Và liệu những lời phát biểu hoa mỹ ở Washington, London hay Paris có đủ để làm trong sạch bầu không khí vốn đang bị đầu độc bởi tuyên bố đơn phương ở Pristina?
Luật pháp quốc tế bị thách thức
Mặc dù được hưởng quy chế tự trị, nhưng Kosovo trên thực tế đã không còn chịu sự kiểm soát của Serbia kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1999. Và vì vậy, tuyên bố độc lập mà Quốc hội Kosovo thông qua hôm 17/2 chỉ là một sự đoạn tuyệt một mối liên hệ chỉ còn trên danh nghĩa với Serbia, nhưng nó đi ngược lại tinh thần Nghị quyết 1244 (tháng 6/1999) của Liên hợp quốc vốn khẳng định Kosovo là một lãnh thổ tự trị thuộc chủ quyền của Serbia. Một lần nữa, Liên hợp quốc lại bị gạt ra ngoài, hay nói đúng hơn là bị tê liệt. Người ta cố tình lờ đi bản Nghị quyết của LHQ, còn phái bộ LHQ ở Kosovo (UNMIK) thì đang lo sửa soạn hành lý.
Mọi nỗ lực của các bên trong việc tìm một giải pháp tại HĐBA đều sớm đi vào ngõ cụt bởi từ lâu 5 nước thành viên thường trực HĐBA đã bị chia rẽ làm đôi và luôn ở thế đối đầu. Một lần nữa, luật pháp quốc tế lại bị bóp méo để phục vụ lợi ích của một số cường quốc. Dân tộc đồng nghĩa với quyền tự quyết, nhưng tại sao cũng là đòi quyền dân tộc tự quyết, hơn 50 năm qua, người dân Palestine vẫn phải chờ đợi trong vô vọng một Nhà nước độc lập cho riêng mình? Tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc cơ bản, nhưng tại sao người ta lại cổ vũ cho một nhóm dân tộc thiểu số đứng lên đòi vẽ lại những đường biên giới quốc gia đã được quốc tế công nhận? Dường như thế giới của thế kỷ XXI đang quay trở lại thời Trung cổ, nơi mà lẽ phải luôn nằm trong tay kẻ mạnh.
Tạo tiền lệ nguy hiểm
Khi mà Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Alejandro Wolff cho rằng việc Kosovo tuyên bố độc lập sẽ không tạo tiền lệ cho các phong trào ly khai khác, mà chỉ là hệ quả của chính sách bài trừ người gốc Albania của nhà lãnh đạo độc tài Slobodan Milosevic, người ta chỉ còn biết lắc đầu mỉm cười vì sự lạc quan “kiểu Mỹ” đó. Rõ ràng ông Wolff đang cố tình lờ đi rằng đã gần 9 năm qua Serbia không còn đặt dưới sự lãnh đạo của Milosevic, và cũng ngần ấy năm Kosovo, dưới sự bảo trợ của LHQ, đã có tất cả ngoại trừ hai chữ “độc lập”. Và nếu có ai tin rằng Kosovo không phải là một tiền lệ thì hãy nghe phát biểu của thủ lĩnh phong trào đòi ly khai ở Abkhazia Sergei Bagapsh: “Tại sao chúng tôi không được cộng đồng quốc tế ủng hộ độc lập như Kosovo? Chúng tôi cũng chiếm đa số, chúng tôi cũng vừa bị thanh lọc sắc tộc”.
Nhìn trên phạm vi toàn thế giới, chủ nghĩa ly khai giống như một trò chơi domino đang đợi quân bài đầu tiên mang tên Kosovo đổ xuống. Người thiểu số Hungary ở Rumani, bị kẹp giữa vùng Transilvania và Caucase đang âm thầm nhìn về Kosovo với ánh mắt ngưỡng mộ. Vùng Transdnistria không cho rằng mình là một phần của Moldova, trong khi Abkhazia và Nam Ossetia thuộc Gruzia thì một lòng hướng về đất mẹ Nga vĩ đại. Rồi từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Indonesia cho tới những cuộc xung đột giữa các bộ tộc ở châu Phi, từ Bắc Mỹ cho tới Tây Âu, ở đâu những làn sóng ly khai cũng đang sôi sục. Đến cả một hòn đảo có tên là Aland trên biển Baltic, với 25.000 dân gốc Thụy Điển nhưng thuộc lãnh thổ Phần Lan, cũng đang muốn nâng cấp từ tự trị lên độc lập, tận dụng những gì mà cuộc đấu tranh của người gốc Albania ở Kosovo đem lại. Tất nhiên, sẽ không có nhiều nơi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây như Kosovo, nhưng những cuộc chiến “vì độc lập” trong tuyệt vọng đó chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển với không ít bạo lực và máu có thể sẽ đổ ra hơn những gì đã diễn ra ở Kosovo.
Ai được lợi?
Hẳn nhiên là không phải 2 triệu người gốc Albania ở Kosovo, những người dù có đạt được “độc lập” nhưng có thể sẽ nghèo đói và khó khăn hơn về mọi mặt. Không phải tự nhiên mà Mỹ và EU lại sốt sắng trong việc thúc đẩy Kosovo tuyên bố độc lập. Vấn đề Kosovo, tuyên bố độc lập đã và sẽ còn tiếp tục thu hút toàn bộ sự quan tâm của Nga và điều này sẽ chi phối không nhỏ chính sách và hoạt động đối ngoại của nước Nga trong những năm tới.
Về phần mình, EU cũng đang nỗ lực chứng tỏ rằng họ có đủ quyết tâm và phương tiện trong việc giải quyết những vấn đề của khu vực, thay vì núp mãi dưới cái ô an ninh của NATO. Lực lượng Eulex với khoảng 2.000 nhân viên đã sẵn sàng lên đường, sau khi Brussels dàn xếp ổn thỏa một vài bất đồng trong nội bộ EU. Rõ ràng, EU nhận thấy rằng thất bại trong duy trì an ninh ở Balkan, như hồi những năm 1990, không chỉ ảnh hưởng tới tham vọng toàn cầu của Brussels mà còn để lại những hậu quả tàn khốc.
Trên một phương diện khác, có thể với hành động đơn phương của Kosovo không phải là không có lợi đối với Nga. Trước hết, sát cánh với Belgrad trong “cuộc chiến” chống Kosovo độc lập, Mátxcơva đã thành công trong việc củng cố quan hệ truyền thống đặc biệt với Serbia, qua đó ngăn cản kế hoạch mở rộng hơn nữa về phía Đông của EU và NATO.
Ngoài ra, với tiền lệ Kosovo, Nga đã có một quân cờ mạnh trong ván cờ ở không gian hậu Xô viết. Cách đây không lâu, Nga đã từng bóng gió rằng nếu Kosovo tuyên bố độc lập, Nga sẽ trả đũa bằng cách công nhận nền độc lập ở Abkhazia và Nam Ossetia thuộc Gruzia. Tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn Kosovo trở thành thành viên LHQ đã giúp nhắc Mỹ và phương Tây nhớ rằng Nga vẫn là một cường quốc với những sức mạnh mà họ không thể không tính đến.
Chỉ với một lời tuyên bố, những đường biên giới vốn ở Balkan một lần nữa sẽ phải vẽ lại, những nguyên tắc của luật pháp quốc tế bị xâm phạm, và quyền chính đáng của một dân tộc trở thành con bài phục vụ lợi ích của các cường quốc. Tuyên bố đó, vì vậy, giống như một liều thuốc độc dành cho tất cả.
Chí Thành