Bác Hồ thăm Quảng Ninh. |
Ngày 2/9/1945, ông đã có vinh dự cùng đồng đội bảo vệ cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Và một thời đáng nhớ...
Sau đó, ông và một số người nữa được đồng chí Lê Thanh Nghị - Thường vụ xứ Bắc kỳ điều động bổ sung lực lượng tạo lập chính quyền vùng mỏ Hồng Gai.
Thời đó, Hồng Gai chưa ra khỏi nạn đói, chủ mỏ hoạt động cầm chừng, ngóng chờ ngày Pháp quay trở lại. Việc giành giật tạo lập chính quyền vùng mỏ diễn ra quyết liệt giữa lực lượng Cờ đỏ sao vàng (Việt Minh) được đông đảo nhân dân ủng hộ với nhóm cờ Ba vạch (Việt Cách - Việt Chí) theo đạo quân Tưởng nhân danh Đồng Minh giải giáp tàn quân Nhật đã tràn qua Móng Cái muốn xóa bỏ cách mạng Việt Nam, tạo dựng chính quyền tay sai.
Chuyên lo xây dựng phong trào công nhân cứu quốc, trước hết “tôi lo bảo vệ việc làm, chống các thủ đoạn sa thải công nhân, đặc biệt đấu tranh đòi chủ mỏ trả phần lương gạo có chất lượng, loại trừ gạo mọt, mục… động viên công nhân đi theo Việt Minh cứu nước, cứu mình”. Chính quyền cách mạng vùng mỏ đã ra đời từ đó, bừng lên ba phong trào: chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sôi nổi trong nhân dân.
Ông Lê Bùi sinh năm 1925, nguyên Trưởng Ban cán sự Đảng Thị xã Cửa Ông, nguyên Thư ký Công đoàn tỉnh Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch UBMT tổ quốc Quảng Ninh từ ngày thành lập Tỉnh năm 1963. |
Ông đã nằm ở vùng hậu định tại Cửa Ông suốt 6 năm (từ 1950 đến 1955 - PV) để xây dựng và chỉ đạo cơ sở cách mạng trong thời điểm gian khó đó của 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược.
“Tất cả những hành động tàn bạo đó của giặc không sao khuynh đảo được tình yêu nước, lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của nhân dan vùng mỏ”, ông vung tay nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 1954 - 1955, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Chính phủ Pháp buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, toàn bộ quân viễn chinh Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương khác thuộc đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (cũ) đều nằm trong khu vực tập kết 100 ngày và 300 ngày của quân đội Pháp. Trong những ngày cuối cùng trước khi cuốn cờ rút khỏi Khu mỏ, địch ráo riết khủng bố, ép buộc nhân dân di cư vào Nam, khiêu khích quân sự, di chuyển trái phép và phá hoại máy móc, thiết bị...
“Cả Khu mỏ dấy lên phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống địch phá hoại, bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị và ổn định xã hội, chuẩn bị cho ngày tiếp quản Khu mỏ”. Vào thời điểm đó, ông dẫn đầu “Đội hành chính vào trước” đi tiếp quản cơ sở quản lý hành chính khu vực mỏ Cẩm Phả và một đơn vị khác đã làm việc với bộ máy SFCT (Công ty Than của Pháp tại Bắc kỳ) đưa ra yêu cầu: “không được dừng sản xuất, không được đóng cửa mỏ, không được giảm thợ, đảm bảo đời sống của công nhân, phải bàn giao máy sống…”.
Thậm chí, ông cùng các đồng chí của mình còn yêu cầu phía Pháp phải giữ nguyên “bộ máy” để các mỏ và nhà máy tiếp tục hoạt động. “Chúng ta đã giữ vững toàn bộ đội ngũ công nhân mỏ, kể cả đội ngũ cai, ký, giám thị và giữ cả một số kỹ sư Pháp trong bộ máy điều hành trước đây của SFCT. Tất nhiên ta giữ họ có lợi cho sản xuất, còn việc quản lý do ta sắp xếp, điều hành”. Ông đã cùng các đồng chí của mình giữ cho vùng mỏ tại Cẩm Phả vẫn hoạt động cho đến ngày 18/5/1955, ta đã tiếp quản hành chính và nhận bàn giao chính thức khu vực Cửa Ông - Cẩm Phả. Chiến công đó của ông và các đồng chí của mình đã góp phần khôi phục, phát triển và xây dựng những cơ sở vật chất ban đầu của chế độ mới chỉ trong một thời gian ngắn.
Lịch sử đã chứng minh: Người Pháp rút khỏi Khu mỏ đã tuyên bố: “Ít ra phải 20 đến 25 năm nữa người Việt Nam mới đào được than”. Nhưng thực tế chỉ 2 ngày sau đó, anh chị em công nhân mỏ đã khôi phục được sản xuất ở các nhà máy, tầng lò, bến cảng... Sau 3 năm (từ 1955-1958), ngành Than đã khai thác được 2,4 triệu tấn than, vượt năm cao nhất thời Pháp thuộc.
Người may mắn nhiều lần gặp Bác Hồ
Khi tôi nhắc lại thời điểm ông cùng đồng đội bảo vệ cuộc mít tinh, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, ông nói, đó là lần đầu tiên ông được “gặp” Bác Hồ.
Trong số những lần Bác về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, ông đều vinh dự được “gặp”. Những lần đó, Bác đến thăm dân, bộ đội, Bác dự mít tinh, Bác làm việc với Đảng bộ tỉnh… lần nào ông cũng thấy Bác như “ông Tiên” giáng trần lo việc cho dân, cho nước. Hình ảnh Bác vẫn quen thuộc đối với mọi người: Tóc bạc trắng, da thắm hồng, đôi mắt rực sáng, nụ cười hiền hậu. Và ông nhớ đến kỷ niệm sâu sắc được Bác “phê bình”…
Lần ấy ông về tập huấn tại Trường cán bộ Công đoàn (Trường Đại học Công đoàn ngày nay, tại Hà Nội), lúc đó có mặt đông đủ các học viên đang vui mừng, chuẩn bị đón Bác đến thăm (tháng 1/1957 - PV). Ông kể: Trong lúc nói chuyện với các cán bộ, học viên trong Trường, Bác đang cầm tờ báo “Vùng mỏ” (báo Quảng Ninh ngày nay), Bác hỏi: “Có chú nào ở Hồng Quảng ở đây không?”.
Tôi đứng lên nói: “Thưa Bác, có cháu ạ”.
Bác hỏi: “Chú đã đọc tờ báo Vùng mỏ về cái nhà ăn số 4 chưa?”.
May mà tôi cũng đã đọc tờ báo, nên trả lời: “Thưa Bác, cháu đọc rồi ạ”.
Bác hỏi lại: “Chú thấy có vấn đề gì không?”.
Tôi trả lời: “Thưa Bác, dạ có thiếu sót trong việc tổ chức phục vụ công nhân vùng mỏ, bữa ăn tổ chức không được tốt ạ”.
Bác hỏi lại: “Thế bây giờ chú giải quyết việc gì?”.
Tôi trả lời: “Báo cáo với Bác là chúng cháu sẽ về xem xét lại mọi việc và tìm mọi cách khắc phục thiếu sót đã xảy ra. Không để xảy ra không chỉ ở một nhà ăn này mà các nhà ăn khác của công nhân cũng phải kiểm tra, xem xét lại. Chỗ nào làm chưa tốt phải củng cố, khắc phục ngay”.
Bác nói: “Chú nói thế thì được, chú ngồi xuống”.
Như vậy có thể thấy, Bác rất chú ý đến đời sống của công nhân.
Từ đó, “tôi rút ra bài học phải làm việc rất cụ thể. Như Bác là Lãnh tụ của một đất nước mà đọc từng tờ báo, xem xét từng nhà ăn của công nhân. Bác rất gần với nhân dân, hiểu từng li từng tí một. Chúng tôi là lớp người luôn học tập và làm theo lời Bác, hàng ngày làm sao phải sửa chữa những thiếu sót của mình, luôn luôn xem xét những công việc của mình”.
Ông cũng vinh dự được “bơi cùng Bác” (ông, một số đồng chí lãnh đạo và các đồng chí cận vệ đã bơi sau bảo vệ Bác - PV) khi Người cùng với Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô Gherman Titov thăm Vùng mỏ và thăm Vịnh Hạ Long, tháng 1/1962. Đó là chuyện “nhớ đời, không thể nào quên”.
Cứ thế, trong suốt buổi nói chuyện, lúc nào tôi cũng thấy ông đầy nhiệt huyết và cảm xúc khi nói về một thời cống hiến tất cả cho Tổ quốc. Có lẽ đó là tố chất sẵn có của lớp người suốt đời tận tụy với sự nghiệp cách mạng.
Trước khi tôi ra về, ông còn đưa tôi bản “Thành tích kháng chiến đặc biệt xuất sắc của Ngư dân xã Văn Châu, thị xã Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh trong kháng chiến chống Pháp những năm 1950 -1955”.
Ông cho biết: “Đây là bản tóm tắt những nhận xét của tôi để phúc đáp đề nghị của tỉnh Quảng Ninh xin Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ngư dân của xã”. Văn Châu chính là nơi ông đã có 6 năm nằm vùng địch tạm chiếm để chỉ đạo cơ sở cách mạng tại Cửa Ông.
Văn bản phúc đáp của ông gửi UBND tỉnh Quảng Ninh đề ngày 18/9/2013.
Tuấn Anh (ghi)