Tại châu Mỹ, Cuba nói chung và thủ đô Havana nói riêng là nơi có nhiều công trình mang tên các anh hùng hay địa danh lịch sử của Việt Nam, phản ánh tình cảm sâu sắc của nhân dân nơi đây đối với đất nước và con người Việt Nam. Trong số những công trình này, nổi bật nhất là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên công viên Hòa bình trên Đại lộ 26, một trong những con đường lớn nhất Havana.
Công trình tượng đài được đặt giữa công viên Acapulco rộng 5.600m2 ở quận Nuevo Vedado thuộc khu vực trung tâm của thủ đô Havana. Công viên này sau được đổi tên là công viên Hòa bình, nhưng đa phần người dân Havana thường gọi là công viên Hồ Chí Minh.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ năm, từ trái) chụp ảnh lưu niệm các đại biểu tại Tượng đài Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN) |
Phần tượng đài do kiến trúc sư kỳ cựu Yoel Díaz Gutiérrez, một người từng có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam, đảm nhiệm công tác thiết kế và giám sát thi công.
Phần tượng bán thân Bác Hồ bằng đồng do các nghệ nhân Việt Nam đúc. Trong chuyến thăm chính thức Cuba tháng 10/2002, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao bức tượng này cho phía Cuba. Công trình xây dựng sau đó được hoàn thành đúng dịp sinh nhật Bác Hồ 19/5/2003.
Nền của tượng đài làm bằng đá cẩm thạch màu đỏ, rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam, ở giữa trổ hình ngôi sao 5 cánh trồng hoa vàng, tượng trưng cho Quốc kỳ Việt Nam. Chính giữa ngôi sao là trụ đá bệ tượng, cao 2,1m, rộng 1m và dày 0,6m, tương ứng với kích thước bức tượng bán thân mà Việt Nam gửi tặng. Bệ tượng này là một khối đá hoa cương nặng 3 tấn lấy từ đảo Thanh niên của Cuba, đảm bảo độ vững chắc trước mọi biến động thời tiết.
Khung bảo vệ phía trên, gồm 4 thanh sắt mảnh sơn đỏ nổi bật trên nền cây xanh chung quanh, kết nối thành hình chóp tượng trưng cho chiếc nón Việt Nam. Trong số 4 thanh sắt, 3 thanh tượng trưng 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn; thanh còn lại tương trưng cho Quốc tế Cộng sản.
Điểm hội tụ ngay trên đỉnh tượng đài chính là sự tôn vinh khả năng phi thường của Bác Hồ trong việc đoàn kết các lực lượng cách mạng để cùng hướng tới mục tiêu chung là giải phóng dân tộc.
Do tượng được đặt tại phần trung tâm công viên, để tập trung tầm nhìn vào bức tượng, kiến trúc sư Yoel Díaz đã yêu cầu trồng một hàng cây tre ngay phía sau bức tượng, chắn tầm nhìn ra khoảng không phía sau. Theo ông, hàng tre này kết hợp với hàng cây cổ thụ cao lớn và bao trùm không gian phía sau còn gợi nhớ núi rừng chiến khu Việt Bắc và Điện Biên Phủ, nơi Bác Hồ đã sống và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giờ đây, việc chăm sóc công trình này thuộc về cộng đồng dân cư địa phương, nơi đã thành lập một nhóm hữu nghị với Việt Nam và có cả một phòng truyền thống trưng bày những kỷ vật liên quan tới đất nước quê hương của Bác Hồ.
Trong vòng hơn 10 năm qua, đã có hơn 150 đoàn chính thức của Việt Nam tới dâng hoa tại tượng đài này, trong đó có cả các đoàn cấp cao. Công trình cũng đã trở thành một điểm tham quan quen thuộc của du khách quốc tế khi tới Cuba, đồng thời vẫn giữ nguyên chức năng của một không gian để nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi cho người dân địa phương hay bất cứ khách bộ hành nào.
Công trình là một minh chứng nữa cho tình bạn thủy chung, son sắt và trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba, đồng thời cũng đưa hình ảnh Bác Hồ trở nên thân thuộc hơn đối với người dân Cuba.