Back to E-magazine
e magazine
09:06 | 09/02/2024
Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

09:06 | 09/02/2024

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải nhiều lần nói: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ trước thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào, cá nhân chúng tôi và các chiến sỹ cũng lên đường với đúng tinh thần đó! Đó là hành trình ông và cộng sự thấu hiểu hơn về nhân sinh, về được mất và cho nhận giữa những con người, giữa các dân tộc…

Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải nhiều lần nói: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ trước thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào, cá nhân chúng tôi và các chiến sỹ cũng lên đường với đúng tinh thần đó! Đó là hành trình ông và cộng sự thấu hiểu hơn về nhân sinh, về được mất và cho nhận giữa những con người, giữa các dân tộc…

Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ đã từng chia sẻ, những hình ảnh trong trận động đất lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ là những kỷ niệm sẽ đi theo ông suốt cuộc đời! Dẫu biết rằng, một nhà ngoại giao “mang chuông đi đánh xứ người” sẽ luôn có những khó khăn, thử thách. Nhưng có bao giờ Đại sứ lường được khó khăn lại đến mức như vậy?

Trong thời đại hiện nay, thiên tai như lũ lụt, động đất, sóng thần không thể nào lường trước. Đối với chúng tôi, trước khi sang địa bàn cũng đều biết động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải là mới và có những trận động đất rất khủng khiếp trong lịch sử. Ví dụ như trận động đất đầu năm 1938 đã cướp đi sinh mạng của 50.000 người. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lịch sử và chúng tôi được biết đến qua sách. Với trận động đất vừa qua, chúng tôi mới thực sự mắt thấy, tai nghe về thảm họa thiên nhiên ở vùng đất Á-Âu này.

Sau hai rung chấn 7,6 và 7,8 độ richter ngày 6/2/2023, tính đến tháng 7/2023, tức khoảng 5 tháng sau đó, cơ quan dự báo khí tượng của Thổ Nhĩ Kỳ mới thống kê có khoảng 39.000 cơn dư chấn. Đây là cuộc động đất khủng khiếp mà bản thân người dân cũng không tưởng tượng nổi, đồng thời là kỷ niệm khó phai mờ trong tôi, đi cùng với tôi những năm tháng sau này. Trận động đất để lại trong chúng tôi không chỉ là hình ảnh về thảm họa thiên nhiên khủng khiếp mà còn là những hoạt động gắn liền với khắc phục hậu quả động đất sau này.

Nỗi sợ là đương nhiên, có lẽ với tất cả mọi người! Đêm ngày 7/2/2023, đoàn chúng tôi đến thành phố Adiyaman, cách trung tâm điều phối của Thổ Nhĩ Kỳ tầm 300km, trên đường đi, các vết đứt gãy vẫn còn, những con đường gạch đá vẫn ngổn ngang, lúc đó, chúng tôi đều nghĩ không biết chuyện gì có thể xảy ra. Mọi cảm xúc chỉ có thể gói gọn trong hai từ “khủng khiếp”. Nguy hiểm rình rập và không thể lường trước mặc dù chính quyền sở tại đều có những đánh giá tình hình nhất định nên mới cho phép các đoàn xe đi.

Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho điMột Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho điMột Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho điMột Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

“Đơn thuần, chúng tôi nghĩ, đó chỉ là một nhiệm vụ, trách nhiệm chúng tôi phải làm - một nhiệm vụ nguy hiểm hơn các nhiệm vụ khác và phải hoàn thành”.

Có lẽ nỗi sợ trước những hiểm nguy đến cả tính mạng là đáng sợ nhất. Làm sao có thể vượt qua để bước đi thực hiện nhiệm vụ với tâm thế “nhẹ tựa lông hồng”?

Thật ra, bên cạnh nỗi sợ đó thì mục đích của chúng tôi đi là giúp bạn, cứu nạn cứu trợ. Vì vậy, nếu như mới nhìn thấy sơ bộ đã sợ mà quay trở về thì không hoàn thành nhiệm vụ! Trong cơn hoạn nạn, nhìn sang bên cạnh, người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn ngược xuôi, đi lại bình thường, lao về những nơi khủng khiếp nhất của thảm họa, chúng tôi cũng cảm thấy phần nào có được sự động viên. Do vậy, đoàn chúng tôi cũng quyết tâm đi đến tận nơi chúng tôi cần phải đến.

Sau đêm đó, chính quyền sở tại thu dọn rất nhanh, tạo ra một mặt bằng thuận lợi hơn cho đi lại của đoàn cứu hộ. Chúng tôi coi đây như là lớp học miễn phí bởi chúng ta hằng năm phải đối phó với rất nhiều thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, xói lở nhưng chưa có kinh nghiệm về động đất, đây cũng như một thao trường để chúng ta có thể diễn tập mà hoàn toàn không mất phí. Khi đoàn chúng tôi đến những nơi được giao nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, mọi người dần quen với thực tế, với khung cảnh khốc liệt xung quanh mặc dù vẫn còn đó không ít nguy cơ như nhà cửa có thể đổ sập. Và thực tế, sau 2 tuần làm việc, cảm giác sợ hãi đó, một cách kỳ lạ, hoàn toàn biến mất.

Thực ra lúc đó, đoàn của Đại sứ quán đi cùng đoàn cứu hộ cứu nạn của ta không có bất cứ suy nghĩ gì về việc đây có phải là công việc dấn thân vào nguy hiểm hay không dù cho được cảnh báo phải hết sức cẩn trọng từ chính quyền sở tại. Song chúng tôi nghĩ hết sức đơn giản đây là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đây là 2 đoàn cứu hộ cứu nạn quốc tế lần đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam, đến một địa bàn hoàn toàn mới lạ, vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của anh em Cơ quan đại diện. Đơn thuần, chúng tôi nghĩ, đó chỉ là một nhiệm vụ, trách nhiệm chúng tôi phải làm - một nhiệm vụ nguy hiểm hơn các nhiệm vụ khác và phải hoàn thành.

Có lẽ, mỗi nhiệm vụ đều có khó khăn riêng, nhiệm vụ lần này hoàn toàn mới đối với chúng tôi. Để giải thích cho sự bình tĩnh của chính mình hay sự dấn thân như mọi người cảm nhận, thì có lẽ chính chúng tôi, ngay những giây phút đầu tiên nhận nhiệm vụ, cũng không lường trước được mức độ nguy hiểm của công việc mình đang làm và chỉ có thể cảm nhận rõ sự nguy hiểm rình rập khi đã thực sự đi sâu vào nhiệm vụ, trải nghiệm những ngày tháng tiếp theo ở vùng thảm họa. Vào thời điểm đó rất may thời tiết khá đẹp, trong hai tuần tiếp theo, tuyết không rơi, nếu không thì không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.

I. Nếu là bạn,
bạn cũng sẽ hành động như chúng tôi!

Nhớ lại 2 tuần thực hiện nhiệm vụ vô cùng đặc biệt đó, có những hình ảnh nào đã chạm đến lòng trắc ẩn của Đại sứ, một lòng trắc ẩn đều có trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam?

Việc tham gia vào hoạt động cứu hộ cứu nạn mang đến cho chúng tôi rất nhiều nghĩ suy, cảm xúc đa chiều. Ngay cả ở Việt Nam tôi cũng chưa trải nghiệm những nơi bão lũ hay sạt lở phá hoại cuộc sống của người dân nặng nề đến mức ấy, khi đến đây, với những ngày tháng đó, tôi mới có thể cảm nhận được mức độ tàn khốc của thảm họa thiên nhiên.

Khi bạn hỏi tôi câu này, với cá nhân tôi có hai hình ảnh hiện ngay lên trong trí nhớ và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tôi quên. Hình ảnh đầu tiên là khi đoàn xe của chúng tôi xuống nơi tâm chấn có đi qua một trường học. Sân trường thì rộng, hàng hóa viện trợ lúc đó rất nhiều, phần lớn là những túi quần áo từ các nơi gửi về cho người dân chạy nạn trong tiết trời mùa Đông lạnh lẽo. Giữa những thứ “vô tri” đó, duy nhất một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ ngồi trên đống quần áo trong không gian mênh mông với bộ mặt thất thần khiến tôi suy nghĩ: “Lẽ nào chính người đàn ông đó cũng quặn lòng không biết mình chọn quần áo để làm gì trong khi người thân đã không còn nữa?”.

Hình ảnh thứ hai, cũng với một cảm xúc tương tự, khi tôi chứng kiến một phụ nữ ngồi cạnh ngôi nhà bị đổ sập, chỉ còn lại chút tàn dư. Chị ngồi trên ghế, đầu gục xuống, một nỗi buồn mênh mông đến vô tận khiến tôi liên tưởng có lẽ trong ngôi nhà tan vỡ ấy là người thân yêu của chị! Không còn có gì có thể diễn tả hết nỗi buồn của những người dân nơi đây. Có những gia đình 9-10 người nhưng chỉ sau một cơn địa chấn tất cả đều thiệt mạng, hoặc có những gia đình chỉ còn 1-2 người sống sót thì tình cảnh của họ cũng rất là tang thương, họ mất định hướng và không biết tại sao mình lại phải sống trên cõi đời này!

Chứng kiến những cảnh ấy khiến tôi nghĩ phải chăng đây là sự đày đọa của thiên nhiên, rằng thiên nhiên đang muốn trừng phạt con người? Đây là những hình ảnh tôi nhớ mãi và càng thôi thúc tôi cần phải hỗ trợ họ, dù đó không phải là đồng bào mình, là những người dân Thổ Nhĩ Kỳ xa lạ.

Những chiến sỹ Việt Nam ngày đêm lăn xả nơi tâm chấn tại đất nước bạn xa xôi.Những chiến sỹ Việt Nam ngày đêm lăn xả nơi tâm chấn tại đất nước bạn xa xôi.Những chiến sỹ Việt Nam ngày đêm lăn xả nơi tâm chấn tại đất nước bạn xa xôi.Những chiến sỹ Việt Nam ngày đêm lăn xả nơi tâm chấn tại đất nước bạn xa xôi.

“Nhìn lại, có thể coi những gì ta làm thời điểm đó là thành quả đối ngoại ngoài tưởng tượng, song chúng tôi nhấn mạnh lại là thời gian ấy chúng tôi không hề nghĩ gì đến thành tựu mà chỉ làm hết sức bằng trách nhiệm, lương tâm và trái tim mình, trái tim của những người Việt Nam vượt gần 10.000 km sang đất nước bạn xa xôi”

Hành trình của đoàn cứu hộ cứu nạn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam. Trong những hình ảnh gửi về từ thực địa, dư luận rất cảm động trước hình ảnh một vị Đại sứ mặc chiếc áo khoác nâu giản dị, lăn xả, đôi mắt thâm quầng có lẽ vì thiếu ngủ… Thêm vào đó, tình người Việt – Thổ cũng thật ấp áp qua những cái ôm chia sẻ. Từ đó, Đại sứ cảm nhận như thế nào về cái tình của người Việt Nam?

Khi chứng kiến những tình cảm, phúc đáp của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với các chiến sỹ của ta, không chỉ mình tôi mà tất cả chiến sĩ đều cảm động. Tôi còn nhớ, khi đoàn các chiến sĩ của ta kết thúc sứ mệnh và đang tập trung ở sân bay để trở về nước thì tình cờ gặp những người dân sở tại. Khi được nghe nói đây là các chiến sĩ Việt Nam sang cứu hộ cứu nạn thì họ ngay lập tức tập trung lại, có những người còn quỳ xuống, chắp tay xem như là một lời cảm ơn chân thành nhất từ tận đáy lòng!

Còn chúng tôi chỉ nghĩ rất đơn thuần, đây là những hành động cần thiết phải làm, là những hành động tương thân tương ái giữa người với người như ông cha ta đã từng nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay là “cứu một người phúc đẳng hà sa” chứ không nghĩ mình đang làm công tác đối ngoại và có mục đích thông qua hình ảnh này để cho thế giới biết Việt Nam thế nào. Vì thế, chúng tôi rất cảm động trước sự tri ân của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thậm chí, nhiều tháng sau đó, khi có dịp gặp lại người dân Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh xảy ra thảm họa, họ vẫn mở cho chúng tôi xem những hình ảnh chiến sĩ Việt Nam họ đã lưu lại trên điện thoại mà chúng tôi không hề hay biết. Dù thời gian đã trôi xa dần, chúng tôi vẫn còn nhiều lắng đọng khi nhắc đến những tháng ngày đó. Thảm họa thiên nhiên không chừa một ai và khi nhìn cảnh thương tâm thì không chỉ người Việt Nam mà tất cả bạn bè trên thế giới cũng sẽ hành động như chúng tôi thôi!

Cũng nhờ tình cảm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Việt Nam, từ đó, công việc đối ngoại của chúng tôi cũng được triển khai rất dễ dàng. Nhìn lại, có thể coi những gì ta làm thời điểm đó là thành quả đối ngoại ngoài tưởng tượng, song chúng tôi nhấn mạnh lại là thời gian ấy chúng tôi không hề nghĩ gì đến thành tựu mà chỉ làm hết sức bằng trách nhiệm, lương tâm và trái tim mình, trái tim của những người Việt Nam vượt gần 10.000 km sang đất nước bạn xa xôi.

II. Không có mục tiêu từ khối óc,
chỉ có hành động từ trái tim

Vâng, có lẽ “ngoại giao công tâm” hay “ngoại giao thu phục lòng người” sẽ không đặt mục tiêu lên trước tiên mà sẽ đặt sự chân thành và thấu hiểu, sẻ chia hơn tất cả?

Lịch sử đất nước Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới đều cho thấy, không có gì tốt hơn, mạnh hơn việc thu phục được lòng người, cha ông ta đã có câu “lạt mềm buộc chặt”.

Tôi khẳng định Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn dựa trên tinh thần cùng chia ngọt sẻ bùi, cá nhân chúng tôi và các chiến sĩ cũng lên đường với đúng tinh thần đó. Kết quả chúng ta thu được, cái mà chúng ta gọi là ngoại giao công tâm, đến như một lẽ tự nhiên mà thôi! Chúng ta thực hiện sứ mệnh đó hoàn toàn không có mục đích là để thu phục lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó. Cha ông ta cũng đã từng dạy rằng, chúng ta hãy cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm đúng với tình cảm của mình thì kết quả sẽ không phụ, mình tốt với người thì người sẽ không phụ ta.

Tôi cho rằng, khi mọi việc đã qua đi, nhìn lại kết quả đạt được, chúng ta đánh giá đó là ngoại giao công tâm, chắc chắn không có gì là sai, nhưng trong thời điểm chúng tôi làm nhiệm vụ hoàn toàn không đặt mục đích đối ngoại mà đơn thuần chỉ là chúng tôi chỉ muốn sẻ chia. Đã có những khoảnh khắc tôi nghĩ không biết mình có thể “tai qua nạn khỏi” được ở nơi thảm họa khủng khiếp như thế này hay không, động lực duy nhất để tôi cố gắng là giúp đỡ những người dân Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng đáng thương.

Có những khoảnh khắc gian nan đến vô cùng nhưng các chiến sỹ vẫn hành động vì tiếng gọi từ trái tim.Có những khoảnh khắc gian nan đến vô cùng nhưng các chiến sỹ vẫn hành động vì tiếng gọi từ trái tim.Có những khoảnh khắc gian nan đến vô cùng nhưng các chiến sỹ vẫn hành động vì tiếng gọi từ trái tim.Có những khoảnh khắc gian nan đến vô cùng nhưng các chiến sỹ vẫn hành động vì tiếng gọi từ trái tim.Có những khoảnh khắc gian nan đến vô cùng nhưng các chiến sỹ vẫn hành động vì tiếng gọi từ trái tim.

Đã có những khoảnh khắc tôi nghĩ không biết mình có thể “tai qua nạn khỏi” được ở nơi thảm họa khủng khiếp như thế này hay không, động lực duy nhất để tôi cố gắng là giúp đỡ những người dân Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng đáng thương.

Tôi nghĩ có thể có những người nào đó đặt câu hỏi rằng sự giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy của Việt Nam có hoàn toàn chí công vô tư hay không? Có hoàn toàn xuất phát từ trái tim hay không?

Đúng như vậy, rõ ràng, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó không phải là mối quan hệ quá khăng khít, không sát sườn đến như vậy!

Do đó, chính việc Đảng và Nhà nước ta quyết định cử hai đội cứu trợ sang Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm nước sôi lửa bỏng đã thể hiện một sự chân thành của người dân Việt Nam.

Thêm nữa, tôi muốn kể một câu chuyện dù nhỏ thôi nhưng có một thông điệp quan trọng trong đó: Khi các chiến sĩ của ta đang tác chiến ở hiện trường thì có một người phụ nữ đứng tuổi lại gần, bà quỳ lạy mong các chiến sĩ của ta trèo lên tầng 2 của căn nhà để lấy cho bà một cái hộp mà bà đựng những kỷ vật của gia đình mình - với bà đó là báu vật duy nhất còn lại, cả gia đình bà đã nằm lại dưới đống đổ nát. Đã một tuần liền bà nhờ rất nhiều đội cứu hộ, ngay cả đoàn cứu hộ của chính người Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đều bị từ chối bởi ngôi nhà của bà quá nguy hiểm và nó có thể sập bất cứ lúc nào.

Vậy mà một chiến sĩ của chúng ta đã sẵn sàng trèo lên và mang được cái hộp ra cho bà - một người dân nước bạn rất đỗi bình thường, chẳng có vai vế gì trong xã hội. Chúng tôi lúc đó đã nghĩ, chiến sĩ Việt Nam có thể sẽ phải đánh đổi bằng chính tính mạng của mình. Sau sự việc này, bà đã kể lại câu chuyện về các chiến sĩ Việt Nam với những người còn sống sót xung quanh mình, tất cả họ đều rất sẵn sàng chia sẻ những gì họ có với các chiến sĩ của ta, từ cái bánh mì, quả bí đỏ - vốn rất quý giá với họ.

Qua đó, có thể thấy mọi hành động của chúng tôi lúc bấy giờ đều xuất phát từ trái tim, từ tinh thần tương thân tương ái chứ không hề có một mục tiêu chính trị nào trong đó!

“Hãy cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm đúng với tình cảm của mình thì kết quả sẽ không phụ”.

Ngoại giao cứu trợ là một điều không mới. Tinh thần hòa hiếu, tương thân, tương ái của Việt Nam xưa nay đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, với một vị thế mới, tâm thế mới của Việt Nam như hiện nay, ngoại giao cứu trợ, theo Đại sứ cần hiểu theo những phương diện như thế nào?

Hoạt động cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, chia ngọt sẻ bùi là truyền thống của dân tộc ta. Suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài, người Việt Nam cũng luôn có một câu nói “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Những khi lũ lụt, hạn hán, sạt lở chúng ta cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Với không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, nếu điều kiện còn hạn chế và chỉ có tấm lòng mà thôi thì rõ ràng nếu muốn giúp đỡ ai khác cũng sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, khi điều kiện chúng ta tốt hơn, vững vàng hơn thì chúng ta có thể nỗ lực giúp đỡ lại người khác trong khả năng của mình. Từ việc Đảng và Nhà nước cử hai đoàn cứu hộ cứu nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua cũng như việc sẽ thành lập Quỹ Việt Aid trong thời gian tới đã thể hiện tinh thần rằng Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nước trên thế giới, điều đó đã trở thành một chính sách, chứ không phải chúng ta chỉ biết chờ đợi sự giúp đỡ đến từ các nước khác.

Chúng ta có thể phân tích những quyết định, chính sách đó dựa trên hai khía cạnh. Thứ nhất, Việt Nam có năng lực, có các nguồn lực, có các khả năng để giúp đỡ các nước khác. Đất nước Việt Nam đang ngày càng phát triển, từng bước thay da đổi thịt, có khát vọng vươn lên từng ngày. Trước kia, chúng ta phải nhập khẩu gạo thì ngày nay đã trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và nhân dân trên thế giới.

Thứ hai, sự sẻ chia giờ đây là rất quan trọng giữa các quốc gia, khi chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề chung như thảm họa thiên nhiên, không thể tự quốc gia nào có thể giải quyết. Có những khó khăn đòi hỏi tất cả mọi người trên thế giới phải cùng nhau khắc phục hậu quả, do vậy, Việt Nam hoàn toàn có nhận thức phải giúp đỡ bạn bè trên thế giới.

III. Kiên định - “người bạn Thổ”

Nhìn một cách tổng thể, Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là một đất nước cũng ở nhiều thế khó trong đối ngoại với những câu chuyện nào Nga, nào Mỹ nào NATO, EU… Làm đối ngoại ở đây, Đại sứ có những nhìn nhận như thế nào về chính sách của đất nước Âu-Á này?

Đến nay, các chuyên gia đều đánh gia Thổ Nhĩ Kỳ trước hết là cường quốc ở khu vực và tham vọng không chỉ dừng lại ở khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, nhưng khi Mỹ và phương Tây tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga về vấn đề Crime hay Ukraine thì Thổ Nhĩ Kỳ đều phản kháng chính đồng minh của mình trong NATO.

Nhiều người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ rất muốn xích lại gần với Nga, nhưng trên thực tế thì họ ủng hộ Ukraine dưới góc độ bảo vệ chủ quyền quốc gia thông qua các hành động như hỗ trợ một phần về mặt quân sự, sử dụng quyền trong eo biển Bosporus trong thời gian xung đột để hạn chế tàu chiến của Nga đi qua eo biển này. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đang thi hành chính sách rất tự chủ và họ có cơ sở, nguồn lực để duy trì điều đó.

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ rất tự chủ và có đường lối rõ ràng để thực hiện được chính sách đó. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu rất nhiều sức ép từ những nước không muốn họ tự chủ. Với những nước muốn thi hành chính sách tự chủ thì họ phải trả lời được ít nhất 2 câu hỏi. Thứ nhất là họ có thực sự muốn có chính sách tự chủ không? Thứ hai là nếu tự chủ thì nguồn lực ở đâu để tự chủ? Và tôi tin chắc rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã trả lời được hai câu hỏi đó.

Khi có chuyện bất đồng với các nước EU, chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng trục xuất 13 đại sứ EU khỏi đất nước. Điều đó chứng tỏ họ rất kiên quyết và để có sự kiên quyết đó rõ ràng họ phải có sự hậu thuẫn, không phải từ các nước bên ngoài mà chính là sự ủng hộ của người dân trong nước dựa trên nguồn lực có được. Nếu có sự căng thẳng với các nước châu Âu, họ chấp nhận sự thua thiệt nhưng sự thua thiệt đó có thể chấp nhận.

Lãnh đạo Việt Nam có một tầm nhìn mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, do vậy, là động lực để Đại sứ quán triển khai mạnh mẽ quan hệ hợp tác với phía bạn.Lãnh đạo Việt Nam có một tầm nhìn mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, do vậy, là động lực để Đại sứ quán triển khai mạnh mẽ quan hệ hợp tác với phía bạn.Lãnh đạo Việt Nam có một tầm nhìn mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, do vậy, là động lực để Đại sứ quán triển khai mạnh mẽ quan hệ hợp tác với phía bạn.

“Cũng nhờ tình cảm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Việt Nam, từ đó, công việc đối ngoại của chúng tôi cũng được triển khai rất dễ dàng”.

Với Việt Nam, một loạt chuyến thăm cấp cao trong năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Trung Đông, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một cách tiếp cận mới, mạch lạc hơn đối với khu vực. Với riêng Thổ Nhĩ Kỳ thì sao, việc khởi động trao đổi cấp cao đã tạo ra những bước chuyển đáng kể trong quan hệ song phương?

Chuyến thăm cấp cao cuối năm 2023 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thổ Nhĩ Kỳ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Rõ ràng, quyết định để có được chuyến thăm cấp cao như vậy đã cho thấy Lãnh đạo ta đã có một tầm nhìn với đối tác. Chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã cho thấy một chính sách hoàn toàn mới của Việt Nam đối với khu vực. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để có đột phá trong phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc tìm ra thị trường mới là điều bắt buộc trong đó có thị trường Trung Đông.

Tiềm năng ở khu vực Trung Đông chúng ta cũng có thể thấy rất rõ ở thời điểm hiện nay, tạo dựng và thúc đẩy các mối quan hệ với khu vực Trung Đông vì thế cũng trở nên bức thiết hơn. Các chuyến thăm của Thủ tướng tới Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đều tạo ra những động lực lớn để thúc đẩy quan hệ với các nước nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung. Ngay lập tức sau các chuyến đi đã thấy được thành quả tốt đẹp mà chúng tôi được thụ hưởng, phía bạn đã đề nghị chúng tôi khẩn trương tiến hành nối lại các công việc đang còn ngưng trệ như đối thoại Ủy ban liên chính phủ lần thứ 8 (bị ngưng trệ từ năm 2019). Dự kiến tháng 3/2024, đối thoại này sẽ được tổ chức. Rõ ràng, sau mỗi chuyến thăm cấp cao, Cơ quan đại diện “thu lượm” được rất nhiều thuận lợi. Việc biến những điều kiện thuận lợi đó thành những kết quả cụ thể đòi hỏi Cơ quan đại diện phải nỗ lực rất nhiều, nếu không cơ hội cũng sẽ vụt khỏi tầm tay.

Thực hiện: Phương Hằng |Thiết kế: Lim Dim |Nguồn ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, TTXVN, VGP…

Đọc thêm

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.
Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Còn nhớ trong một trả lời phỏng vấn trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhắc đến ước vọng của chính Bộ trưởng và mỗi cán bộ ngoại giao về một thế giới hòa bình và đất nước có cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Tháng Hai - tháng của khát vọng mùa Xuân, với hai chuyến thăm “xuất hành” đa phương và song phương của Bộ trưởng tới châu Âu, có thể thấy rõ những mầm ươm của ước vọng đang lớn dần.
Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Hạnh phúc là gì? Nhiều khi ta lúng túng! Với mỗi người và đặc biệt với phụ nữ, thật khó để định nghĩa rõ khái niệm này. Cùng Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Minh Hằng có một góc nhìn về “hạnh phúc” nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3.
75 năm MotoGP và hành trình 2024

75 năm MotoGP và hành trình 2024

Cuộc đua đầu tiên năm 2024 sẽ bắt đầu tại trường đua Lusail International ở Qatar từ ngày 8-10/3. Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua tình hình nhân sự và việc chuẩn bị của các đội đua cho mùa giải kỷ niệm 75 năm MotoGP. Liệu các đội Aprila, KTM và Yamaha có lật đổ sự thống trị 2 năm liên tiếp của Ducati? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Ngoại giao Việt Nam - 'Đẹp' từ chính sách đến con người

Ngoại giao Việt Nam - 'Đẹp' từ chính sách đến con người

Trong cảm nhận của nhiều nhà ngoại giao nước ngoài, đối ngoại và ngoại giao Việt Nam luôn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bản sắc rất riêng từ chính sách đến con người, để chỉ cần gợi ra họ đã có thể thốt lên ngay: 'Đó là Việt Nam!'.