📞

Một thoáng văn học Thụy Điển

HỮU NGỌC 09:00 | 05/02/2023
Năm 1991, nhân chuyến công tác tại Thụy Điển, tôi có vinh dự được gặp và nói chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ văn chương Ingemar Algulin ở văn phòng của ông tại trường Đại học Tổng hợp Stockholm và dịch giả (tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Pháp) Jan Stolpe tại thư viện Viện Thụy Điển về văn học Thụy Điển.

Giáo sư, Tiến sĩ Ingemar Algulin dạy văn học so sánh tại trường Đại học tổng hợp Stockholm. Ông người cao, cân đối, trông rất trí thức và dễ gây cảm tình với bộ râu quai nón bạc trắng, nước da ửng hồng, ánh mắt và nụ cười thân thiện, giọng nói từ tốn. Còn dịch giả Jan Stolpe người cao, dáng thanh thanh, râu mép hơi bạc, có nụ cười hiền hiền, ông dịch văn học cổ điển Pháp rất nhiều: Voltaire, Diderot, Montesquieu, Balzac, Montagne...

Dưới đây, xin tóm tắt một số nội dung đã trao đổi với hai ông về văn học Thụy Điển.

Nền văn hóa Thụy Điển rất trẻ, thật sự trưởng thành từ thế kỷ XVII-XVIII, và thực sự có mặt ở văn đàn quốc tế rộng rãi từ thế kỷ XIX. Trước đây, giới trí thức Thụy Điển so với Tây Âu không đông.

Có một số nét xã hội-lịch sử ảnh hưởng đến văn học. Ở Thụy Điển, không bao giờ có chế độ phong kiến. Đã từ lâu, người nông dân tự do, không bị khốn khổ vì địa chủ, quý tộc như ở Tây Âu hay Nga. Do đó, đầu óc độc lập, cá thể rất mạnh. Người nông dân biết đọc từ lâu rồi, ít nhất từ thế kỷ XVIII, vì họ thường đọc Kinh thánh hàng ngày, do đó có nhiều độc giả. Thiên nhiên gắn với cuộc sống một cách hữu cơ. Không có nước nào, kể cả Đan Mạch, có luật cho phép ai đi chơi trong thiên nhiên cứ việc vào rừng, đồng cỏ, hồ ao... thuộc sở hữu người khác, chỉ cấm phá hoại thôi; văn học Thụy Điển rất đậm về trữ tình thiên nhiên.

Một đặc trưng nữa của văn học Thụy Điển cần nhấn mạnh. Đó là ngôn ngữ nói và viết rất gần nhau, không tách bạch như các tiếng khác về vốn từ và hành văn. Nếu thiếu từ, người viết có thể tạo ra từ mới. Do đó tác giả mới bắt đầu viết, không cần có văn hóa cao, tất cả tác giả lớn đều tự học. Vì vậy mà cả một trào lưu hiện thực vô sản với nhiều nhà văn lao động nông thôn đã có một vị trí quan trọng vào những năm 30 của thế kỷ XX.

Sự gắn bó máu thịt với thiên nhiên, kể cả ruộng đồng, vườn tược, làng mạc đã khiến cho nông thôn là đề tài lớn trong văn học Thụy Điển. Bạn đều có cảm giác như vậy khi đọc Lagerlöf. Lo Johansson, Sara Lidman về đề tài nông thôn. Trong tập một của bộ tiểu thuyết Những người di cư, Moberg tả nỗi cơ cực của nông dân Thụy Điển, bị bóc lột áp bức thậm tệ.

Cho đến thế kỷ XIX, nông dân và nông thôn là mảng lớn của văn học Thụy Điển. Nhưng những tác giả, kể cả Almqvist và Strinberg, đều thuộc nguồn gốc trung lưu và sinh hoạt ở thành thị. Cho đến đầu thế kỷ XX, nhất là giữa hai thế chiến, một nền văn học hiện thực vô sản đã xuất hiện với đội ngũ những tác giả nguồn gốc nông dân, tự học, nên có một cái nhìn sâu sắc, từ bên trong, về nông dân và nông thôn (Moberg là người đầu tiên, sau đó phải kể đến Lo Johansson).

Tuy nhiên, đã có một nền văn học hiện thực tư sản trước đó, vào đầu thế kỷ XIX, bắt đầu từ năm 1830. Người sáng lập nền văn học “hiện thực” của giai cấp trung lưu này, như Balzac của Pháp, là một phụ nữ, Fredrika Bremer. Bà còn là nhân vật tiên phong trong phong trào phụ nữ, còn để lại dấu ấn hoạt động cho đến ngày nay. Nhân vật Hertha của bà đã được lấy để đặt tên cho tờ báo của phong trào phụ nữ Thụy Điển.

Từ năm 1810, trong ba thập kỷ, chủ nghĩa lãng mạn đã mang sinh lực mới đến cho nền văn học Thụy Điển, ngưng lại những khuôn sáo cổ điển. Nó chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn duy tâm Đức. Nó đề cao tinh thần dân tộc, trở lại nguồn cội để tìm “tinh thần Bắc Âu”. Nhờ thế mà nó có một vị trí cao trên văn đàn Thụy Điển. Về chính trị, nó khá bảo thủ. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nhất là với sự truyền bá lý tưởng cách mạng 1848 ở khắp châu Âu, nhiều nhà văn Thụy Điển, điển hình là Almqvist, đã theo con đường cấp tiến, xã hội không tưởng.

Có thể coi năm 1960 là năm bản lề. Sau Thế chiến II, trong những năm 50, văn học Thụy Điển nặng về vấn đề mỹ học và thế giới quan, đồng thời phản ánh một tinh thần dân chủ-nhân văn khuynh tả, thừa hưởng của thế kỷ XIX, phù hợp với một chính thể đề cao phúc lợi xã hội và dân chủ; đó là một nền văn học hướng về các vấn đề đối nội, một chiều hơn. Từ khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ XX, văn học Thụy Điển mở rộng ra các vấn đề toàn cầu và có một tinh thần “dấn thân”, phê phán mạnh mẽ; diễn biến này gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Thụy Điển, giao thông, đường hàng không phát triển cùng với các phương tiện thông tin, và ảnh hưởng của trào lưu quốc tế. Các cuộc tranh luận văn hóa xoáy sâu vào sự bất công giữa những nước công nghiệp giàu có và thế giới thứ ba nghèo đói, chủ nghĩa thực dân, và các khía cạnh tiêu cực của xã hội tiêu thụ, nhất là ô nhiễm môi trường cùng chạy đua vũ trang có thể hủy hoại thiên nhiên và nhân loại.

Năm 1965, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là ngòi nổ mở đầu cho một trào lưu văn học đấu tranh về những vấn đề nói chung. Khuynh hướng phê phán dồn dập này đạt đỉnh cao trong nhưng năm 60 đến khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ XX. Sau đó, không khí sôi nổi cách mạng dịu đi. Có thể nói, một số lập trường cấp tiến có vẻ hơi bảo thủ hơn. Văn học trở lại đi sâu vào những vấn đề nghệ thuật và nhân sinh quan. Chính quyền ủng hộ “Quỹ tác giả” của Hội Nhà văn, trợ cấp thường xuyên một số tiền cho những tác giả vững tay nghề để họ yên tâm sáng tác.