📞

Một chuyến đi, nhiều di sản

11:31 | 03/03/2016
Vỗ tay theo điệu múa của thanh đồng trong tiết trời se lạnh, thong thả dạo bước trong khuôn viên nhà thờ Phát Diệm vào sáng sớm hay đứng trên đỉnh Bảo Tháp ngắm chùa Bái Đính trong ánh hoàng hôn…
Thanh đồng Trần Thị Huệ.

Đó là những trải nghiệm có một không hai của 22 Đại sứ và 50 cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán các nước trong chuyến hành trình khám phá đạo Mẫu, đạo Thiên chúa và đạo Phật từ ngày 26-28/2. Chương trình do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với lãnh đạo các tỉnh Nam Định và Ninh Bình tổ chức nhằm quảng bá văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Các nhà ngoại giao nước ngoài đã có mặt tại Phủ Dầy (Nam Định) để được tận mắt thưởng thức nghi lễ hầu đồng của đạo Mẫu; tới nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) để tìm hiểu về quá trình Thiên chúa giáo du nhập Việt Nam và tham quan quần thể Tràng An – Bái Đính.

“Thông điệp lớn nhất của chúng tôi là hướng tới điều gì tốt đẹp. Đầu năm, người Việt Nam thường có tục đi lễ chùa để cầu cho quốc thái dân an. Chuyến đi này cũng phản bác lại những ý kiến cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo. Việt Nam có tục thờ Mẫu nhưng vẫn du nhập Thiên chúa giáo, Phật giáo và một số tôn giáo khác. Tôn giáo nào cũng có sức sống riêng của nó. Đó là bức tranh đa màu về tôn giáo của Việt Nam”, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ về ý nghĩa của chuyến hành trình.

Ngất ngây với đạo Mẫu

Buổi lễ hầu đồng tại Phủ Dầy do thanh đồng Trần Thị Huệ biểu diễn tối ngày 26/2 không giống như thường ngày. Những khán giả của buổi lễ không chỉ là những  những người dân địa phương mà còn có các vị khách đến từ châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.

Dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nhưng tất cả các vị khách đến đây đều bị cuốn vào điệu múa của thanh đồng và giai điệu của các nhạc công. Theo cảm nhận của Trưởng phòng Lãnh sự Nigeria Bukar Alkali Abdulsalam, chính sự gắn kết vô hình ấy có thể khiến nghi thức này được hưởng ứng ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, hay bất kỳ tôn giáo nào. Đó cũng là cơ sở để ông Abdulsalam tin tưởng hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam sẽ được UNESCO xét duyệt và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng Mười Hai tới.

Các Đại sứ say sưa xem buổi lễ hầu đầu của Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Các nhà ngoại giao đều dành những từ: “tuyệt vời”, “không thể tin được” hay “rất ý nghĩa”…  khi nói về buổi hầu đồng. Thành công của buổi hầu đồng có phần đóng góp rất lớn của Đại sứ Phạm Sanh Châu. Trong suốt buổi lễ, ông mải miết giải thích để những người bạn nước ngoài hiểu được câu chuyện đằng sau mỗi giá đồng. “Tôi đã nói với các Đại sứ rằng Phủ Dầy giống như thánh địa Mecca của Hồi giáo hay thành Rome của Thiên chúa giáo. Phải đến tận nơi, các vị ấy mới hiểu, mới cảm nhận được không khí linh thiêng của một buổi lễ thánh. Đạo Mẫu không có mặc cảm, ưu tư mà luôn phấn khởi, vui tươi và rạo rực”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Thi thoảng, Đại sứ Mỹ Ted Osius lại quay sang để hỏi Đại sứ Phạm Sanh Châu: “Ôi! Sao tôi lại được nhiều tiền thế? Tôi có phải trả lại số tiền này không?”... Đại sứ Mỹ thực sự bị lôi cuốn vào buổi lễ. Ông cảm thấy thú vị khi thanh đồng hóa thân thành các nhân vật trong truyền thuyết, những anh hùng giải phóng dân tộc...

Trong khi đó, Đại diện của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ liên tưởng tới Shaman giáo của đất nước mình. Ông chia sẻ Shaman giáo có nhiều điểm đồng với đạo Mẫu. Tuy nhiên, nghi lễ hầu thánh của họ nhằm hướng tới cõi kiếp sau. Ngược lại, lễ hầu đồng trong đạo Mẫu của Việt Nam hướng về cõi hiện tại, cầu mong cho bản thân được khỏe mạnh, may mắn và cuộc sống ấm no.

Lần đầu tiên được thưởng thức nghi lễ này, Đại sứ Nga Konstantin V.Vnukov không rời mắt khỏi sân khấu. Qua đây, ông hiểu được phần nào sự giàu có về văn hóa của người Việt, sự trân trọng của người Việt đối với tín ngưỡng, văn hóa và lịch sử. Đến từ đất nước rộng lớn với hơn 180 dân tộc, Đại sứ tự tin rằng không chỉ người dân Nga mà người dân trên khắp thế giới sẽ đón nhận di sản văn hóa hết sức độc đáo và ý nghĩa này của người Việt. “Việt Nam đã có sáng kiến rất tốt khi trình hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu lên UNESCO để tổ chức này xem xét công nhận, hỗ trợ bảo vệ cũng như quảng bá”, ông Vnukov chia sẻ.

Bà Katherine Muller, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam tỏ ra rất lạc quan về khả năng thành công của Việt Nam. Bà nói: “Các bạn Việt Nam đã thực hiện nghi lễ này với một niềm đam mê mãnh liệt. Hơn nữa, tín ngưỡng của các bạn đã nhắc nhở chúng tôi về một điều rất quan trọng trong cuộc sống. Đó là đề cao vai trò của người phụ nữ”.

Thánh đường mang văn hóa Việt

“Khi tới Việt Nam, tôi vẫn luôn mong ước tới nhà thờ đá Phát Diệm – một nhà thờ vô cùng đặc biệt. Cảm ơn những người tổ chức hành trình lần này vì đã biến giấc mơ của tôi thành hiện thực!”. Đó là chia sẻ của Đại sứ Nga Vnukov khi ông đặt chân tới Ninh Bình. Ông Konstantin V.Vnukov bước chậm rãi trong khuôn viên nhà thờ, lắng nghe hướng dẫn viên và cúi xem thật kỹ những gì mà ông thấy lạ.

Nét đặc biệt của nhà thờ Phát Diệm chính là kiến trúc. Được xây dựng trong 34 năm (từ năm 1865 – 1899), nhà thờ gồm 11 công trình lớn nhỏ mà nổi bật là sáu nhà hành lễ, một phương đình (tháp chuông), một ao và ba ngọn núi nhân tạo. Lối kiến trúc của nhà thờ Phát Diệm là sự đan xen giữa văn hóa Á Đông và văn hóa phương Tây, thể hiện tư tưởng rằng giáo lý Công giáo ẩn chứa trong văn hóa Việt.

Các nhà ngoại giao đứng trước mộ Cha Sáu - người xây dựng nhà thờ Phát Diệm.

Đến từ đất nước có tới 90% người dân theo đạo Thiên chúa, Đại sứ Slovakia Igor Pacolak cùng vợ và hai con nhỏ có lẽ không còn xa lạ với kiến trúc nhà thờ. Tuy nhiên, họ vẫn chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu và chụp lại vô số hình ảnh. Với họ, lối kiến trúc độc đáo ấy chỉ có ở nhà thờ của Việt Nam.

“Kiến trúc nhà thờ có sự kết hợp hoàn hảo giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, thể hiện được tâm hồn, kiến trúc của người Việt. Đây có lẽ là bằng chứng cho thấy hai nền văn hóa Đông – Tây hoàn toàn có thể cùng hòa quyện. Người Việt Nam cũng rất đáng khen ngợi bởi họ vừa đề cao văn hóa của đất nước mình, vừa tôn trọng tự do tôn giáo”, Đại sứ Igor Pacolak bày tỏ. Nhân dịp này, ông Pacolak cũng “khoe” với các phóng viên và những người trong đoàn rằng Slovakia đã đóng góp vào việc truyền bá đạo thiên chúa vào Việt Nam từ thế kỷ thứ XVII.

Ngoài khía cạnh kiến trúc, Đại sứ Bỉ Jehanne Roccas và Trưởng phòng Lãnh sự Nigeria Bukar Alkali Abdulsalam còn cảm nhận vẻ đẹp của nhà thờ từ góc độ con người. Ông Abdulsalam chia sẻ điều ông băn khoăn nhất là làm thế nào mà những người Việt Nam từ hơn 100 năm trước có thể di chuyển khối đá lớn từ Thanh Hóa về đây để xây nhà thờ Phát Diệm. Ông cho rằng, sức mạnh của những người thợ có lẽ nằm ở việc họ có niềm tin và sự tôn kính với Chúa.

Với Đại sứ Jehanne Roccas, khắc sâu trong tâm trí bà ở nhà thờ Phát Diệm là những cô gái theo đạo khi tới nhà thờ đều mặc áo dài. “Tà áo dài tung bay trong khuôn viên nhà thờ là hình ảnh đậm chất Việt Nam, mộc mạc, gần gũi … Thực sự rất khó quên”, bà Jehanne Roccas nhấn mạnh.

Nhân đây, bà cũng bày tỏ quan điểm của mình về đa dạng tôn giáo. Sự đa dạng ấy tạo nên nét đẹp, sự giàu có văn hóa của nhiều quốc gia. Nhưng ở một số nước trên thế giới, sự đa dạng và xung đột tôn giáo đang trực tiếp dẫn tới chiến tranh, đói nghèo… Vì vậy, theo Đại sứ Jehanne Roccas, việc giáo dục để người dân hiểu và tôn trọng các tôn giáo, tín ngưỡng của nhau là vô cùng quan trọng, đặc biệt ở những quốc gia đa tôn giáo.

Đắm mình trong non nước trữ tình

Rời nhà thờ Phát Diệm, đoàn ngoại giao tới thăm và trải nghiệm quần thể danh thắng Tràng An và chùa Bái Đính. Tại đây, các nhà ngoại giao đã được tự tay chèo thuyền trên sông, chui qua các hang đá để rồi đắm mình vào không gian non nước đầy chất trữ tình. Không chỉ ấn tượng bởi cảnh sắc, Đại sứ Mỹ Ted Osius và Đại sứ Nga Vnukov còn bị thuyết phục bởi mô hình quản lý rất khoa học và hiệu quả của khu quần thể này.

Các Đại sứ chèo thuyền tham quan danh thắng Tràng An.

Quần thể Tràng An – Bái Đính đang được quản lý bằng mô hình nhà nước và tư nhân. Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, đây là một mô hình quản lý mang tính bền vững khi chọn phương án bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thay vì đi theo phương án phá núi xây xi măng như nhiều khu du lịch khác. Hơn thế nữa, nỗ lực phát triển quần thể Tràng An đã mang đến việc làm cho 5.000 người dân. Đại sứ Ted Osius thực sự xúc động khi biết rằng con đò mà ông đang ngồi đã mang lại tiền học, tiền ăn, tiền xây nhà cho nhiều gia đình người dân nơi đây.

Hành trình kết thúc khi đoàn các nhà ngoại giao tới thăm chùa Bái Đính. Sau khi chiêm bái xá lợi của Đức Phật, đứng trên tầng cao của Bảo Tháp nhìn xuống vẻ đẹp lung linh của mảnh đất linh thiêng trong ánh nắng hoàng hôn, Đại sứ Bỉ nói rằng, Ninh Bình chính là viên ngọc trên vương miện của Việt Nam bởi nó quy tụ đủ cả về văn hóa (cố đô Hoa Lư), di sản thế giới (Tràng An) và tín ngưỡng (chùa Bái Đính). Có lẽ, mỗi nhà ngoại giao khi tới nơi đây đều được tĩnh tâm suy nghĩ và ước nguyện về hạnh phúc, hòa bình cho bản thân, gia đình và tất cả mọi người.