📞

Một người bạn Mỹ “không... trầm lặng”

07:00 | 04/08/2018
Nói như vậy bởi không riêng giới ngoại giao, mà đông đảo tầng lớp nhân dân Việt Nam đều biết đến người bạn Mỹ này, qua những hoạt động vô cùng phong phú của ông tại Việt Nam. Ông là nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.

Chiều 31/7 vừa qua, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao Huân chương Hữu nghị cho ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017. Ông cũng là Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam được trao Huân chương Hữu nghị. Trong nhiệm kỳ này, Đại sứ Ted Osius đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Góp phần đưa quan hệ Việt -Mỹ lên một bước mới

Trong phát biểu tại Lễ trao Huân chương, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, quyết định tặng phần thưởng cao quý trên của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Ngài Ted Osius thể hiện sự ghi nhận của Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp quý báu của Đại sứ vào việc thúc đẩy và mở rộng mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ với tư cách là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017.

Theo Thứ trướng Lê Hoài Trung, về chính trị - ngoại giao, Đại sứ Osius đã tích cực thúc đẩy, thu xếp, tham gia nhiều chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (7/2016), chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (5/2017) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump (11/2017)...

Trong các chuyến thăm cấp cao này, Đại sứ Osius đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy để hai nước có những Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Việt - Mỹ, góp phần định hướng cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ phát triển cả trên bình diện song phương, đa phương và khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao Huân chương Hữu nghị cho ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đặc biệt, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Osius đã thúc đẩy việc chuẩn bị để Lãnh đạo cấp cao hai nước ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Quan hệ Việt - Mỹ, trong đó hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất, trên cơ sở tôn trọng thế chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Việt Nam cũng ghi nhận đóng góp tích cực của Đại sứ Ted Osius trong thúc đẩy hợp tác song phương trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển thực chất và hiệu quả. Trong nhiệm kỳ của Đại sứ Osius, kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh từ hơn 36 tỷ USD (năm 2014) lên hơn 41 tỷ USD (năm 2015) và 52 tỷ USD (năm 2016).

Mỹ tiếp tục duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với giá trị hơn 38 tỷ USD năm 2016. Tính đến hết tháng 9/2017, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 31 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2016, góp phần tăng cán cân thương mại Việt Nam đạt thặng dư  hơn 24 tỷ USD.

Trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam của ông Osius, Đại sứ quán Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) và Phòng thương mại Mỹ đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua, góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư lớn của Mỹ vào Việt Nam với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Năm 2015, tổng số vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam mới hơn 11,3 tỷ USD (781 dự án) thì tính đến tháng 5/2017, Mỹ đã đầu tư vào 834 dự án tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 10,2 tỷ USD, xếp thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam.

Chất keo gắn kết quan hệ song phương

Đại sứ Osius cũng góp phần thúc đẩy việc Mỹ tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (5/2016), qua đó giúp hai nước bình thường hóa quan hệ hoàn toàn. Đại sứ Osius cũng ủng hộ nỗ lực và hỗ trợ Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đầu tiên của Việt Nam vào năm 2016, cũng như hoàn tất dự án tẩy độc Sân bay Đà Nẵng... Bên cạnh đó, Đại sứ Osius cũng phối hợp hiệu quả với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, EAS và vấn đề Biển Đông...

Có thể nói hợp tác giáo dục là một điểm nhấn nổi bật trong những thành công của Đại sứ Osius tại Việt Nam, thông qua nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giáo dục đại học giữa hai nước. Đại sứ Osius còn là nhân tố quan trọng trong việc thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam, ông Ted Osius đã không trở về Mỹ mà ở lại dải đất hình chữ S trong vai trò Phó Chủ tịch FUV nhằm góp phần tạo dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.

Bản thân ông Osius cũng thường xuyên tới các địa phương của Việt Nam để tìm hiểu tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo của Việt Nam. Tại Lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã bày tỏ, Đại sứ Ted Osius là một trong những Đại sứ rất am hiểu văn hóa Việt Nam. Người dân Việt Nam vẫn luôn ấn tượng về clip Ngài Đại sứ thực hiện trước khi sang Việt Nam, vẫn giữ mãi hình ảnh đẹp về một vị Đại sứ bình dị trong trang phục truyền thống của Việt Nam và có các hoạt động đời thường gần gũi với người dân Việt Nam như đi chợ đào chuẩn bị Tết hay thả cá trong ngày Tết ông Công ông Táo. Hình ảnh đạp xe xuyên Việt của Đại sứ Ted Osius cũng nhận được sự chào đón của nhân dân các địa phương.

Thay cho lời kết, xin dẫn câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã đọc tại Lễ trao tặng Huân chương cho Đại sứ Ted Osius: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Nếu như trong đoạn video clip đăng tải trên tài khoản YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 1/12/2014, Đại sứ Osius đã chào nhân dân Việt Nam bằng tiếng Việt, rằng “một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập... đã, đang và sẽ là người bạn không thể thiếu của Mỹ”, thì có thể nói, ông đã trở thành một người bạn gần gũi và không thể thiếu của nhiều người dân Việt Nam.