc phi phát xít hóa Ukraine là nhằm thay đổi chính phủ ở Kiev nên không thể chấp nhận được.

Về yêu cầu phi quân sự hóa, Nga muốn Ukraine cắt giảm lực lượng vũ trang của mình xuống không quá 50.000 người, nhưng rất ít khả năng Ukraine đồng ý cắt giảm quân đội của mình, vì như vậy không khác gì Ukraine tự làm suy yếu và không thể chống đỡ nổi trước cuộc chiến với Nga trong tương lai.

Về yêu cầu Ukraine tuyên bố quy chế trung lập, Ukraine đã đồng ý nhưng bác bỏ đề nghị của Nga về việc áp dụng mô hình trung lập giống của Áo và Thụy Điển, nghĩa là một mô hình quốc gia trung lập phi quân sự nhưng vẫn có hải quân, lục quân riêng.

Thay vào đó, Ukraine đề xuất một mô hình riêng, theo đó trung lập phải kèm theo đảm bảo cam kết an ninh từ bên thứ 3 bao gồm những nước sẵn sàng đứng ra bảo vệ Ukraine trước nguy cơ bị tấn công quân sự, tương tự như Điều 5 của NATO.

Ukraine đã gửi dự thảo đảm bảo an ninh cho một số nước, nhưng đến nay chưa nhận trả lời của bất cứ nước nào. Một số nhà phân tích cho rằng khái niệm bảo lãnh an ninh này của Ukraine khá mơ hồ và ít có khả năng Mỹ và các đồng minh đáp ứng những cam kết mang tính ràng buộc pháp lý tương tự Điều 5 trong Hiệp ước NATO, bởi Mỹ và các đồng minh luôn muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga.

Vì sao đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bị bế tắc?
Những vấn đề khó nhất trong đàm phán Nga-Ukraine hiện nay liên quan tới quy chế của các vùng lãnh thổ Crimea và Donbas (Nguồn: Sky news)

Với Nga, một thỏa thuận an ninh tương tự điều khoản phòng thủ chung của NATO là điều không thể chấp nhận. Trong khi Ukraine muốn giảm thiểu bất kỳ giới hạn nào đối với chủ quyền của mình được ghi trong bất kỳ thỏa thuận trung lập, thì Nga lại muốn làm suy yếu các đảm bảo an ninh nước ngoài đối với Ukraine.

Thậm chí, ngày 27/4, Tổng thống Putin còn đặt điều kiện là Ukraine không thể có được các bảo đảm an ninh “nếu như các vấn đề Crimea và Donbass không được giải quyết”.

Những vấn đề khó nhất trong đàm phán hiện nay liên quan tới quy chế của các vùng lãnh thổ Crimea và Donbas, bởi ý nghĩa to lớn của vấn đề này đối với công chúng trong nước vốn phân cực cao của cả Ukraine và Nga.

Mặc dù biết khó có thể lấy lại được Crimea, nhưng Ukraine cũng không thể chính thức thừa nhận điều này ở trong nước. Kiev đã đề nghị giải quyết vấn đề quy chế của của bán đảo Crimea trong vòng 15 năm, nhưng phía Nga nói Crimea là vấn đề không bàn cãi và không nằm trong chương trình nghị sự đàm phán.

Yêu cầu của Nga về việc Kiev công nhận “các nước cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập cũng là điều khó có thể được chấp nhận, bởi những khó khăn nội bộ của Ukraine.

Đây sẽ là thử thách lớn của Tổng thống Zelensky khi phải dung hòa giữa những người Ukraine muốn sớm kết thúc một cuộc chiến và những người cho rằng ông đang nhượng bộ quá nhiều cho Nga. Ông Zelensky chắc chắn nhận ra rằng chính thức nhượng bộ lãnh thổ cho Nga sẽ là tự sát về mặt chính trị.

Trở ngại "cả trong lẫn ngoài"

Một cản trở khác đối với cuộc đàm phán đó là sự thiếu thống nhất trong lập trường của các bên tham gia cuộc chiến và các bên ủng hộ đứng đằng sau 2 bên xung đột.

Giữa Ukraine và những nước ủng hộ Ukraine thực tế không có sự đồng thuận về mục tiêu trong cuộc chiến với Nga. Trong khi Ukraine nói về một mục tiêu tối thiểu là chấm dứt xung đột, cứu lấy cuộc sống của người dân Ukraine, thì ở phương Tây không thiếu quan điểm coi đây là không chỉ là một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, mà còn là cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền, giữa sự tôn trọng và thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia, giữa chủ nghĩa nhân đạo và phi nhân đạo và là cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Không thiếu tuyên bố tối đa rằng Nga “phải bị đánh bại” và Ukraine “phải thắng”.

Sau chuyến thăm Kiev của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 24/3, Mỹ đã tuyên bố một chiến lược rõ ràng và công khai là thông qua Ukraine để thực hiện một cuộc chiến ủy nhiệm lâu dài chống lại Nga, củng cố hơn nữa các đồng minh phương Tây, đồng thời duy trì các lệnh trừng phạt để làm suy yếu Nga về lâu dài.

Tin liên quan
Trước tối hậu thư của Nga, Ukraine tuyên bố không đầu hàng, dự báo Trước tối hậu thư của Nga, Ukraine tuyên bố không đầu hàng, dự báo 'lằn ranh đỏ' trong đàm phán

Ngoại trưởng Anh Liz Truss tối 27/4 thì tuyên bố lực lượng Nga phải bị đẩy ra khỏi "toàn bộ lãnh thổ Ukraine", ngụ ý rằng Nga phải rời khỏi cả Crimea mặc dù trước đó Anh chỉ tuyên bố rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine "phải thất bại".

Hơn nữa ngay giữa các nước phương Tây cũng có khác nhau về các mức độ của các lệnh trừng phạt đối với Nga, đặc biệt là do châu Âu phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Các nước thành viên EU mặc dù thống nhất về sự cần thiết phải đáp trả chiến dịch quân sự của Nga, nhưng Đức, Hà Lan, Áo, Pháp, Bỉ và các nước Tây Âu khác muốn cuộc chiến này kết thúc càng sớm càng tốt, nhằm ổn định thị trường và giá cả hàng hóa, kiểm soát được các mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế xã hội và khôi phục một phần thương mại với Nga.

Trong khi đó, Ba Lan, Slovenia, Lithuania, Latvia và Estonia lại muốn thúc đẩy thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận năng lượng và phong tỏa giao thông vận tải, đồng thời cung cấp các loại vũ khí phức tạp hơn cho Ukraine.

Trước những khác biệt còn lớn không chỉ giữa Nga và Ukraine mà còn giữa nội bộ mỗi bên, đặc biệt là khi chiến sự đang tiếp diễn, một hy vọng khả quan nhất là việc hai bên chấp nhận đóng băng cuộc xung đột bằng một thỏa thuận ngừng bắn ở tất cả các khu vực Donbass cũng như Crimea.

Sau đó, để duy trì hòa bình, Ukraine và Nga có thể phải đồng ý gác lại những bất đồng về lãnh thổ, với sự chia cắt trên thực tế mà không đi kèm với bất kỳ sự công nhận trên thực tế nào của Ukraine. Điều quan trọng về lâu dài là phải duy trì đối thoại, từng bước tìm ra giải pháp cho những vấn đề bất đồng giữa hai bên.

Xung đột Nga-Ukraine: Kiev ra tuyên bố cay đắng

Xung đột Nga-Ukraine: Kiev ra tuyên bố cay đắng

Ngày 2/5, Bộ Nông nghiệp Ukraine thông báo chính thức đóng cửa 4 hải cảng ở Biển Đen và Biển Azov bị rơi vào tay ...

Tổng thống Ukraine kêu gọi gặp người đồng cấp Nga song sẽ rút khỏi đàm phán nếu...

Tổng thống Ukraine kêu gọi gặp người đồng cấp Nga song sẽ rút khỏi đàm phán nếu...

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi tổ chức cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin với nỗ lực đưa ...

Bài viết cùng chủ đề

Căng thẳng Nga-Ukraine

Xem nhiều

Đọc thêm

'Người thầy dạy học sinh bằng nhân cách của chính mình'

'Người thầy dạy học sinh bằng nhân cách của chính mình'

Người thầy phải trở nên tự tin, tự chủ và tự cập nhật bản thân, để AI chỉ là một trợ lý thông thái...
Kết quả bóng đá hôm nay 22/11 (mới nhất)

Kết quả bóng đá hôm nay 22/11 (mới nhất)

Xem kết quả bóng đá đêm qua và hôm nay 22/11, Cup C1, Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Italy... đều được cập ...
Diễn viên Midu nền nã, thanh lịch trong tà áo dài

Diễn viên Midu nền nã, thanh lịch trong tà áo dài

Diễn viên Midu, Hoa hậu Đỗ Thị Hà xinh đẹp, ngọt ngào trong tà áo dài, người đẹp Lý Nhã Kỳ ngày càng gợi cảm.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long chỉ ra 5 ý nghĩa lớn từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Đại sứ Đỗ Hoàng Long chỉ ra 5 ý nghĩa lớn từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev diễn ra khi Việt Nam-Bulgaria có nhiều bước phát triển quan trọng
Đại sứ Ukraine tuyên bố về Thế chiến III, Tổng thống Zelensky cầu viện phản ứng toàn cầu, Mỹ khẳng định không muốn đối đầu Nga

Đại sứ Ukraine tuyên bố về Thế chiến III, Tổng thống Zelensky cầu viện phản ứng toàn cầu, Mỹ khẳng định không muốn đối đầu Nga

Ukraine kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những kết luận đúng đắn và chấm dứt xung đột ở giữa nước này và Nga trong gần 3 năm qua.
Gặp gỡ hữu nghị kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ

Gặp gỡ hữu nghị kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ

Quan hệ giao lưu nhân dân Việt Nam-Mông Cổ đã phát triển qua nhiều thập kỷ, trở thành nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị giữa hai nước.
'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

Nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành dự án 'hạt hòa bình' nhằm thúc đẩy cân bằng thương mại nông nghiệp giữa hai nước.
Xung đột Nga-Ukraine: Đoán ý đồ người kế nhiệm, Tổng thống Biden đi thêm nước cờ 'một mũi tên trúng hai đích'

Xung đột Nga-Ukraine: Đoán ý đồ người kế nhiệm, Tổng thống Biden đi thêm nước cờ 'một mũi tên trúng hai đích'

Mặc dù sắp mãn nhiệm nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một quyết định quan trọng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Cái 'gật đầu muộn mằn' của Tổng thống Biden với Ukraine: Thay đổi cục diện hay thêm dầu vào lửa?

Cái 'gật đầu muộn mằn' của Tổng thống Biden với Ukraine: Thay đổi cục diện hay thêm dầu vào lửa?

Tổng thống Joe Biden đã quyết định 'xé rào' vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, những 'đòn giáng' không thể tạo ra bằng lời nói.
Ngoại giao đa phương của Việt Nam tạo tiếng vang trên truyền thông Mexico

Ngoại giao đa phương của Việt Nam tạo tiếng vang trên truyền thông Mexico

Truyền thông Mexico đề cao vị thế và sự tham gia, đóng góp hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương gần đây như APEC, G20...
Mỹ-Trung chạy đua ngoại giao đường sắt, tìm đường tới mỏ khoáng sản châu Phi

Mỹ-Trung chạy đua ngoại giao đường sắt, tìm đường tới mỏ khoáng sản châu Phi

Nhằm tiếp cận trữ lượng khoáng sản khổng lồ của châu Phi, Mỹ và Trung Quốc đã bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm ngoại giao đường sắt tại đây.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử

Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử

Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".
Phiên bản di động