Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng. |
Vị khách luôn được chào đón
Cá nhân Đại sứ cũng được trải nghiệm rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với một nước Mỹ thân thiện, chân thành và sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam.
So với nhiều nước, nghi lễ trình Quốc thư ở Mỹ đơn giản hơn nhưng vẫn rất thân tình. Đại sứ đi trình Quốc thư sẽ không đi cùng các cán bộ của Đại sứ quán mà đi với toàn bộ thành viên trong gia đình riêng của Đại sứ. Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, Tổng thống Mỹ trò chuyện và chụp ảnh thân mật với gia đình Đại sứ. Sau đó, Nhà Trắng sẽ tặng mỗi người trong ảnh một bức kỷ niệm kèm chữ ký của Tổng thống. Ông Lê Công Phụng vẫn rất trân quý bức ảnh hôm trình Quốc thư mà cựu Tổng thống George Bush và Phu nhân gửi tặng... đứa cháu nội ông, người có mặt trong ảnh lúc đó mới hơn 1 tuổi.
Ông Lê Công Phụng kể, trình Quốc thư xong, tháng 10/2008, ông đi Texas thăm cựu Tổng thống George Herbert Walker Bush. Cuộc trò chuyện diễn ra rất vui, ông Bush “cha” còn đùa rằng “ngài Đại sứ ở Washington nếu thấy chính quyền làm gì lộn xộn cứ gọi cho con trai tôi thu xếp”. Đại sứ Lê Công Phụng cũng mời ông thăm Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ ở Mỹ, nguyên Thứ trưởng Lê Công Phụng nhiều dịp được chứng kiến chính giới Mỹ dành cho Việt Nam những ưu ái đặc biệt. Câu chuyện Giáng sinh năm 2010 là một ví dụ. Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) lúc bấy giờ là ông Leon Panetta đã mời Đại sứ Việt Nam đến dự lễ giáng sinh. “Tôi rất ngạc nhiên vì hỏi các Đại sứ ASEAN thì được biết thông thường Giám đốc CIA chỉ mời đại sứ các nước đồng minh với Mỹ đến dự lễ, chứ hiếm khi mời các nước khác. Đến nơi thì thấy trong ASEAN chỉ có ba Đại sứ khác được mời là Philippines, Thái Lan và Singapore”, ông nhớ lại.
Đến Giáng sinh năm 2011, bên CIA tiếp tục mời Việt Nam. Đặc biệt hơn, Giáng sinh năm đó, trong số các nước ASEAN, Văn phòng Tổng thống Obama chỉ mời duy nhất Đại sứ Việt Nam!
Năm 2010, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, đông đảo các quan chức Mỹ đã tới dự, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Mỹ đại diện cho chính quyền, ngoài ra còn có cựu Tổng thống Bill Clinton. Theo chương trình, ông Bill Clinton chỉ đến phát biểu trong 15 phút rồi ra về, nhưng khi phát biểu xong thì cựu Tổng thống Mỹ nói riêng với nhà ngoại giao Việt Nam: “Ông Đại sứ ơi, hôm nay rất đông vui, tôi ở lại thêm thời gian ngoài chương trình được không?”. Sau đó, ông Bill Clinton quay trở lại, ngồi trò chuyện cùng các nghị sỹ khá lâu. Cựu Tổng thống nói rằng, hai đảng của Mỹ dù cãi nhau rất nhiều vấn đề nhưng trong quan hệ với Việt Nam thì cả hai đảng đều thống nhất là ủng hộ mối quan hệ này.
Thượng nghị sĩ John Kerry, cựu Tổng thống Bill Clinton và Đại sứ Lê Công Phụng trong một cuộc tiếp xúc tại Mỹ. |
Sự ủng hộ Việt Nam ở Mỹ thời điểm đó được thể hiện rất rõ ràng, ở nhiều câu chuyện với những ý nghĩa khác nhau dù lớn hay nhỏ. Đầu năm 2011, ông Lê Công Phụng có dịp tới Hawaii, thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Thống đốc bang Hawaii lúc đó có tiếng không thích Việt Nam nhưng khi gặp gỡ Đại sứ Việt Nam lại tỏ ra rất nhiệt tình, tặng Đại sứ chìa khóa công dân Hawaii và bàn chuyện thúc đẩy hợp tác.
Đặc biệt, khi ông Phụng tới Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, điều khiến ông vô cùng ngỡ ngàng là có tới 30 người dự buổi tiếp đón thay vì chỉ một vài người như ông dự đoán... Họ nói chuyện chân tình, bày tỏ làm tất cả những gì để có được hòa bình ổn định trong khu vực và trên Biển Đông, sẵn sàng làm những gì phía Mỹ cần làm. Không khí, tâm tư nhiệt huyết thúc đẩy quan hệ Việt Nam từ phía Mỹ là rất lớn.
Hai lần “thót tim”
Suốt nhiệm kỳ ở Mỹ, điều khiến ông cảm thấy tự hào và may mắn còn là việc tổ chức thành công chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Mỹ. Tháng 6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Mỹ và đã có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống George Bush, khi ấy, ông Bush sắp kết thúc nhiệm kỳ.
“Khi tôi kiến nghị về chuyến thăm, ý kiến trong nước cũng đa chiều. Chúng tôi tính rằng, Tổng thống Bush sắp hết nhiệm kỳ nhưng ông là người khởi xướng đẩy quan hệ với Việt Nam, nếu Thủ tướng ta sang được là rất tốt. Chúng tôi đã thuyết phục các bộ, ban, ngành cùng chung tiếng nói để thúc đẩy chuyến đi. Cuối cùng, chuyến đi được đánh giá rất cao, Mỹ khẳng định chính sách tích cực với Việt Nam. Việt Nam cũng đã gặp cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bày tỏ mong muốn tiếp đà quan hệ tốt đẹp. Tại Mỹ, đây cũng là thời điểm giao thời giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa”, ông Phụng chia sẻ.
Với ông, chuyến đi có ý nghĩa như Việt Nam đã “ghi” vào “sổ” mà Mỹ không “cãi” được về chính sách thúc đẩy phát triển với Việt Nam.
Tháng 9/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Phiên họp thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa họp thường niên lần thứ 64. Nhân dịp này có cuộc họp Mỹ-ASEAN.
Nhà ngoại giao kỳ cựu kể rằng, Hội đồng An ninh quốc gia thường xuyên gọi cho ông trước khi Chủ tịch nước lên đường sang Mỹ. Phía Mỹ thúc đẩy rằng: Ông làm thế nào để đoàn Việt Nam sang lần này phải nói về Biển Đông, tại sao lại không phát biểu? Trước đó, có thông tin các nước ASEAN đã họp và đồng thuận sẽ không nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa ASEAN và Mỹ.
Lúc ấy, Đại sứ Lê Công Phụng rơi vào thế bí và ông thường xuyên trao đổi với trong nước. Ông có gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và trình bày sự tình, không ngờ Chủ tịch nước chỉ đạo một câu khiến ông “nổi da gà”: “Chúng ta phải nói chứ, đây là dịp cần phải nói”. Ông Phụng quá vui mừng và thông báo cho phía Mỹ rằng Chủ tịch nước sẽ nói vấn đề Biển Đông. Không ngờ, khi Việt Nam phát biểu xong, thậm chí Indonesia, Malaysia, Brunei còn phát biểu mạnh hơn...
Suốt nhiệm kỳ làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Lê Công Phụng luôn đánh giá cao và trân quý những thiện tình từ phía Mỹ, đó thực sự là những nền tảng vững chắc tạo dựng niềm tin để cả hai phía cùng hướng tới những mục tiêu hợp tác xa hơn.