Trong cuốn sách Nhà nước và pháp luật trong bối cảnh toàn cầu hoá, tác giả phân tích một số sự vận động, biến đổi cơ bản nhất của nhà nước và pháp luật trên thế giới giữa làn sóng toàn cầu hóa mãnh liệt, trong mối liên hệ với nhà nước và pháp luật ở Việt Nam. Có sự vận động đã manh nha mầm mống, nhưng cũng có sự biến đổi chưa thành hình trong thực tiễn đất nước hiện nay.
Bìa cuốn sách do Nhà xuất bản Tư pháp phát hành. (Nguồn: NXB) |
Toàn cầu hoá là quá trình phức tạp với nhiều xu hướng đan xen, có cả song hành lẫn trái chiều, diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hoá tới luật pháp.
Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của toàn cầu hoá là tạo ra sự liên kết chặt chẽ và nhanh chóng, mau lẹ ở phạm vi thế giới.
Trong một thế giới ngày càng phẳng, toàn cầu hoá góp phần phá vỡ thế độc tôn của các thiết chế nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và pháp lý nảy sinh.
Điều này buộc hệ thống quản trị quốc gia phải cải cách theo hướng tạo ra những cấu trúc linh hoạt, không cứng nhắc và áp đặt có thể xử lý các vấn đề phức tạp của xã hội đương đại.
Bối cảnh mới này thúc đẩy những vận động, biến đổi không chỉ của nhà nước mà còn làm thay đổi sâu sắc pháp luật, với tư cách là một công cụ điều chỉnh xã hội quan trọng.
Dĩ nhiên, các xu hướng biến đổi của nhà nước và pháp luật xuất hiện và phát triển dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng toàn cầu hoá là một trong những tác nhân quan trọng nhất.
Các xu hướng vận động và biến đổi này tồn tại ở nhiều cấp độ và dạng thức khác nhau, từ các xu hướng mang tích cục bộ, khu vực cho đến các chuyển đổi mang tính phổ biến, toàn cầu.
Nội dung của cuốn sách được trình bày trong 7 chương: Nhận thức chung về biến đổi của nhà nước và pháp luật trong bối cảnh toàn cầu hoá; Quản trị nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hoá; Vân động và biến đổi vai trò, chức năng của nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hoá; Tự quản địa phương như một xu hướng phổ biến; Sự phổ biến của nhà nước pháp quyền như một giá trị, chuẩn mực quốc tế; Sự phổ biến và xu hướng phổ quát hoá của quyền con người; Xu hướng đa dạng hoá các loại nguồn pháp luật
Dù là những xu hướng mang tính toàn cầu nhưng biểu hiện của chúng ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào trình độ phát triển và sự tác động của các cơ cấu kinh tế, tài chính, văn hoá cũng như mức độ hội nhập của mỗi quốc gia. Có nghĩa là, mức độ tác động của toàn cầu hoá đến nhà nước và pháp luật của mỗi quốc gia và khu vực là không giống nhau.
Cuốn sách chuyên khảo công phu này có thể khơi gợi một hướng nghiên cứu mới mẻ và sâu sắc hơn về tác động của toàn cầu hoá, đặc trưng bởi quá trình hội nhập quốc tế và tiến trình dân chủ hóa, tới các khía cạnh trong tổ chức và hoạt động của nhà nước Việt Nam cũng như từng lĩnh vực cụ thể của hệ thống pháp luật Việt Nam đang chuyển mình cùng thời đại.
Cuốn sách có thể là một tài liệu tham khảo phần nào hữu ích cho công tác nghiên cứu có liên quan, đóng góp vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.
| Tác động của Hội nhập quốc tế và CMCN 4.0 đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Ngày 17/11, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo chuyên đề khoa học “Tác động của Hội nhập quốc tế và Cách mạng ... |
| Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ra mắt trang thông tin điện tử và phát động chương trình khảo sát ý kiến của kiều bào Lần đầu tiên một chương trình khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp ... |