Ngày 23/7, Tổng thống Rodrigo Duterte đã trình bày Thông điệp Quốc gia thường niên trước Quốc hội Philippines, trong bối cảnh ông phải đối mặt với sự phản đối của một bộ phận không nhỏ người dân và Quốc hội. Thậm chí, chỉ vài tiếng trước khi sự kiện bắt đầu, ông Duterte đã từ chối tham dự, cho đến khi yêu cầu bổ nhiệm cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo thay ông Pantaleon Alvarez làm Chủ tịch Hạ viện được đáp ứng.
Do đó, bản Thông điệp 2018 được hy vọng là phần nào hóa giải tình thế khó khăn trước mắt và giúp ông giành lại sự ủng hộ của dân chúng và Quốc hội. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi ông Duterte thể hiện bản lĩnh của một chính trị gia đứng đầu đất nước, chứ không đơn thuần chỉ là cá tính “dám nghĩ dám làm” hay những phát ngôn thẳng thắn thường thấy.
May mắn thay, Tổng thống Duterte đã không khiến mọi người thất vọng, khi trình bày Thông điệp Quốc gia rất ngắn gọn, chỉ kéo dài 50 phút. So với những bài phát biểu trước, ông Duterte chỉ đề cập đến các vấn đề then chốt trong nhiệm kỳ của mình như chiến dịch chống ma túy, phòng chống tham nhũng, tiêu diệt lực lượng khủng bố thân Nhà nước Hồi giáo (IS), duy trì chính sách ngoại giao độc lập và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại nước ngoài.
Đầu tiên, ông Duterte đề cập đến những thành tựu trong chiến dịch chống ma túy, song cho rằng chính phủ cần mạnh mẽ và “không nao núng” hơn nữa. Ông cũng cảm ơn Quốc hội đã thông qua Đạo luật Hỗ trợ Kinh doanh, khẳng định rằng các cơ quan cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và triệt để hạn chế tình trạng tham nhũng. Nhà lãnh đạo Philippines gửi lời tri ân tới các binh lính và cảnh sát thiệt mạng trong chiến dịch tại thành phố Marawi, song cũng sẵn sàng khoan hồng với bất kỳ ai đầu hàng chính phủ.
Đồng thời, Tổng thống Duterte cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi một “chính sách đối ngoại độc lập”, đề cập đến việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, song lại chủ yếu nhấn mạnh “tái khởi động” quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích tại vùng biển “Tây Philippines”. Ông cũng khẳng định sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của lao động Philippines tại nước ngoài, coi đây là “ưu tiên cao nhất về đối ngoại” thời gian tới.
Trình bày mạch lạc, súc tích, khái quát được nhiều vấn đề, không sa đà vào chỉ trích, bài phát biểu của ông Duterte đã nhận được sự tán thành của không ít chuyên gia và học giả. Marites Vitug, phóng viên và cộng tác viên kỳ cựu của tờ Rappler nhận định đây là một trong những bài phát biểu hiếm hoi mà bà cảm thấy hài lòng, đặc biệt là khi ông Duterte đã đề cập rõ ràng đến những dự luật mà ông muốn Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng Tổng thống đã quá tập trung vào mô tả chi tiết chính sách của mình mà không đưa ra được một “bức tranh toàn cảnh”, định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Tương tự, nhà sử học Leloy Claudio cho rằng với Thông điệp Quốc gia 2018, ông Duterte đã ít nhiều trở về với phong cách lãnh đạo “truyền thống” của những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, điều đó lại khiến bài phát biểu ông không thể hiện được cá tính và sự nhiệt huyết thường thấy của nhà lãnh đạo này. Bi quan hơn, nhà kinh tế học JC Punongbayan cho rằng ông Duterte đã không đề cập và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề được nhiều người quan tâm, trong đó có lạm phát cao.
Dẫu vậy, khó có thể phủ nhận rằng Tổng thống Duterte đã có một Thông điệp Quốc gia thành công, thể hiện được bản lĩnh của người đứng đầu đất nước, đồng thời mang tới cho người dân hy vọng về kỷ nguyên mới của Philippines.