Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu kết luận Hội thảo 'Tác động của Hội nhập quốc tế và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TW; các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Hội luật quốc tế và các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực hội nhập, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng năm 2045” tại Kế hoạch 02-KH/BCĐ, Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ triển khai chuyên đề “Tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0 đến xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu mà các quốc gia muốn phát triển phải theo đuổi và tăng cường sự kết nối với tiến trình phát triển chung của thế giới.
Vừa qua, Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời gắn kết tiến trình hội nhập quốc tế với đổi mới hoàn thiện thể chế trong nước.
Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ, gắn với các công nghệ mới như 5G và hậu 5G, Trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), tự đồng hóa, số hóa, công nghệ sinh học.
Vì vậy, TS Phạm Lan Dung cho rằng, sự hội nhập sâu rộng, toàn diện của đất nước và sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mới đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự hai phiên chính, tập trung đánh giá tác động thuận và không thuận của hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0 đến quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đề xuất các khuyến nghị chính sách cho giai đoạn tới.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã dự báo triển vọng của hội nhập quốc tế và CMCN 4.0, qua đó đánh giá tác động thuận và không thuận tới tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các đại biểu cũng phân tích về các vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và hoàn hiện thể chế kinh tế phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của thế giới và khu vực; nâng cao tính đồng bộ về thực thi các cam kết quốc tế ở chính quyền các cấp, nâng cao năng lực hội nhập của địa phương; gia tăng sự đồng bộ giữa hội nhập quốc tế ở bên ngoài và đổi mới ở bên trong, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Hội thảo cũng đưa ra khuyến nghị về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các định hướng giải pháp hội nhập quốc tế và tham gia CMCN 4.0 đối với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, qua thảo luận sôi nổi, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đánh giá tâm huyết, sâu sắc, trí tuệ, góp phần làm rõ các tác động của quá trình hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0 đến xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ trưởng nhấn mạnh, qua ý kiến thảo luận, có thể thấy các yêu cầu từ tiến trình Hội nhập quốc tế và tham gia CMCN 4.0 đòi hỏi cần có một hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập quốc tế giai đoạn mới.
Do đó, việc đánh giá toàn diện các tác động từ hội nhập quốc tế và CMCN 4.0 là một phần quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa các chủ trương của Đại hội XIII. Đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước” trong giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng đánh giá cao ý kiến các đại biểu về tác động của hội nhập quốc tế, tham gia CMCN 4.0 đối với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; khẳng định các ý kiến sẽ là nguồn tham khảo quý giá, giúp Học viện Ngoại giao, Ban soạn thảo có sự bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hơn nữa chuyên đề.
| Nhiều kỳ vọng khi 'siêu hiệp định' RCEP có hiệu lực Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam kỳ vọng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu ... |
| Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới Hội nhập kinh tế quốc tế là bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới và là một trong những chủ trương ... |