Từ lâu, tôi đã nghe nói chợ phiên Bắc Hà không chỉ đơn thuần là nơi mua bán mà còn tập trung những nét đặc sắc trong văn hóa và lối sống của bà con Mông, Tày, Nùng quanh vùng. Người dân địa phương coi việc đi chợ phiên như đi dự một ngày hội nhỏ. Hàng ngàn người nô nức lên chợ, không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để gặp bạn bè, vui chơi, ăn uống thỏa thích...
Chợ được chia ra những khu mua bán nhỏ đặc trưng như: chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ trâu, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim… Mỗi khu vực đều rất nhiều hàng hóa và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.
Náo nhiệt chợ phiên Bắc Hà (Ảnh: Trung Hiếu/TGVN). |
Ở chợ, gần như không thiếu hàng gì, từ quần áo, đồ dùng đến trâu, ngựa, chó, lợn, gà vịt, lương thực, hoa quả… Chúng tôi bắt gặp những thanh niên trải tấm bạt, bày bán la liệt đèn pin, đèn sạc và những mặt hàng công nghệ Trung Quốc. Các nông cụ như máy xay xát, bơm nước, máy phun thuốc sâu, dao rựa, lưỡi cày… cũng không thiếu.
Tôi đi tìm mua cái khèn để lưu niệm. Hỏi thăm qua vài ba người thì tìm được vào đúng nhà nghệ nhân A Lìn chuyên làm nhạc cụ dân tộc. Ông không có nhà. Cô con gái ông tiếp khách rất niềm nở, nhưng tiếc thay nhà ông bán toàn nhạc cụ xịn, giá không rẻ, mà tôi lại không biết thổi khèn nên chỉ muốn mua sản phẩm lưu niệm về treo chơi.
Nhiều bà con vẫn giữ được sự thật thà vốn có của đồng bào dân tộc. Khi tôi hỏi thăm muốn tìm mua chiếc nỏ làm kỷ niệm, anh bán sim thẻ nhanh nhảu giới thiệu anh cắt tóc “có hàng”. Nhưng anh cắt tóc đang bận phục vụ khách, thuyết phục mãi mà anh ta vẫn không dám bỏ chỗ để về nhà lấy hàng ra. Anh bèn giới thiệu tiếp một chàng đồng nghiệp gần đó. Anh này ngần ngừ nhưng rồi cũng lấy xe máy phóng về nhà. Mười phút sau anh trở lại, đem theo 2 cây nỏ đơn sơ để tôi lựa chọn.
Do địa hình nhiều làng bản ở núi rừng xa xôi cách trở, phiên chợ Bắc Hà là điểm hẹn tốt nhất để nam nữ thanh niên dân tộc gặp nhau sau mỗi tuần lao động vất vả.
Sau khi thỏa mãn nhu cầu mua sắm, rất nhiều người ghé vào các quán ăn. Một nét tiêu biểu của phiên chợ Bắc Hà là thắng cố - món ăn truyền thống của người Mông đã có từ hàng trăm năm, sau lan truyền sang các dân tộc anh em lân cận. Món ăn này bắt nguồn từ đời sống vật chất cũng như văn hóa - tinh thần của người dân ở đây bao đời nay. Là món nấu tổng hợp thịt, ruột, gan, phổi… của ngựa, món thắng cố truyền thống có vị hơi… nặng mùi do những chất dịch ở trong ruột non của ngựa. Nhưng tại các nhà hàng quanh chợ, món ăn này được giảm nồng độ cho phù hợp với khẩu vị của khách miền xuôi lên nên ăn thắng cố hao hao như món bò sốt vang của người Kinh, tuy nhiên nước dùng trong hơn.
Chầm chậm bước chân ra khỏi chợ mà lòng còn lưu luyến chưa muốn rời. Hình ảnh chợ phiên Bắc Hà náo nhiệt và đậm bản sắc vùng cao còn đọng lại mãi trong tâm trí tôi…